"Có một khía cạnh là sự phát triển của các tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước (lực lượng chủ yếu của nền kinh tế phát triển) không phải là yếu tố tạo ra sự ổn định cho xã hội Việt Nam, mà chỉ là một công cụ để tạo lập địa vị quốc tế của xã hội Việt Nam" - chuyên gia Nguyễn Trần Bạt phân tích.
Khủng hoảng kinh tế thế giới đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề cho các nhà điều hành vĩ mô. Tuỳ thuộc vào đặc điểm của mỗi quốc gia khác nhau mà các vấn đề được đặt ra có ý nghĩa quan trọng khác nhau. Đối với Việt Nam, việc xác định lại mục tiêu phát triển là vấn đề quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của chúng ta.
Con người, trung tâm của phát triển
Đã có những thảo luận về việc xác định mục tiêu trong giai đoạn hiện tại để từ đó có những giải pháp thích hợp nhằm ra khỏi khủng hoảng. Một luồng ý kiến cho rằng, Việt Nam cần gạt bỏ mục tiêu tăng trưởng như một yếu tố tiên quyết và bắt buộc, chỉ nên dùng nó như một chỉ số để tham chiếu, thay vào đó, quan trọng hơn, cao hơn là mục tiêu về việc làm, đây cũng là xu thế chung thể hiện trong gói giải pháp chống khủng hoảng của các nước trên thế giới.
Việc đặt tốc độ tăng trưởng thành mục tiêu chủ đạo quyết định toàn bộ thái độ của xã hội đối với phát triển là phiến diện. Nó không sai về kinh tế học mà phiến diện về xã hội học, về chính trị học. Tăng trưởng chỉ là một tham số để xét một khía cạnh chứ không phải là toàn bộ đời sống phát triển. Vấn đề trung tâm của mọi chương trình phát triển là con người, một chỉ tiêu phiến diện như tốc độ tăng trưởng không đủ năng lực để phản ánh con người được gì trong quá trình ấy. Hơn nữa, trong chỉ tiêu tăng trưởng tổng hợp của bất kỳ quốc gia nào đều có sự chen vào của một khái niệm hết sức ghê gớm là khoảng cách giàu nghèo. Nếu lấy tăng trưởng là mục tiêu chính thì khoảng cách giàu nghèo vốn phản ánh sự phân bố tự nhiên về mặt năng lực sẽ được nới rộng thêm bằng sự phân bố phi tự nhiên về mặt tiền vốn và đào tạo. Có lẽ đây là lúc chúng ta cần phải gạt bỏ một cách không thương tiếc việc lấy tốc độ tăng trưởng, lấy GDP hàng năm trở thành mục tiêu xã hội.
Về việc làm, nếu nói đến nó như là một mục tiêu thì rất dễ phạm phải một sai lầm là không quan tâm đến việc làm với chất lượng như thế nào. Nếu xem việc làm là chủ yếu và đi theo lối phát triển việc làm thì chúng ta sẽ đẩy xã hội vào một trạng thái gọi là trạng thái tồn tại vất vả. Việc làm mang lại ổn định tối thiểu nhưng không hẳn đã mang lại hạnh phúc. Phát triển việc làm và chất lượng của nó để tác động một cách tích cực vào sự tiến bộ của đời sống con người mới là mục tiêu lâu dài. Cho nên, lấy tăng trưởng GDP hay lấy tăng trưởng việc làm làm mục tiêu đều phiến diện cả. Việc xây dựng các chính sách vĩ mô phải dựa trên mục tiêu dài hạn và ổn định chứ không phải là dựa vào những điều kiện của năm nay hoặc sang năm. Mục tiêu phát triển có thể có thêm các tham số phản ánh tình thế của từng thời điểm, của từng giai đoạn, nhưng hạt nhân của nó phải là con người. Chừng nào không đạt được đến những tác động có lợi cho sự phát triển đời sống của con người thì có nghĩa là hoạt động điều chỉnh vĩ mô không thành công.
Chiến lược xây dựng đồng thời hai nền kinh tế
Chiến lược nào là phù hợp trong bối cảnh hiện nay? Quan sát những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có thể thấy, nếu một nền kinh tế cụ thể trở thành yếu tố vãng lai thuần tuý đối với nền kinh tế thế giới thì toàn bộ lý thuyết phát triển nền kinh tế ấy là sai. Các nền kinh tế vẫn phải giữ được địa vị độc lập của nó khi tham gia vào quá trình toàn cầu hoá. Những người ra trận bao giờ cũng phải có hậu phương. Trong kinh tế cũng vậy, để tồn tại được trong tất cả các điều kiện, kể cả những điều kiện khó khăn nhất của thế giới, mỗi một quốc gia đều phải xây dựng nền kinh tế có cấu trúc cân đối chia ra làm hai mảng rất rõ ràng mà tôi tạm gọi là kinh tế bản thể và kinh tế phát triển.
Kinh tế phát triển là bộ phận tiên phong, nó gắn liền với việc tạo lập các tổ chức kinh doanh và các cấu trúc hàng hoá có thể tham gia vào quá trình cạnh tranh toàn cầu. Còn kinh tế bản thể là bộ phận có chất lượng bảo hiểm đời sống xã hội, nó giải quyết các vấn đề cốt yếu của đời sống hàng ngày, do đó, nó gắn liền với thị trường nội địa và lực lượng chủ yếu của nó là khu vực kinh tế tư nhân, khu vực vừa và nhỏ. Đây là nền kinh tế cơ bản mà mỗi một không gian kinh tế cần phải có.
Củng cố nền kinh tế bản thể như một yếu tố độc lập với tất cả các biến động, các khủng hoảng của thế giới là việc mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải làm. Và càng toàn cầu hoá bao nhiêu thì yêu cầu củng cố nền kinh tế bản thể càng lớn bấy nhiêu, bởi nếu tỷ trọng của nền kinh tế bản thể không đủ nặng thì quá trình toàn cầu hoá sẽ hút tuột nền kinh tế của chúng ta, làm chúng ta biến mất trong vòng xoáy của nền kinh tế toàn cầu. Hiện tượng khủng hoảng kinh tế vừa rồi của thế giới chính là hiện tượng mà các nền kinh tế bản thể bị hút, bị nhổ rễ ra khỏi lợi ích của những con người cư trú trong các vùng lãnh thổ.
Với thực trạng của Việt Nam, tôi cho rằng việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam phải là kết quả của việc xây dựng đồng thời cả nền kinh tế bản thể và nền kinh tế phát triển, và vai trò của nhà nước là phải cân đối tỷ lệ hợp lý của hai nền kinh tế này.
Từ việc xác lập tỉ lệ hợp lý của hai nền kinh tế, chúng ta sẽ thấy rất nhiều vấn đề đặt ra, chẳng hạn như: phải cân đối tài nguyên như thế nào, phân bố tín dụng như thế nào, phân bố giáo dục đào tạo như thế nào. Tuy nhiên, bên trên tất cả những chuyện ấy, chúng ta cần phải thấy được vai trò chính trị của hai nền kinh tế này. Trong những nghiên cứu gần đây, tôi phát hiện ra một khía cạnh là sự phát triển của các tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước (lực lượng chủ yếu của nền kinh tế phát triển) không phải là yếu tố tạo ra sự ổn định cho xã hội Việt Nam, mà chỉ là một công cụ để tạo lập địa vị quốc tế của xã hội Việt Nam. Chính nền kinh tế bản thể với hạt nhân của nó là khu vực tư nhân, khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là nơi cấu tạo ra toàn bộ sự yên tĩnh xã hội mà nếu diễn tả bằng thuật ngữ thì đấy chính là sự ổn định chính trị.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com