“Khó có thể nói chúng ta không đủ các điều kiện để đầu tư công nghệ cao, chế biến sâu tài nguyên khoáng sản, quan trọng là cơ chế quản lý, công khai hóa như thế nào” - Ông Phạm Quang Tú – Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) nhấn mạnh.
Theo ông Tú, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản hiện nay có hiệu quả không cao, chủ yếu là khai thác rồi sơ chế và xuất khẩu sản phẩm thô. Hàm lượng chất xám hay giá trị gia tăng trong sản phẩm khoáng sản xuất khẩu còn rất hạn chế.
- Nhưng thực tế đầu tư chế biến sâu không phải đơn giản, thưa ông ?
Thực tế, do yêu cầu phục vụ phát triển, chúng ta đã buộc phải chấp nhận một thời gian dài khai thác, sơ chế rồi xuất khẩu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, khó có thể nói rằng chúng ta không đủ các điều kiện để đầu tư công nghệ cao, chế biến sâu TNKS.
Theo tôi, chúng ta phải định vị lại giá trị của TNKS. Lâu nay chúng ta vẫn có quan điểm TNKS là của trời cho, của trời cho thì không quý. Từ đó, các DN chỉ biết khai thác vô tội vạ. Cứ chỗ nào dễ khai thác, ít đầu tư là xí phần. Khi khai thác thì miễn là có lời nhanh nhất, nhiều nhất, hầu như họ chẳng quan tâm tới hiệu quả tài nguyên mà chỉ có vấn đề lợi nhuận được đặt lên hàng đầu.
Nhiều DN không chịu đầu tư công nghệ tiên tiến mà chỉ ăn xổi. Một phần do các DN này quy mô nhỏ không có khả năng đầu tư công nghệ chế biến sâu. Phần khác là họ chẳng cần đầu tư công nghệ làm gì vì đã có lời ngay từ việc sơ chế để xuất khẩu.
Các DN khai khoáng thời gian qua hầu như chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế trước mắt. Họ gần như không quan tâm đến môi trường. Những hoạt động khắc phục hậu quả môi trường thường chỉ mang tính chất đối phó, chiếu lệ. Điều này khiến những nơi có TNKS được khai thác sẽ khó có thể lành được vết thương về môi trường. Thực tế, để khắc phục được hậu quả môi trường ở những nơi này, kinh phí phải bỏ ra sẽ vô cùng lớn và thời gian chữa lành có thể kéo dài tới nhiều thế hệ.
- Vậy theo ông, làm thế nào để tránh tình trạng DN “ăn xổi” ?
Về tiềm năng, rất nhiều DN của VN đã đủ các điều kiện đầu tư các công nghệ hiện đại vào loại nhất hiện nay từ khai thác đến chế biến. Ngoài ra, với cơ chế mở cửa, các DN VN hoàn toàn có thể liên doanh, liên kết với các tập đoàn lớn từ bên ngoài.
Do vậy, theo tôi, các cơ quan quản lý cần cân nhắc lại các điều kiện để cấp phép khai thác. Chỉ những DN có đủ điều kiện về tiềm năng tài chính, cũng như công nghệ mới được cấp phép. Hơn nữa, tùy từng loại khoáng sản để xây dựng các yêu cầu về công nghệ cũng như hàm lượng chất xám buộc phải có trong các sản phẩm xuất khẩu.
- Phải chăng chúng ta cũng cần có có chế, chính sách hỗ trợ các DN đầu tư công nghệ vào lĩnh vực này, thưa ông ?
Tất nhiên, chế biến sâu thế nào tùy thuộc ở DN. Nhà nước chỉ đưa ra một chuẩn buộc từng loại sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu chế biến để xuất khẩu. Nhưng các DN chế biến càng sâu càng tốt. Nhà nước có thể khuyến khích bằng chính sách thuế. Ví dụ, mức độ chế biến càng sâu càng giảm thuế...
- Theo các chuyên gia, nếu tham gia “Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI)” thì VN sẽ giải quyết được vấn đề hiệu quả sử dụng TNKS ?
EITI không đi sâu vào lĩnh vực thu chi của từng DN. Từ trước đến nay, nguồn thu cơ bản trong lĩnh vực khai khoáng từ thuế TNKS. Tuy nhiên, việc thu thuế này vẫn dựa vào báo cáo của các DN. Do đó, việc DN khai thác nhiều báo ít chắc chẳng phải chuyển hiếm gặp.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là chúng ta chưa có nghiên cứu đánh giá trữ lượng. Đây là hạn chế rất lớn. Nếu có một bản đồ đánh giá trữ lượng các mỏ thì chúng ta hoàn toàn có thể đấu thầu công khai việc khai thác từng mỏ. Thuế tài nguyên sẽ thu được mức cao nhất. Các mỏ cũng sẽ được khai thác triệt để, không lãng phí.
Chính vì vậy, bên cạnh việc tham gia EITI, chúng ta cần có một nghiên cứu, đánh giá trữ lượng để đưa ra một bức tranh tổng thể về nguồn lực TNKS của VN. Từ đó, việc quản lý, giám sát cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng TNKS mới thực sự đi vào nề nếp.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com