Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao giá USD ‘chợ đen’ thấp hơn giá ngân hàng?

 TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc Gia, nói về việc thị trường ngoại tệ ngày một bị siết chặt hơn.

Lãi suất ngoại tệ hiện đồng loạt giảm về dưới mức trần cho phép 3%/năm, tăng 2% tỷ lệ dự trữ bắt buộc và siết chặt cho vay ngoại tệ, được nhận định là sẽ có nhiều tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất VND khi nhà đầu tư chuyển sang gửi tiết kiệm bằng đồng nội tệ.

Phản ứng của thị trường ngoại hối

Xin ông có thể bình luận về một loạt chính sách mà NHNN vừa đưa ra, trong đó có áp dụng trần lãi suất huy động USD, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng ngoại tệ và hạn chế đối tượng được vay đồng USD?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Theo tôi, các chính sách được NHNN đưa ra mạnh mẽ như vậy là những động thái vô cùng đúng đắn. Ở đây, NHNN áp dụng đồng thời 2 giải pháp thị trường kết hợp với hành chính. Thứ nhất là các giải pháp liên quan đến thị trường - tạo ra 1 khuôn khổ lãi suất làm cho người dân cảm thấy việc gửi và vay bằng ngoại tệ đều không có lợi bằng nội tệ. Biện pháp chủ chốt là tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ lên, khiến cho các NHTM buộc phải hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống, và tăng lãi suất cho vay ngoại tệ lên.

Bên cạnh đó, còn có các biện pháp mang tính hành chính như việc áp dụng trần lãi suất nhằm hỗ trợ cho các biện pháp thị trường. Đây là những bước đi đầu tiên nằm trong giai đoạn 1 của chương trình “chống đô la hoá” của chính phủ.

Theo ông, các mục tiêu chính của NHNN trong việc đưa ra chính sách mới này là gì, và mức độ điều chỉnh lần này có đủ để thực hiện các mục tiêu chính đó hay không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Theo tôi mục tiêu chính của NHNN là làm cho người đang gửi tiền bằng ngoại tệ từ ngân hàng không thích gửi tiền ngoại tệ nữa, mà sẽ chuyển sang gửi tiền đồng. Các NHTM không thích nhận tiền gửi ngoại tệ, cũng như không thích cho vay ngoại tệ. Còn các doanh nghiệp cũng sẽ không thích vay bằng ngoại tệ.

Nói tóm lại, mục tiêu của NHNN là sẽ làm cho thị trường cảm nhận rằng là đồng ngoại tệ đang dần bị loại bỏ ra khỏi hệ thống ngân hàng với tư cách là tài khoản tiền gửi và tiền cho vay và biến từ hoạt động vay mượn USD sang mua bán USD.

Thực sự, những biện pháp mà NHNN vừa công bố chỉ mang tính chất thăm dò trong một lộ trình “chống đô la hoá” chi tiết. Trong cuộc họp Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nói “kiên quyết, kiên quyết xoá bỏ tình trạng đôla hoá”. Điều này thể hiện ý chí rất lớn của Chính phủ đối với việc loại bỏ tình trạng này.

Tôi thấy đây là thời điểm đầu tiên Chính phủ đặt vấn đề “chống đô la hoá” nghiêm túc, với một lộ trình rất rõ ràng với sự kết hợp đồng bộ giữa các biện pháp thị trường và hành chính.

Như vậy nghĩa Nhà nước có thể xem xét tăng liều lượng của các giải pháp chống đô la hóa trong thời gian tới nếu cần đúng không thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Chính xác là như vậy. Việc tăng dự trữ bắt buộc có thể lên đến 10 hoặc hơn 10% nếu Ngân hàng Trung ương thực sự thấy điều đó là cần thiết. Bên cạnh đó có thể áp dụng các biện pháp khắt khe hơn không chỉ dừng ở việc hạn chế tiền gửi bằng ngoại tệ mà tiến tới là hạn chế cả cho vay ngoại tệ.

Ngay sau khi áp dụng các chính sách mới, tỷ giá USD trên thị trường tự do đã có dấu hiệu giảm giá, thậm chí còn có thời điểm giá USD trên thị trường tự do còn thấp hơn giá USD trong hệ thống ngân hàng. Vậy theo ông, đó có phải là dấu hiệu tích cực đầu tiên của các chính sách mới hay không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đây đúng là một động thái tích cực. Chúng tôi hy vọng nếu áp dụng các biện pháp này từ nay cho đến cuối năm, thì người dân cảm thấy việc vay và gửi đồng VND là yếu tố tất yếu chứ không phải do ai ép buộc, và họ nhận thấy lợi ích của họ được đảm bảo hơn khi gửi và cho vay VND.

Thưa ông, tại sao đồng USD trên thị trường tự do lại giảm mạnh hơn trong USD ngân hàng, điều không thấy trong 2 năm trở lại đây?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Khi chúng ta áp dụng một loạt các biện pháp này thì phần lớn các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư lớn họ đã thấy việc đầu cơ và găm giữ ngoại tệ cũng không có lợi nữa. Đặc biệt, đối với các ngân hàng nước ngoài huy động và thanh toán chủ yếu bằng ngoại tệ, khi lãi suất bị hạ xuống thấp như vậy, trong khi trạng thái ngoại hối cao là không còn có lợi.

Doanh nghiệp, ngân hàng, các nhà đầu tư lớn sẽ tránh găm giữ ngoại tệ, thay vào đó là bán ngoại tệ để đầu tư vào lĩnh vực khác. Cho nên, cung trên thị trường là khá phong phú cho dù cầu cũng là đang rất lớn.

Tác động lên thị trường tiền tệ

Theo lý thuyết, việc tăng dự trữ bắt buộc USD đồng nghĩa với việc tăng chi phí vốn vay USD, kèm theo biện pháp áp dụng giá trần mức lãi suất huy động USD kéo lãi suất huy động từ 5% xuống còn 3%. Theo ông nếu tổng hợp 2 tác động trái chiều này thì lãi suất huy động đồng USD trong thời gian tới sẽ biến động thế nào?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi đoán chắc chắn lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ sẽ giảm, còn lãi suất cho vay thì ngày càng cao hơn. Đồng thời, các danh mục cho vay ngoại tệ càng ngày càng bị siết chặt. Nhưng nó sẽ có tác động hai chiều và sẽ làm cho tiền gửi và cho vay VND trong ngân hàng sẽ tăng lên, làm mặt bằng lãi suất VND bị giảm xuống.

Việc áp dụng lãi suất trần huy động USD cũng cho thấy Nhà nước kiên quyết giảm lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ xuống. Khi các NHTM có ý định lách trần, thì buộc cơ quan quản lý tăng dự trữ bắt buộc lên. Chúng ta sẽ sử dụng đồng thời 2 công cụ cùng một lúc, công cụ này hỗ trợ công cụ kia.

Với biến động lãi suất cho vay USD như vậy, liệu doanh nghiệp có chuyển từ vay ngoại tệ sang vay tiền đồng hay không? Hay nói cách khác, tốc độ tăng trưởng tín dụng USD nóng trong quý 1 vừa qua có được hạ nhiệt?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Sau một loạt các động thái của Chính phủ được đưa ra theo lộ trình chống “đô la hoá” thì doanh nghiệp nào vốn lợi dụng sự tăng cao của lãi suất tiền gửi ngoại tệ để găm giữ ngoại tệ thì nên ngay lập tức quyết định đường lối thích hợp mới cho mình, nếu không có thể sẽ trở tay không kịp.

Chính phủ sẽ áp dụng gay gắt đối với tài khoản trong ngân hàng của doanh nghiệp đó, nó sẽ bị coi là tài khoản không kỳ hạn hay có thể chịu lãi suất bằng 0 (trong khi thực tế thì lãi suất đang bằng 1%). Chính phủ tính toán sẽ đặt kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp trong năm nay sẽ dựa hoàn toàn vào đồng nội tệ.

Thị trường nội tệ và ngoại tệ liên thông rất mật thiết với nhau. Việc khuyến khích người dân cũng như doanh nghiệp giao dịch bằng đồng nội tệ nhiều hơn, theo ông, có cải thiện được tình trạng thanh khoản tiền đồng vốn đang khó khăn hay không?


TS. Lê Xuân Nghĩa: Theo tôi dự đoán thì trong đầu quí 3/2011 trở đi thì lãi suất cho vay và gửi VND sẽ giảm. Có 3 yếu tố chính tác động làm giảm lãi suất: lạm phát có chiều hướng giảm (dao động vào khoảng 12%/năm), đồng VND được đánh giá cao hơn đồng USD (lãi suất VND cao hơn USD), và có một khoản vốn được chuyển từ khu vực công sang khu vực tư.

Một số ý kiến cho rằng sẽ có một dòng ngoại tệ chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, hay chảy ra khỏi Việt Nam, đó là những dòng ngoại tệ chảy từ nước ngoài vào để hưởng lãi suất cao trong thời gian qua. Vậy theo ông điều này có đáng lo ngại hay không?


TS. Lê Xuân Nghĩa: Theo ước tính tôi biết, thì trong hơn 8 tỷ USD kiều hối, có một nửa là từ người lao động Việt Nam gửi về nước. Trong một nửa còn lại, có khoảng 2,5 tỷ USD  là Việt kiều gửi về nước. Hai nguồn trên khá ổn định, không bị tác động quá nhiều về lãi suất tăng hay giảm.

Còn lại, số tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất khoảng 1,5 tỷ USD. Đây là con số không quá nhiều. Ngoài ra, đây cũng không phải dòng tiền tích cực vì nó tạo ra rủi ro khi các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn ra, tạo áp lực rất lớn cho thanh khoản ngoại tệ của ngân hàng.

Hiện tại, tuy động thái của Chính phủ từ từ nhưng cũng phải làm cho các nhà đầu tư kiểu này phải tính đến việc rút dần và đầu tư theo hướng khác.

Người dân và doanh nghiệp nên hành xử thế nào?

Giả sử ông đang có một khoản tiền nhàn rỗi muốn gửi ngân hàng vào thời điểm này, thì ông sẽ lựa chọn tiền đồng hay USD để gửi?


TS. Lê Xuân Nghĩa: Tất nhiên là tôi sẽ chọn tiền đồng để gửi. Thực tế thì lãi suất thực nhận được khi gửi VND trong ngân hàng là 16-17%/năm, không như lãi suất trần mà nhà nước đã qui định là 14%/năm.

Nếu tính về lợi tức tiền gửi thì đây là khoản lãi vay lớn nhất hiện nay. Và nếu nhà nước áp dụng chính sách chống “đô la hoá” một cách kiên quyết, thì lãi suất tiền gửi đôla sẽ không giữ ở mức 3% như hiện nay, mà nó sẽ xuống chỉ còn 1%.

Thế còn vào vị trí của doanh nghiệp, khi vay vốn thì họ nên chọn vay tiền Việt hay USD?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Trong tình hình này thì các doanh nghiệp phải có sự lựa trọn tương đối khôn ngoan. Họ có thể thay đổi phương án nhập khẩu hay xuất khẩu và ngay cả các phương án tín dụng. Với các chính sách như hiện nay thì doanh nghiệp nhập khẩu đang ở trong thế vô cùng bất lợi, trước đây họ vay ngoại tệ để nhập khẩu còn giờ đây họ phải tính đến chuyện mua ngoại tệ để nhập khẩu, họ không thể cân đối ngoại tệ như các đơn vị xuất khẩu.

Nếu chúng ta trong tình trạng “đô la hoá” thì trong việc kinh doanh cả xuất và nhập sẽ bấp bênh hơn nhiều, nay thế này, mai lại thế khác. Lúc vay nội tệ, lúc vay ngoại tệ trong khi các ngân hàng không thể thay đổi nhanh như vậy được. Quan trọng là họ phải dùng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro hối đoái, thị trường hối đoái năm nay phải ổn định.

Nếu thị trường hối đoái tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp bất lợi còn doanh nghiệp nhập khẩu lại có lợi và nếu thị trường đi xuống thì ngược lại. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp như mua công cụ kỳ hạn, hay quyền chọn để phòng ngừa rủi ro hối đoái.

Chúng ta nên phấn đấu trong vòng vài ba năm nữa sẽ loại bỏ hoàn toàn tiền gửi và tiền cho vay ra khỏi ngân hàng thì lúc đấy doanh nghiệp không cần phải băn khoăn nên vay đồng tiền nào.

Theo ông, ngoài những biện pháp mà NHNN vừa đưa ra trong thời gian vừa qua, thì trong thời gian tới liệu có biện pháp gì nữa để hạn chế tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Chúng tôi đã đệ trình lên 3 giai đoạn. Các gói giải pháp mà Nhà nước đang áp dụng thuộc gói ở giai đoạn đầu (nó cũng là bước đi đầu tiên của giai đoạn 1 kéo dài từ nay đến cuối năm) và các gói tiếp theo có lẽ sẽ có các chính sách như giai đoạn 1 nhưng tất nhiên với cường độ sẽ được thắt chặt hơn.

Xin cảm ơn ông!

(NDHMoney)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Từ 1-7, Luật Bảo vệ người tiêu dùng chính thức có hiệu lực: Có bảo vệ được người tiêu dùng?
  • Hạ tầng EWEC đang bị lãng phí nghiêm trọng
  • Vụ Công ty cho thuê tài chính II lỗ 3.000 tỉ đồng: Ngân hàng hạ mức bảo lãnh, BHXH không biết?
  • Khu vực FDI đang xuất siêu
  • Thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp diễn suốt quý 2
  • Rút ngắn thời gian thông quan
  • Kiểm soát CPI không vượt 11,75% là thành công
  • Đề nghị bỏ hoàn thuế GTGT với nhiều mặt hàng để giảm nhập siêu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi