Theo ôngAyumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), việc ban hành Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam là rất kịp thời, nhưng cần có thời gian, sự kiên nhẫn thì lạm phát mới giảm.
Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2011, việc thay đổi chính sách trong năm nay của Chính phủ Việt Nam (VN) đã làm giảm nhiều rủi ro trong nước.
Báo cáo cũng dự báo mức tăng trưởng GDP của VN năm 2010 là 6,7%, song cũng đưa ra một số thách thức mà VN đang gặp như: lạm phát cao, hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước, phát triển hệ thống tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và giáo dục...
Ông Ayumi Konishi cho rằng, VN cần thiết phải tăng giá xăng dầu vì vẫn có sự chênh lệch khá lớn giữa giá xăng dầu của VN và thế giới, thế nên Chính phủ phải trợ cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bình ổn giá.
Trước áp lực lớn lên đồng tiền VN, việc Ngân hàng Nhà nước tiến hành các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ và vàng mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, thời gian tới, VN cần tiếp tục kiểm soát chặt thị trường ngoại tệ và vàng.
Chính phủ VN ban hành Nghị quyết 11 nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Việc ban hành Nghị quyết 11 là rất kịp thời. Tuy nhiên, kể cả khi Nghị quyết được triển khai nghiêm túc và thành công thì cũng cần có thời gian, sự kiên nhẫn thì lạm phát mới giảm xuống. Chúng tôi hy vọng là việc này không khiến thị trường và người dân quá lo lắng.
Trong dự báo của ADB, lạm phát của VN được tính ở mức rất cao là 13,3% năm nay, chỉ sau Pakistan (16%). Trong khi đó, các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc được dự báo có lạm phát ở mức thấp hơn rất nhiều, khoảng từ 3 - 6%. Điều này ảnh hưởng thế nào đến tính cạnh tranh của nền kinh tế VN?
Xét về tính cạnh tranh thì ổn định kinh tế vĩ mô có vai trò then chốt. Để giành lại thế ổn định kinh tế vĩ mô, VN buộc phải kiểm soát chặt hiệu quả lạm phát. Trong năm nay, dù các nỗ lực có hiệu quả đến đâu thì lạm phát vẫn chưa thể xuống hẳn, bởi các biện pháp, chính sách cần có thời gian để phát huy tác dụng.
Cũng cần biết, VN có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Tính cạnh tranh của nền kinh tế không phải là vấn đề ngắn hạn, mà là mục tiêu dài hạn. Việc quan trọng phải làm trong năm nay là kiên nhẫn và kiên trì thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11. Chính phủ phải truyền thông một cách đầy đủ diễn biến thực hiện Nghị quyết 11 cho công chúng.
Ngoài ra, lạm phát không phải là nguyên nhân duy nhất ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn có cơ sở hạ tầng, cải cách doanh nghiệp nhà nước và nguồn lao động có kỹ năng. Nếu VN giải quyết được cả ba vấn đề này thì tính cạnh tranh của nền kinh tế sẽ được nâng lên.
Theo ông, thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản có khiến các công ty sản xuất của Nhật Bản chuyển nhà máy sang một nước khác, chẳng hạn như VN, không?
Ở Nhật Bản, trong thời gian tới sẽ diễn ra các nỗ lực hồi phục. Ưu tiên trước mắt là tái lập những gì đã bị mất và hư hại. Điều đó liên quan đến sinh kế của rất nhiều người dân Nhật Bản nên khó có chuyện di dời ngay các cơ sở sản xuất ra một nước khác.
Nhưng có những tác động khác mà VN cần tính tới. Thứ nhất, về đầu tư, những công ty đã lên kế hoạch đầu tư vào VN trong năm nay chắc sẽ xem xét lại kế hoạch. Thay vì đầu tư ra nước ngoài, có thể họ sẽ dùng số tiền đó để vực dậy hoạt động ở Nhật Bản.
Thứ hai, về thương mại, Nhật Bản là một trong những nơi cung cấp linh kiện đầu vào quan trọng cho hàng chế tạo, lắp ráp của VN và những mặt hàng nhập khẩu đó chủ yếu phục vụ xuất khẩu của VN. Nếu kinh tế Nhật suy giảm, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến xuất khẩu của VN sang Nhật.
Thứ ba, có thể việc rót ODA của Nhật Bản cho các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng. Các quan chức chính phủ Nhật Bản đã nói rằng, Nhật Bản sẽ duy trì cam kết của mình, nhưng với tình hình hiện nay, tôi cho rằng còn quá sớm để khẳng định như vậy.
Xin cảm ơn ông!
(Doanh Nhân Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com