Trước tình hình bão lụt, hạn hán dồn dập làm mất mùa nhiều nơi và giá lương thực (90% là gạo) đang tăng trên khắp thế giới, liệu năm nay có tái diễn khủng hoảng giá lương thực như năm 2008 không? Sau đây là ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực này.
GS. TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. |
GS.TS Bùi Chí Bửu – Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam:
“Khó có thể tái diễn như năm 2008”
Sản lượng lúa của thế giới 2010 đạt thấp hơn năm 2009 khoảng 6,5 triệu tấn (FAO - 2011), có nghĩa là đạt 697,9 triệu tấn (tương đương 465,4 triệu tấn gạo). Châu Á chịu thiệt hại do hạn hán và lũ lụt khá trầm trọng. Tuy nhiên sản lượng thóc Châu Á vẫn vượt 3% so với 2009, đạt 631,4 triệu tấn, nhờ sự phục hồi của Ấn Độ, sự phát triển của Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Iran, Bắc Triều tiên, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam. Ngược lại, sự kiện giảm sản lượng đã xảy ra ở Hàn Quốc, Myanmar, Pakistan và Thái Lan do khí hậu bất thuận.
Sản lượng thóc của Châu Phi đạt 24,6 triệu tấn, tăng 1% so với 2009. Sản lượng thóc của Châu Mỹ La Tinh đạt 26,5 triệu tấn, do sự đóng góp đáng kể của Brazil. Thời tiết bất thuận đã xảy ra tại Argentina, Bolivia, Cuba, Peru, Uruguay và Venezuela.Do đó, dự trữ gạo toàn cầu tăng 5%, đạt 136,2 triệu tấn – mức cao nhất từ 2002 cho đến nay.
Tiêu thụ lúa gạo được FAO dự báo tăng 2% trong năm 2010-2011. Trung bình lương thực trên đầu người là 56,7 kg gạo/năm (tăng 1% so với năm 2009).
Việt Nam được mùa và được giá trong năm 2010. Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng lúa 2010 vượt 1,064 triệu tấn, đạt con số kỷ lục 21,5 triệu tấn. Sản lượng lúa cả nước đạt xấp xỉ 40 triệu tấn. Như vậy những yếu tố gây khủng hoảng giá lương thực khó có thể tái diễn như 2008.
Tuy nhiên, nguy cơ thiếu lương thực vẫn còn đó, nếu những nước lớn sản xuất ngô và lúa mì tiếp tục sử dụng mễ cốc làm nhiên liệu sinh học, thay thế dần nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm; giá dầu thô tiếp tục dâng cao khỏi mức kiểm soát.Dự báo cũng chỉ là phỏng đoán trên lý thuyết, vì giá đậu tương đang tăng trong 6 tháng qua khoảng 14 đô la Mỹ/bushel, giá đường tăng 31%, giá ngũ cốc và dầu hạt đã tăng 25%.
Thực tế năm 2011, loài người sẽ phải đối diện với thay đổi khí hậu với hậu quả khôn lường. Về lâu dài, sản lượng lúa và lúa mì vẫn chưa theo kịp đà phát triển dân số trong khi diện tích gieo trồng có xu hướng giảm, nguồn tài nguyên nước thiếu nghiêm trọng. Chưa lúc nào thế giới phải đối mặt gay gắt với nội dung an ninh lương thực như lúc này.
Mặt khác, nông nghiệp Việt Nam đã liên tục gặt hái nhiều thắng lợi, đặc biệt sản xuất lúa gạo. Việt Nam được xem như một điểm sáng được thế giới khâm phục, trong điều kiện đầu tư còn khiêm tốn. Chúng ta mong muốn sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2011 sẽ giữ được nhịp độ phát triển như năm 2010, góp phần bình ổn an ninh lương thực toàn cầu, hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. |
TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:
“Bình tĩnh giải quyết sẽ không khủng hoảng”
Theo báo cáo tại Hội nghị Lúa gạo thế giới lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 11-2010 thì hiện nay có gần một tỉ người trên thế giới đang thiếu lương thực, và việc này càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng ngày càng lớn của biến đổi khí hậu - nhiều nơi sản xuất lương thực lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Nga... bị hạn hán, mưa lũ, cháy rừng.
Rồi trước tình hình khủng khoảng chính trị ở một số nước châu Phi trong những ngày qua, thì những nước đông dân như Indonesia, Trung Quốc... đã chủ động tăng cường tích trữ lương thực, càng làm cho lương thực ngày càng khan hiếm.
Trong thời gian tới, có khả năng có biến động giá lương thực nhưng có lẽ sẽ không xảy ra khủng hoảng lương thực vì các nước đã có kinh nghiệm về việc này vào năm 2008. Việc thiếu lương thực trên thế giới là triền miên, nếu chính quyền các nước bình tĩnh cùng nhau giải quyết, tránh được đầu cơ thì sẽ giảm nhẹ được nguy cơ xảy ra khủng hoảng.
Việt Nam mấy năm nay liên tiếp trúng mùa, và hiện nay vụ lúa đông xuân tiếp tục thắng lợi, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn có quá nhiều rủi ro. Biến đổi khí hậu gây thiên tai, dịch bệnh, khô hạn, ngập mặn, bão lũ... làm cho nguy cơ lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu người nông dân, do vậy chưa thể an tâm với nền sản xuất nông nghiệp chưa thật bền vững. Việt Nam đóng góp trên 20% lượng gạo thương mại trên thế giới nên việc tăng giảm lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đóng vai trò quan trọng cho an ninh lương thực thế giới.
Với kinh nghiệm năm 2008, tôi tin rằng chính quyền và các ngành chức năng có liên quan về an ninh lương thực của Việt Nam sẽ có giải pháp thích hợp cho thị trường lúa gạo trong nước và xuất khẩu. Vấn đề là Việt Nam cần có giải pháp sản xuất lúa gạo thật bền vững để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; có chính sách giải quyết thỏa đáng việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo cho công bằng giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu; có chính sách cho người trồng lúa, làm cho nghề trồng lúa ngày càng thêm hấp dẫn để người nông dân vui vẻ và an tâm sản xuất, tăng sản lượng.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ. |
TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ:
“Để không xảy ra khủng hoảng”
Tình hình lương thực thế giới rõ ràng là đang rất căng thẳng. Có vấn đề từ cung cầu như nhu cầu gia tăng, nguồn cung không đáp ứng kịp. Nhưng có nguyên nhân lớn hơn là mức giá lương thực đang ở mức rất cao từ sau cơn khủng hoảng 2008, không có dấu hiệu dịu bớt mà đang còn có xu hướng gia tăng. Giá lương thực tăng cao làm cho nhiều người nghèo không tiếp cận được, các quốc gia nghèo với ngân sách hạn chế cũng bị đuối sức trong việc trợ cấp.
Không ai dám chắc chắn là kịch bản về giá lúa gạo gia tăng đột ngột như năm 2008 là không thể xảy ra. Xu hướng chung của giá lúa gạo là tiếp tục gia tăng bởi đầu vào của sản xuất đang gia tăng, chi phí đầu tư giờ đây cũng cao hơn rất nhiều so với trước. Đó là chưa nói đến đất canh tác lúa đang bị giảm đến mức khó thể ngăn chặn.
Một rủi ro rất khó dự đoán hiện nay là diễn biến bất thường của thời tiết hàng năm. Biến đổi khí hậu có thể làm mất đi nhiều vùng đất trồng lúa cùng với sự thất thường hàng năm làm cho xu hướng giá cả trở nên bất định. Từ bài học của năm 2008, theo tôi, không có một chính phủ nào trên thế giới dám liều lĩnh cho tự do xuất khẩu lương thực trong những thời điểm nhạy cảm, giá cả tăng vọt, trong khi mà mình vẫn chưa biết chắc điều gì sẽ xảy ra.
Trong những năm tới, dự báo thị trường xuất khẩu lúa gạo Việt Nam sẽ phức tạp hơn khi có nhiều công ty tham gia, mà cách điều hành vẫn như lâu nay là không phù hợp. Một ví dụ cho trường hợp này là việc hỗ trợ mua tạm trữ. Mua tạm trữ để ngăn việc rớt giá để giảm thiệt hại cho nông dân là hoàn toàn đúng. Nhưng người được lợi lớn từ chủ trương này là các công ty được mua tạm trữ.
Chính phủ yêu cầu ngân hàng cấp tín dụng cho các công ty mua tạm trữ và dùng ngân sách hỗ trợ lãi suất thì vấn đề đặt ra là ai được mua tạm trữ? Và trong số được mua đó thì công ty nào được nhiều, công ty nào được ít trong cái bánh ấy là cả vấn đề.
Công bằng ở đây là gì? Nếu có các công ty nước ngoài tham gia thị trường nội địa thì chính phủ có giao chỉ tiêu cho họ mua tạm trữ không? Nếu không cho họ mua thì luật chơi khi ta gia nhập WTO là gì?
Để cải thiện năng lực cạnh tranh của lúa gạo, cần cải thiện chuỗi giá trị đang vận hành hiện nay và nâng cấp cụm ngành đang có. Một trong những vấn đề trước mắt cần xem xét là việc phân bố lại các cụm ngành lau bóng lúa gạo. Cần tích hợp khâu xay xát, đánh bóng chứ không nên để tách rời, thậm chí cách xa về địa điểm như hiện nay. Các cụm mới nên nằm gần hơn vùng sản xuất lúa gạo chứ không chỉ nằm ven trục lộ như hiện nay. Giảm bớt khâu trung gian đòi hỏi phải làm việc này. Để nâng cấp các cụm lúa gạo thì bên cạnh các nhà máy xay xát, đánh bóng cần có thêm hệ thống kho dự trữ đạt chuẩn. Khi thực hiện được việc này chúng ta mới có thể yên tâm với vấn đề an ninh lương thực quốc gia và tham gia xuất khẩu khi thị trường thế giới bất ổn.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com