Nếu buộc phải dùng đến trần lãi suất thì nhà nghiên cứu chính sách Nguyễn Xuân Thành cho rằng nên áp trần huy động, chứ không phải trần cho vay.
Tuần qua, vấn đề lãi suất lại gây xôn xao khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước sắp trình lên Chính phủ 2 phương án điều hành lãi suất. Một là nâng trần lãi suất huy động tối đa lên khoảng 15,5-16,5%/năm và ấn định lãi suất cho vay khoảng 18-19%/năm. Hai là bỏ trần lãi suất huy động, ấn định lãi suất cho vay (cũng ở mức 18-19%/năm).
Dù nhiều suy đoán được đưa ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chính thức lên tiếng. NCĐT đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Nghiên cứu Chính sách Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, xung quanh 2 phương án này.
Dưới góc độ thị trường, theo ông Thành, các nhà nghiên cứu không ủng hộ các biện pháp hành chính như áp trần lãi suất, dù là huy động hay cho vay. Lãi suất là một công cụ cạnh tranh giữa các ngân hàng. Lãi suất cho vay chính là giá bán dịch vụ của ngân hàng. Với cùng chất lượng dịch vụ như nhau, ngân hàng nào có giá bán cạnh tranh hơn thì có nhiều khách hàng hơn.
Lãi suất huy động cũng vậy, nếu ngân hàng làm ăn tốt, có uy tín, mức độ an toàn cao thì sẽ thu hút được người gửi tiền với lãi suất hợp lý. Ngân hàng nhỏ, thương hiệu chưa tốt phải chấp nhận trả lãi suất huy động cao hơn. Như vậy, nếu áp trần lãi suất thì cũng đồng nghĩa với việc triệt tiêu tính cạnh tranh.
Nhưng nếu phải áp dụng biện pháp hành chính, theo ông, Ngân hàng Nhà nước nên chọn phương án nào?
Trên thực tế, trần lãi suất tiền gửi hiện nay cũng không được nhiều ngân hàng tuân thủ. Nhưng nếu phải làm thì nên áp trần huy động, chứ không nên là trần cho vay.
Về bản chất, lãi suất huy động và lãi suất cho vay có sự khác biệt rất lớn. Khi có người mang tiền đi gửi ngân hàng, nhân viên tín dụng chỉ căn cứ vào số tiền gửi nhiều hay ít, thời hạn gửi dài hay ngắn để đưa ra mức lãi suất cao hay thấp, chứ không quan tâm người gửi tiền là ai. Trong khi đó, lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vào khả năng trả nợ của người đi vay, mức độ rủi ro của dự án. Doanh nghiệp lớn, có lịch sử tín dụng tốt, dự án tiềm năng thì sẽ được vay lãi suất thấp hơn. Doanh nghiệp nhỏ, mới hoạt động, dự án rủi ro cao sẽ phải chịu lãi suất cao.
Nếu bị khống chế trần lãi suất, tất nhiên ngân hàng phải chọn đối tượng an toàn hơn để cho vay. Khi đó, chỉ có các doanh nghiệp lớn là được vay, còn doanh nghiệp nhỏ thì không tiếp cận được vốn. Như vậy, ngân hàng không thể thực hiện vai trò là kênh cấp vốn cho cả nền kinh tế và trần lãi suất cho vay chắc chắn sẽ bị phá vỡ.
Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ chỉ có cách này mới hạ được lãi suất?
Lãi suất ngân hàng chỉ có thể giảm một cách căn cơ khi lạm phát có tín hiệu giảm trong những tháng tới. Trên thực tế, vấn đề bức thiết của doanh nghiệp hiện nay là khả năng tiếp cận tín dụng, chứ không chỉ là lãi suất.
Lãi suất cao chắc chắn sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, nhưng có doanh nghiệp chấp nhận trả lãi cao vẫn khó vay. Chẳng hạn, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa huy động vốn thông qua việc phát hành 90 triệu USD trái phiếu quốc tế thời hạn 5 năm với lãi suất danh nghĩa 9,87% và lợi suất đáo hạn lên tới 11%. Mức lãi suất này là cao, nhưng ban lãnh đạo của Tập đoàn vẫn tỏ ra hài lòng vì vay được vốn.
Như vậy vẫn là chuyện thiếu thanh khoản, dù theo thống kê không chính thức, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bơm hơn 17.000 tỉ đồng thông qua thị trường mở?
Trong 4 tháng đầu năm 2011, tổng cung tiền chỉ tăng 1%, thể hiện việc tiền tệ được thắt chặt. Bơm tiền qua thị trường mở và qua tái cấp vốn là có. Vậy lượng tiền này đi đâu?
Lượng vốn tung ra trong những năm qua là rất lớn. Cụ thể, từ năm 2001 đến nay tăng trưởng tín dụng luôn đạt trên 20%/năm (duy nhất có năm 2006 là 19,2%). Thậm chí có những năm tăng vọt như năm 2007 tăng tới 51,39%, năm 2009 (Chính phủ triển khai chương trình kích cầu) là 37,7% và 2010 là 29,8%.
Khi tín dụng tăng, nguy cơ nợ xấu tăng theo là khó tránh khỏi, nhưng tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng những năm qua luôn được báo cáo là ở mức an toàn, cao nhất cũng chỉ khoảng 2,5% tổng dư nợ. Tôi cho rằng khả năng rất lớn là các ngân hàng sử dụng hình thức đảo nợ, vay ở thời điểm lãi suất thấp để trả các khoản vay lãi cao trước đó. Như vậy, các ngân hàng không tăng được khoản vay mới, cũng không thu được nợ và phải luôn cần tiền do Ngân hàng Nhà nước bơm ra để giải quyết vấn đề thanh khoản. Bơm tiền thì cứu được các ngân hàng nhưng lại làm tăng áp lực lạm phát.
Liệu có giải pháp nào có thể giải quyết tạm thời vấn đề thiếu thanh khoản mà không làm gia tăng áp lực lạm phát?
Chính sách tiền tệ thắt chặt cần được duy trì một cách kiên định để kéo lạm phát xuống. Ngân hàng Nhà nước cũng cần sẵn sàng đứng ra cung cấp thanh khoản bằng công cụ thị trường mở, tái chiết khấu và tái cấp vốn. Tuy nhiên việc làm này không được dễ dãi.
Việc tăng các mức lãi suất này (gần đây nhất là tăng lãi suất trên thị trường mở từ 14% lên 15% từ ngày 17.5) phát đi tín hiệu là ngân hàng nào muốn vay vốn của Ngân hàng Nhà nước (do thiếu thanh khoản) thì phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn.
Chính sách tiền tệ cũng cần phải được hỗ trợ bằng chính sách tài khóa. Việc kiên quyết cắt giảm chi tiêu công, thu hẹp thâm hụt ngân sách sẽ làm giảm nhu cầu vay của khu vực công và đưa tín dụng đến khu vực sản xuất kinh doanh, từ đó giải quyết được một phần đáng kể vấn đề thanh khoản.
(Nhịp cầu đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com