Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thí điểm không tổ chức HĐND: “Ý kiến khác nhau là bình thường”

picture
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết thúc hội nghị.

Thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường là vấn đề rất hệ trọng và nhạy cảm nên có ý kiến khác nhau là bình thường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc về Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, sáng 12/9.

Trước khi Chủ tịch phát biểu kết thúc hội nghị, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện phường đã được thể hiện mạnh mẽ trên diễn đàn này. Và, cả quan điểm ủng hộ lẫn không ủng hộ đều nhận được những tràng pháo tay khá dài.

Tại sao không làm ngược lại?

Là người đăng ký phát biểu sau cùng trong 1,5 ngày làm việc của hội nghị, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn, ông Trương Hùng Anh đã lắng nghe không ít ý kiến ủng hộ tuyệt đối việc bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện, phường.

Theo ông Anh, cũng như nhiều đại biểu khác về dự hội nghị, ông rất băn khoăn và thấy thiếu thuyết phục khi nhiều nội dung được đánh giá là tích cực đều gắn với việc không tổ chức hội đồng nhân dân các cấp này, xem hội đồng nhân dân như là trở ngại.

Không đồng tình với ý kiến là hội đồng nhân dân cấp huyện không có thực quyền, ông Anh cho rằng  "không trao thì làm gì có quyền”. Liền sau đó, vị Phó chủ tịch này đặt câu hỏi: tại sao chúng chỉ thí điểm bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện, phường mà không làm chiều ngược lại. Tức là có những quy định pháp luật, tăng cường cán bộ, điều kiện… để làm cho hội đồng nhân dân cấp này mạnh lên.

“Chính quyền vững mạnh phải trên cơ sở xây dựng cả hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân vững mạnh chứ không phải bỏ hội đồng, ở bất cứ cấp nào cũng không thể bỏ cơ quan quyền lực”, ông Anh kết thúc bài tham luận rất ngắn gọn trong tiếng vỗ tay dài.

Chính phủ không nên “nói nước đôi”

Cũng liên quan đến nội dung thực hiện thí điểm bỏ hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường, đăng đàn trước đại biểu Anh, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Lâm Tấn Đông đã đề nghị Chính phủ phải khẳng định chính kiến chứ không nên kiến nghị nước đôi. Rằng phương án tốt nhất (phương án 1) là sửa Hiến pháp để thực hiện không tổ chức hội đồng nhân dân các cấp này từ tháng 5/2011, nhưng trong điều kiện hiện nay thì nên mở rộng thí điểm trên phạm vi cả nước (phương án 2).

Vị đại biểu này  “phê” Chính phủ “nói nước đôi” như thế sẽ khó cho người tiếp thu, trong khi việc thí điểm đã đủ chín để quyết định là nên bỏ hay không. “Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án 1”, ông nhấn mạnh.

Theo phân tích của đại biểu Đông thì “cơ hội không đến nhiều, mất cơ hội là mất cả nhiệm kỳ”. Còn việc sửa Hiến pháp nếu chuẩn bị ngay từ bây giờ thì vẫn “trong tầm tay”. Làm ban ngày không xong thì làm cả ban đêm, công nhân vẫn làm việc ba ca mà, ông đề nghị.

“Cả thực tế và cơ sở pháp luật đều đầy đủ, tôi hy vọng Trung ương sẽ quyết bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện, phường là tốt nhất”, ông Đông nói.

Ngay sau bài phát biểu được người điều hành hội nghị “nhắc nhở” là nhiều nội dung “nhắc đi nhắc lại hơi nhiều làm mất thời gian của hội nghị” của đại biểu Đông, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Tính cũng lên tiếng về nội dung thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân.

Ông Tính đề nghị phải sơ kết ở mức độ nào đó về vai trò của hội đồng nhân dân quận, huyện, phường trong mấy chục năm qua và sớm đưa ra kết luận chứ không nên kéo dài việc thí điểm nữa.

Chưa thể kết luận

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, có nên tiếp tục tổ chức hội đồng nhân dân cấp huyện hay không đã từng là vấn đề được đặt ra từ 20 năm trước, là “câu chuyện dai dẳng”. Nhưng để triển khai ra đại trà thì phải sửa Hiến pháp.

“Chưa thể đưa ra kết luận bây giờ, quyết định có thí điểm nữa hay không là việc của Trung ương và Quốc hội”, Chủ tịch nói.

Chủ tịch đề nghị đây là vấn đề khó, phải đánh giá rất toàn diện, cân nhắc kỹ, không thể “nhảy từ cực này sang cực kia”. Kết quả thí điểm nếu chỉ nói toàn mặt tốt mà không có phản biện thì không thể thuyết phục được. Bởi “được mặt này thì dứt khoát phải mất mặt khác”.

Theo Chủ tịch, được chọn sẽ là giải pháp tối ưu, trong điều kiện cho phép, bảo đảm tính khả thi và phải tạo được sự đồng thuận cao.

Chủ tịch cũng yêu cầu không vì những ý kiến còn khác nhau dân đến “phân tâm, nản lòng”, mà “càng gần kết thúc nhiệm kỳ càng phải làm tốt nhiệm vụ của mình, thể hiện đúng tư cách đại biểu của dân”.

(Theo Vneconomy)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Xóa việc trợ giá, bù giá
  • Cá tra VN ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ
  • Trong mắt người nước ngoài Các tập đoàn xây dựng đang dẫn dắt quy hoạch
  • Tái cấu trúc để gia tăng sức cạnh tranh
  • Đặt mục tiêu tăng năng suất
  • Xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch
  • “Nguy cơ bong bóng tiền tệ hoàn toàn có thể xảy ra”
  • “Sữa sẽ còn tăng giá nếu doanh nghiệp nhà nước không đứng ra nhập khẩu”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi