Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hà Nội. |
Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 148/2005/NĐ-CP ngày 30/11/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành kế hoạch và đầu tư.
Theo dự thảo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nghị định quy định tổ chức và hoạt động thanh tra ngành kế hoạch và đầu tư vừa được công bố lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan, mỗi năm thanh tra ngành này tiến hành khoảng 1.000 cuộc thanh tra các loại.
Số lượng cuộc thanh tra lớn như vậy, nên vấn đề “thẩm quyền thanh tra lại” đã trở thành một nội dung có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định này.
Cụ thể, điều 29 dự thảo nghị định quy định: “Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao”.
Trong khi đó, “Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng Cục Thống kê kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Theo ban soạn thảo, hiện có ý kiến đề nghị không nên quy định như vậy, vì theo Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP thì, “khi được Bộ trưởng giao, Chánh thanh tra Bộ quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ kết luận”.
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn đề nghị vẫn giữ nguyên quy định trong dự thảo nghị định là “Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng Cục Thống kê kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật” thay vì giao nhiệm vụ này cho Chánh thanh tra, với lý do ngành kế hoạch và đầu tư có “số lượng các cuộc thanh tra chuyên ngành hằng năm rất lớn”.
“Nếu giao Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định thanh tra lại đối với Cục Thống kê thuộc Tổng cục Thống kê thì thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xem xét, rà soát rất nhiều kết luận thanh tra. Cùng với việc thực hiện các công việc chuyên môn khác việc thực hiện thanh tra lại các vụ việc đã được các cục thống kê địa phương kết luận sẽ làm khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều, gây khó khăn và không khả thi trong quá trình thực hiện”, dự thảo tờ trình viết.
Trên thực tế hiện nay, chưa có quy định nhiệm vụ quản lý hoạt động thanh tra chuyên ngành của tổng cục và cục trực thuộc, như trường hợp Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng còn có các cục trực thuộc được giao chức năng thanh tra chuyên ngành.
Do vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý thống nhất trong quản lý hoạt động thanh tra ngành kế hoạch và đầu tư, trong dự thảo nghị định này đã có quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Thống kê và các cục thống kê.
Dự thảo cũng quy định các nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, theo đó thanh tra ngành kế hoạch và đầu tư có thể “sờ” đến nhiều lĩnh vực quan trọng như phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển; đấu thầu; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài; quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu; doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; hợp tác xã và thống kê.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com