Theo các nhà nghiên cứu, tổng tiềm năng khí thiên nhiên của Việt Nam có thể thu hồi vào khoảng 2.694 tỷ m3, tập trung chủ yếu ở các bể: Nam Côn Sơn, Ma Lay - Thổ Chu, Cửu Long và Sông Hồng. Ngay sau ngày thống nhất đất nước, ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc triển khai thăm dò khai thác dầu khí trên cả nước. Ngày 26-5-1984, tại mỏ Bạch Hổ do Liên Xô và Việt Nam thăm dò, đã phát hiện dòng dầu đầu tiên. Ngày 26-6-1986, tấn dầu đầu tiên được khai thác, mở ra cả một chương trình khai thác dầu khí (1986-2000), tạo giai đoạn phát triển mới của ngành dầu khí Việt Nam.
Phát triển nhanh và ổn định
Cán bộ, công nhân trên công trìnhcảng dầu khí PV GAS. |
Ngày 20-9-1990, Công ty Khí đốt (tiền thân của Tổng Công ty Khí Việt Nam ngày nay) được thành lập, thực hiện nhiệm vụ được giao là khai thác, vận chuyển, cung ứng khí đốt và khí hóa lỏng. Ngày 6-12-1990, Công ty Khí đốt trình Ðề án "Phát triển và sử dụng khí thiên nhiên", bước đầu cụ thể hóa trình tự thu gom, khai thác, sử dụng khí thiên nhiên phục vụ đất nước. Mục tiêu đầu tiên là tận dụng khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ. Mỏ này được khai thác dầu mỏ từ 26-6-1986, nhưng toàn bộ khí đồng hành vẫn phải đốt bỏ.
Ðề án sử dụng khí bao gồm giàn nén khí ngoài biển, hệ thống đường ống với tổng chiều dài 195 km, Nhà máy chế biến khí hóa lỏng (LPG) tại Dinh Cố và hệ thống cảng xuất nhập khí Thị Vải. Ðề án được thực hiện theo nhiều giai đoạn, bắt đầu là công trình "Ðưa khí sớm vào bờ - FAST TRACK", mục tiêu là gấp rút bảo đảm nhu cầu khí cho Nhà máy điện Bà Rịa được khánh thành vào tháng 4-1995. Ðến ngày 17-4-1995, khí đã được đưa đến trạm phân phối khí Bà Rịa. Lễ đón nhận dòng khí đầu tiên vào bờ được tổ chức vào ngày 1-5-1995. Giấc mơ của nhiều thế hệ dầu khí Việt Nam đã trở thành hiện thực: chuyển toàn bộ nguồn năng lượng đang bị đốt bỏ lãng phí về bờ, phục vụ Tổ quốc. Ông Ðỗ Khang Ninh, Tổng Giám đốc PV GAS bồi hồi: "Ðể có được phút giây hạnh phúc nhìn thấy ngọn đuốc khí bừng sáng tại Dinh Cố, đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ âm thầm phục vụ, cống hiến; đã có rất nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, sáng kiến phù hợp với thực tế được triển khai trong điều kiện công trình hoàn toàn mới, lần đầu tiên tại Việt Nam, trình độ kỹ thuật máy móc còn nhiều hạn chế. Ðó là mồ hôi nước mắt trên những công trình kéo dài từ biển về bờ, đó còn là tình hữu nghị dành cho Việt Nam của các bạn bè, đối tác trong những ngày khó khăn nhất". Chính vì những cảm xúc của thời kỳ gian khó ấy mà cán bộ, kỹ sư, nhân viên ngành dầu khí luôn tâm niệm cống hiến hết mình vì sự nghiệp công nghiệp khí, tạo nên những thành quả vượt bậc của ngày hôm nay.
Diện mạo của một ngành công nghiệp biến chuyển nhanh chóng từ những bước đầu tiên, phát triển mạnh, vững vàng và thuyết phục chỉ trong 15 năm, quả là một thắng lợi to lớn nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình và kịp thời của Nhà nước, các bộ, ngành, của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Trong quá trình phấn đấu vượt qua thử thách, PV GAS đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch Tập đoàn Dầu khí giao, đưa ngành công nghiệp khí không ngừng phát triển. Tất cả các lĩnh vực công nghiệp khí do PV GAS quản lý đã và đang được hoàn thiện, phát triển đồng bộ; nhiều dự án khí được đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, tạo tiền đề xây dựng PV GAS theo mô hình sản xuất, kinh doanh hoàn chỉnh ở các khâu thu gom, tiếp nhận, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối khí và tất cả các lĩnh vực mua, bán, xuất, nhập khí và các sản phẩm khí. Với đặc thù là ngành có kỹ thuật công nghệ tiên tiến, có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và phòng, chống cháy nổ, nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với các bên trong dây chuyền khí và trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, PV GAS đã từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý tích hợp về an toàn - sức khỏe - môi trường và chất lượng trong tất cả các khâu hoạt động sản xuất, kinh doanh và là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp chứng chỉ quốc tế thích hợp các hệ thống quản lý an toàn - sức khỏe theo tiêu chuẩn OHSAS 18001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 và chứng chỉ quản lý hệ thống chất lượng theo ISO 9001 bởi các tổ chức đánh giá chứng nhận quốc tế.
Kiểm tra công tác vận hành ở nhà máy chế biến khí Dinh Cố. |
Ðiều chỉnh tổ chức phù hợp với yêu cầu công việc, đặc biệt là bộ máy cơ quan điều hành Tổng Công ty và các đơn vị trực thuộc. Chuyển từ mô hình công ty sang mô hình Công ty TNHH một thành viên (năm 2007) và mô hình Tổng Công ty (năm 2008); sáp nhập vào PV GAS một số đơn vị từ Tập đoàn (PV GAS N, PV GAS S, các ban QLDA Phú Mỹ-TP Hồ Chí Minh, khí Tây Nam Bộ và khí Ðông Nam Bộ). PV GAS sẽ thực hiện các bước cổ phần hóa doanh nghiệp vào giữa năm 2010. Liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao về sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận. Kể từ khi đưa dòng khí đầu tiên vào bờ vào năm 1995 đến nay, PV GAS đã cung cấp cho thị trường gần 50 tỷ m3 khí khô, hơn bốn triệu tấn khí hóa lỏng (LPG) và gần 1,5 triệu tấn xăng nhẹ (Condensate). Khí do PV GAS cung cấp đã tiết kiệm cho đất nước khoản ngoại tệ hơn sáu tỷ USD bằng việc sử dụng khí thay cho việc nhập khẩu dầu DO để phát điện; PV GAS đã đóng góp doanh thu cho ngành dầu khí hơn 130.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 15%/năm), nộp ngân sách Nhà nước hơn 23.000 tỷ đồng.
Ða dạng và vững chắc
Tổng Công ty Khí hiện đang vận hành hệ thống các công trình khí với ba nguồn khí thuộc các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn (ở khu vực Ðông Nam Bộ) và PM3-Cà Mau (khu vực Tây Nam Bộ); sản xuất và kinh doanh ba sản phẩm chính là khí khô, LPG và Condensate để cung cấp cho các nhà máy điện, đạm, xăng, hộ tiêu thụ công nghiệp, các công ty kinh doanh LPG. Ðến nay, PV GAS đã đạt hơn 150.000 giờ vận hành an toàn, hợp lý, với hiệu suất thu hồi cao, chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ. Mỗi năm, PV GAS cung cấp khí để sản xuất khoảng 40% sản lượng điện, 30% thị phần phân bón và duy trì hơn 50% thị phần khí hóa lỏng phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng của cả nước. Ðối với khí khô, từ năm 2005 đến nay, sản lượng khí PV GAS cung cấp cho các hộ tiêu thụ điện, đạm và các hộ sử dụng khí thấp áp, CNG có mức tăng trưởng liên tục. Từ sản lượng một triệu m3/ngày vào tháng 4-1995, PV GAS đã đạt mức 5,1 tỷ m3 khí/năm vào năm 2005 và đến năm 2009, sản lượng khí khô PV GAS cung cấp đã đạt gần 8 tỷ m3 khí/năm.
Với vai trò nhà phân phối khí ở trung nguồn, PV GAS đã có sự phối hợp và cộng tác chặt chẽ với các nhà cung cấp khí để duy trì sản lượng các nguồn khí hiện hữu, tìm kiếm và bổ sung các nguồn khí mới để nỗ lực tăng sản lượng khí đưa về bờ; phối hợp chặt chẽ với các bên trong dây chuyền khí từ nhà cung cấp đến các khách hàng tiêu thụ, triển khai các kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, bảo đảm hệ thống cấp khí luôn hoạt động ổn định và an toàn, giảm thời gian dừng hệ thống, vận hành với công suất tối đa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Trước năm 2006 chỉ có hai nguồn khí là khí bể Cửu Long và Nam Côn Sơn, thì hiện nay, với ba hệ thống cung cấp khí (Cửu Long, Nam Côn Sơn và PM3-Cái Nước) vận hành song song đã cung cấp gần 25 triệu m3 khí khô thương phẩm mỗi ngày (gấp 1,5 lần so với năm 2005) cho các khách hàng trước năm 2006 cũng như tăng thêm trong giai đoạn 2006-2010 (các nhà máy điện: Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Hiệp Phước; và các khách hàng tiêu thụ khí thấp áp). Ðến năm 2011, PV GAS bắt đầu cấp khí cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 2.
Trước tình hình khai thác khí thiên nhiên giảm, PV GAS đã chủ động tìm kiếm, nhập khẩu bổ sung từ các bạn hàng quốc tế, tăng cường đầu tư vào hệ thống kho chứa. Bằng những nỗ lực đáng ghi nhận, riêng năm 2009, PV GAS đã đưa ra thị trường gần 700 nghìn tấn LPG. Ðể khai thác hiệu quả các nguồn lực, PV GAS còn cung cấp các dịch vụ vận chuyển khí, Condensate cho các chủ mỏ Nam Côn Sơn; bảo dưỡng, sửa chữa công trình khí; tư vấn thiết kế, lắp đặt thiết bị sử dụng khí; cho thuê kho, bãi, cảng. Các hoạt động dịch vụ này đã và đang tăng trưởng liên tục, đem lại doanh thu và lợi nhuận gia tăng cho PV GAS.
Với mục tiêu đưa loại nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường đến tay người tiêu dùng, PV GAS đã và đang thực hiện các dự án cung cấp khí thấp áp, khí thiên nhiên nén (CNG) cho các hộ tiêu thụ công nghiệp tại khu vực Ðông Nam Bộ; cung cấp LPG và sắp tới là CNG cho các phương tiện giao thông vận tải trong cả nước. Bên cạnh đó cũng phát triển ứng dụng hệ thống cung cấp LPG trung tâm cho các khu đô thị mới và chung cư cao tầng. Các dự án này góp phần đa dạng hóa các hình thức sử dụng khí, mở rộng thị trường tiêu thụ khí và góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
Ðịnh hướng phát triển trong 5 năm (2011-2015) đã được PV GAS xác định là: Phát triển công nghiệp khí thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường trên cơ sở gia tăng giá trị nguồn khí trong nước, tận dụng nguồn khí từ các nước trong khu vực và thế giới. Phát triển PV GAS theo hướng tăng tốc, đột phá, bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả và bền vững trên công nghệ tiên tiến nhất, hướng tới lợi ích chung của cộng đồng xã hội. Góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm nguồn cung ổn định, lâu dài về khí và các sản phẩm khí. Trong đó an toàn và hiệu quả là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển. Xây dựng và phát triển thương hiệu PETROVIETNAM GAS thành thương hiệu uy tín, chất lượng và phổ biến. Ða dạng hóa sản phẩm, chế biến sâu để gia tăng giá trị của khí và mở rộng các loại hình khách hàng sử dụng khí. Ða sở hữu và tăng cường hợp tác quốc tế, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường khí Việt Nam. PV GAS quyết tâm phấn đấu giai đoạn 2011-2015 đạt tốc độ tăng trưởng, doanh thu: từ 20%/năm; trong đó, cơ cấu doanh thu: khí chiếm 60%, sản phẩm khí chiếm 19%, dịch vụ chiếm 21%. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng về khí, bảo đảm công tác vận hành, phân phối hiệu quả toàn bộ khí khô và các sản phẩm khí, tích cực tìm kiếm các nguồn khí bổ sung trong nước, đồng thời đẩy mạnh công tác nhập khẩu khí, nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước, giữ vững vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Khẳng định vai trò hàng đầu trên thị trường bán lẻ LPG trong nước và tham gia thị trường quốc tế thông qua các công ty con, công ty liên kết. PV GAS sẽ phát triển trở thành nhà cung cấp có uy tín các dịch vụ vận chuyển, xử lý, tàng trữ, xuất nhập khẩu khí và sản phẩm khí, bảo dưỡng sửa chữa, tư vấn thiết kế, xây dựng, lắp đặt, giám sát đầu tư,... các công trình khí trên toàn quốc và thị trường quốc tế. Trong 5 năm (2011-2015), tổng giá trị thực hiện đầu tư của PV GAS dự kiến hơn 24 nghìn tỷ đồng, tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường phân phối các sản phẩm khí.
Bản đồ công nghiệp khí Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi, mở rộng và từng bước phát triển với các nguồn khí mới đưa vào (Hải Sư Trắng/Hải Sư Ðen, Tê Giác Trắng, Chim Sáo...). Tương lai của công nghiệp khí Việt Nam đang phát triển, với rất nhiều ước vọng và nỗ lực của mỗi CBCNV ngành công nghiệp khí quốc gia. Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay PV GAS đã phát triển đồng đều các hoạt động thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối và kinh doanh khí của ngành công nghiệp khí Việt Nam; vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; được vinh danh Giải thưởng Sao Vàng Ðất Việt cùng nhiều giải thưởng, bằng khen của các cấp bộ, ngành, địa phương trong nhiều năm qua.
(Theo Lê Nam Tư // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com