Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2009, kế hoạch năm 2010. Một số bộ trưởng đã “đăng đàn” để giải trình thêm về các vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: 1-2 ngày tới, Chính phủ sẽ xem xét việc tiếp tục hay dừng gói kích cầu hỗ trợ lãi suất
Đăng đàn trao đổi với các đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đi thẳng vào vấn đề được các đại biểu quan tâm bàn luận nhiều nhất: hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ. Bộ trưởng cho biết, vừa rồi tổng số gói kích cầu Việt Nam thực hiện là 145,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD. Gói kích cầu thực tế đã làm cho chỉ tiêu tăng trưởng của VN không ngừng tăng lên trong các quý của các năm, quý II tăng hơn quý I, quý III tăng hơn quý II và dự kiến quý IV sẽ tăng hơn các quý còn lại và sẽ đạt mức 5,2% trong năm nay.
Về gói kích cầu thứ nhất - gói kích cầu hỗ trợ về đầu tư chung, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã huy động nguồn vốn đầu tư khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng để đầu tư bằng các nguồn ứng trước, chuyển vốn và trái phiếu Chính phủ. Đầu tư này mang lại hiệu quả đó là giải quyết nhu cầu trước mắt của vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng về giao thông, về thủy lợi. Nếu nhìn vào chỉ tiêu tăng trưởng chung của các quý thì tỷ trọng tăng trưởng của ngành xây dựng rất lớn. Trước đây, thường xây dựng tăng trưởng thấp hơn công nghiệp, nhưng trong 3 quý vừa rồi, xây dựng đang tăng trưởng ở mức cao nhất 9% và lấy lại cả tăng trưởng chung cho ngành công nghiệp và xây dựng. Từ tăng trưởng của ngành xây dựng như vậy mang lại tăng trưởng cho việc sản xuất vật liệu xây dựng, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một loạt công nhân ở trong tất cả lĩnh vực xây dựng và các hoạt động về công nghiệp xây dựng.
Gói kích cầu tiếp theo, về hỗ trợ miễn giảm thuế trị giá 28.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong tình hình sản xuất khó khăn hiện nay. Hầu hết các doanh nghiệp đều được hỗ trợ từ gói này.
Gói kích cầu về giải quyết đảm bảo an sinh xã hội trị giá gần 9,8 nghìn tỷ đồng cũng đã giải quyết được nhiều cho đời sống bà con ở vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu trong vấn đề giải quyết các nhu yếu phẩm chủ yếu, từ đó khuyến khích cho sản xuất.
Trở lại với gói kích cầu 18.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, Bộ trưởng khẳng định, mặc dù còn có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng về tổng thể, đó là gói kích cầu có hiệu quả. Việc hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131 đã được triển khai từ đầu năm và hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ và một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá để ổn định thị trường. Với các gói kích cầu thực hiện theo các Quyết định 443, 497, Bộ trưởng đồng ý với nhận xét của nhiều đại biểu là triển khai hơi chậm, thủ tục hơi phiền hà. Hiện nay Chính phủ đang giao cho Ngân hàng Nhà nước xử lý những vấn đề liên quan.
Về việc thực hiện các gói kích cầu trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, về cơ bản, một phần của những gói kích cầu này sẽ được thực hiện tiếp bằng các chính sách mà Chính phủ đã đưa ra trong đầu tư. Sắp tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục huy động và tăng đầu tư trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ đầu tư, giải quyết vấn đề xây dựng và vật liệu xây dựng. Phần đầu tư cho các hỗ trợ để giãn thuế, Chính phủ svẫn kiến nghị phải triển khai.
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự đồng tình với một số ý kiến đề nghị xem xét lại gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, có sự phân loại và trật tự ưu tiên. Bộ đã kiến nghị với Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước ban hành nghị định về gói chính sách tín dụng cụ thể và ưu đãi cho đối tượng nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chính sách này sẽ hỗ trợ lâu dài.
Riêng về gói 131 cho vay hỗ trợ lãi suất vốn lưu động, hiện Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cẩn trọng xem xét xem có nên tiếp tục thực hiện hay không. Trong 2 ngày tới, Chính phủ sẽ bàn trên cơ sở Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về chỉ số ICOR và hiệu quả đầu tư, Bộ trưởng thừa nhận, so với nhiều nước, đầu tư của Việt Nam thời gian qua xét về tổng thể và chỉ số ICOR là cao hơn các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận chỉ số ICOR trong điều kiện kinh tế đang phát triển của chúng ta và trong tổng thể xử lý kích cầu đầu tư của Chính phủ.
“Nếu chúng ta lấy ra một năm mà so thì nhiều nấc, chỉ số ICOR năm nay cao rất nhiều, bởi vì có gói kích cầu hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng đầu tư của năm 2009 này là so với kế hoạch chúng ta đưa ra đầu năm, khu vực vốn tăng rất nhiều bằng kích cầu của Chính phủ là khu vực đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, tiếp đến là khu vực đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ. Nhưng những đầu tư để sinh lợi, làm ra GDP nhiều thì tăng thấp. Thậm chí đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước năm 2009 này cũng giảm hơn so với dự kiến kế hoạch. Từ đó dẫn đến chỉ số ICO đúng là năm nay cao hơn năm ngoái nhiều. Tuy nhiên chúng ta phải xem xét nghiêm túc về cơ cấu đầu tư của chúng ta có hợp lý không và để có quyết sách trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Giải đáp tiếp vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ đang giao cho Bộ kế hoạch và đầu tư xây dựng đề án cơ cấu lại nền kinh tế. Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi nhiều thời gian xem xét. Dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12, Bộ sẽ trình Chính phủ thông qua, sau đó sẽ trình Quốc hội xem nên tái cơ cấu lại kinh tế hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Các dự án thủy điện tại miền Trung đều đúng quy hoạch
Giải đáp về nhiệm vụ đẩy mạnh thị trường nội địa, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây là một thị trường hết sức lớn và chúng ta quan tâm đến thị trường nội địa cũng có nghĩa là chúng ta quan tâm đến thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, quan tâm đến quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, Chính phủ đã dành một khoản kinh phí là 51 tỷ đồng phục vụ cho chương trình xúc tiến thương mại nội địa. Con số khiêm tốn này nhằm chủ yếu vào việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy phát triển thị trường nội địa.
Song song đó, Chính phủ đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền khuyến khích, hoạt động xúc tiến thương mại nội địa; tạo thêm các nguồn thông tin cho các doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận một cách cụ thể hơn, tiếp cận đầy đủ hơn đối với các nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, nắm bắt được yêu cầu của tiêu dùng Việt Nam hơn so với thời gian trước đây; tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, các vùng sâu, vùng xa...
Về phong trào vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định, đây là một quyết sách hết sức đúng đắn và được sự đồng tình của nhân dân, của xã hội. Mục đích của việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam là người tiêu dùng Việt Nam có quyền yêu cầu các nhà sản xuất Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo giá cả, đảm bảo khả năng cạnh tranh, chứ không phải chỉ yêu cầu một phía hay vận động một phía đối với người tiêu dùng. Ngược lại đây cũng là trách nhiệm của những người sản xuất, những người kinh doanh, muốn để cho người tiêu dùng Việt Nam có thể lựa chọn và sử dụng hàng Việt Nam thì trước hết các nhà sản xuất, các doanh nghiệp cũng phải tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành và qua đó tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể yên tâm trong lựa chọn hàng Việt Nam.
Đề cập đến việc quy hoạch thủy điện nhỏ ở miền Trung, Bộ trưởng khẳng định, các dự án thủy điện ở vùng này đều được thực hiện đúng quy hoạch, không hề tự phát.
Bộ trưởng cho biết, đối với thủy điện, do tính đặc thù, Chính phủ phê duyệt đối với những thủy điện lớn, còn các công trình thủy điện quy mô nhỏ thì do các địa phương quy hoạch. Theo Bộ trưởng, các công trình thủy điện phát triển ở miền Trung có tiềm năng rất lớn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực này: sông, suối ngắn nhưng độ dốc cao, phù hợp phát triển thủy điện quy mô vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhất trí, thời gian vừa qua, đặc biệt là sau cơn bão Số 9, có một số vấn đề đặt ra cần phải rút kinh nghiệm và điều chỉnh.
“Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề điều chỉnh một quy hoạch là hết sức cần thiết và nếu phát hiện thấy trong những quy hoạch đã được xây dựng, đã được phê duyệt có những điểm bất hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu thì việc xem xét để bổ sung, sửa đổi là điều hoàn toàn cần phải làm, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng nói.
Cũng qua cơn bão số 9, Bộ trưởng cho biết, việc một vài công trình thủy điện buộc phải xả lũ là vì lũ về lớn quá, để đảm bảo an toàn công trình thì buộc phải có những giải pháp tình thế. Tuy nhiên, qua đây cũng thấy cần xây dựng quy chế vận hành nhà máy thủy điện liên hồ trên một hệ thống sông. Bộ đã kiến nghị là Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng là cơ quan đầu mối để xem xét và phê duyệt quy chế này, đảm bảo tính đồng bộ hơn trong vận hành của từng nhà máy thủy điện cũng như của cả hệ thống ở trên cùng một dòng sông.
Vấn đề cuối cùng là xuất khẩu. Theo Bộ trưởng, trong năm 2009, mặc dù không đạt được chỉ tiêu xuất khẩu như Quốc hội đã giao, nhưng trên bình diện về khối lượng xuất khẩu thì phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta đều tăng về khối lượng so với năm 2008, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có gạo, thủy sản, cà phê, chè, cao su. Có những mặt hàng tăng tới khoảng 200% so với cùng kỳ của năm 2008.
Tuy nhiên, khi báo cáo với Quốc hội về kế hoạch năm 2009, Chính phủ cũng đã dự tính, mức giá của năm 2009 không cao như năm 2008, nhưng cũng không phải ở mức thấp. Từ đó thấy rằng với khả năng phấn đấu tăng khối lượng các mặt hàng xuất khẩu và với mức giá dự báo trung bình, kim ngạch xuất khẩu của VN năm 2009 có thể đạt mức tăng khoảng 3-5%. Nhưng trước nhiều biến động của năm 2009, đặc biệt là sự sụt giảm giá dầu thô, đã gây ra sự bất lợi cho xuất khẩu nên mặc dù khối lượng phần lớn các mặt hàng đều tăng, nhưng giá không được như dự kiến.
Bộ trưởng nhận định, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng 6% xuất khẩu năm 2010 là có cơ sở, bởi vì năm 2010, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng như trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế và một số nền kinh tế thế giới cũng đã có bước phục hồi. Tuy nhiên cũng còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là giá cả còn thất thường, bấp bênh mà Việt Nam lại phụ thuộc vào giá thế giới.
“Chính phủ đưa ra 6% chúng tôi nghĩ là có cơ sở và cũng thận trọng”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân: Bức tranh an sinh xã hội của Việt Nam “không đến nỗi nào”
Nội dung chính mà Bộ trưởng Ngân giải trình là về công tác xóa đói giảm nghèo. Theo Bộ trưởng, sự chỉ đạo của Chính phủ trong từng chương trình công tác, từng kế hoạch công tác hàng năm đều thể hiện nhất quán quan điểm là bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có xóa đói giảm nghèo. Có thể nói, Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách an sinh xã hội khá đầy đủ với 20 nhóm chính sách và 50 chính sách cụ thể và có riêng một chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong 12 chương trình mục tiêu quốc gia. Gần đây để giải quyết sự chênh lệch giữa vùng miền thì Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30a… Tất cả các hệ thống chính sách đó đã giúp dân nghèo và những người thuộc nhóm yếu thế của xã hội tiếp cận những điều kiện cơ bản nhất về ăn, ở, khám chữa bệnh, học hành, đi lại, việc làm, sản xuất, thông tin trợ giúp pháp lý…
Trong năm 2009, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể để chi cho an sinh xã hội: trên 22.000 tỷ. Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc đã vận động nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đóng góp hàng nghìn tỷ đồng và cộng đồng doanh nghiệp đã cam kết đóng góp cho 62 huyện nghèo là hơn 1.600 tỷ. Đến Tết nguyên đán này, 77.000 ngôi nhà của đồng bào dân tộc ở trong 62 huyện nghèo sẽ được hoàn thành, hiện có 15.000 căn đã bàn giao cho dân sử dụng.
Từ những con số trên, Bộ trưởng cho rằng, nhìn tổng thể, mục tiêu an sinh xã hội đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên, ở chỗ này, chỗ kia còn có những khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót.
Đồng tình với đánh giá của một số đại biểu rằng chất lượng giảm nghèo của Việt Nam chưa cao, tính chất chưa bền vững và tỷ lệ tái nghèo cao, Bộ trưởng cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó khách quan là đất nước chúng ta hứng chịu nhiều thiên tai và thực trạng cơ sở hạ tầng của chúng ta còn quá thiếu và quá yếu. Xóa đói giảm nghèo muốn bền vững phải gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác như chơng trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư cơ sở hạ tầng, trồng rừng, dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân…
Bộ trưởng cũng thừa nhận, chuẩn nghèo hiện nay đang áp dụng không phù hợp với tình hình thực tế bởi nó được xây dựng từ năm 2005 và áp dụng cho chương trình mục tiêu 5 năm từ 2006 – 2010. Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Lao động, Thương binh và xã hội xây dựng một chuẩn nghèo mới để thực hiện trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong khi chúng ta chưa điều chỉnh chuẩn nghèo, Chính phủ đã chỉ đạo phải tập trung nguồn lực để giúp cho người nghèo, vùng nghèo nhằm ổn định đời sống nhân dân trong khi tiếp tục nghiên cứu chuẩn nghèo mới phù hợp với điều kiện của đất nước và phù hợp với chuẩn nghèo của các nước trong khu vực cũng như chuẩn nghèo của quốc tế.
“Trong điều kiện năm 2008 - 2009 rất khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, hàng loạt chính sách an sinh xã hội đã được ban hành để giúp người dân ổn định cuộc sống. Về đánh giá chung mà nói, bức tranh an sinh xã hội của chúng ta không đến nỗi nào, mặc dù chúng ta còn phải cố gắng nhiều, phải nỗ lực thêm và phải khắc phục những nhược điểm, những khuyết điểm của chúng ta để những người dân nghèo tiếp cận được sự giúp đỡ của Nhà nước, của doanh nghiệp và của đồng bào cả nước cũng như các tổ chức quốc tế”, Bộ trưởng Ngân nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên: Đã thu hồi giấy phép của nhiều mỏ được cấp phép sai
Báo cáo trước Quốc hội một số nét lớn về tình hình quản lý nhà nước về khai thác mỏ, đặc biệt đối với các mỏ nhỏ hiện nay, Bộ trưởng cho biết, hiện có 3 cơ quan quản lý về khoáng sản, gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý chung của nhà nước về khoáng sản; Bộ Công thương quản lý về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản; Bộ Xây dựng quản lý về công nghệ khai thác và chế biến vật liệu xây dựng và vật liệu làm xi măng; Địa phương quản lý ở địa phương về vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có cát, sỏi) và than bùn.
Kể từ năm 2005 trở lại đây, nhu cầu về khoáng sản trong nước cũng như của nước ngoài, đặc biệt các nước lân cận là rất lớn. Do vậy, nhiều doanh nghiệp cũng đã tập trung về tiềm lực, vốn liếng, con người cũng như công nghệ để xin các mỏ khai thác.
Trước đây, hầu như tất cả các giấy phép khai thác khoáng sản đều do cơ quan Cục địa chất khoáng sản trực thuộc Bộ công nghiệp trước đây, sau này trực thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường cấp và chỉ cấp cho địa phương cấp phép những khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn. Nhưng nhiều lãnh đạo các tỉnh cho biết, nhu cầu phát triển của các tỉnh rất lớn và yêu cầu phân cấp cho địa phương nhiều hơn, vì vậy, Luật khoáng sản năm 2005 đã sửa đổi theo hướng này. Từ năm 2005 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp gần 100 giấy phép về thăm dò và 200 giấy phép về khai thác mỏ, trong khi địa phương cấp hơn 4.000 giấy phép về khai thác mỏ.
Trước tình hình khai thác khoáng sản và các mỏ nhỏ ở các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ra 2 chỉ thị giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tiến hành kiểm tra. Tháng 5 vừa qua, Bộ đã tiến hành tổng kiểm tra trên 43 tỉnh, qua đó phát hiện một số địa phương cấp phép sai.
Bộ trưởng cũng cho biết, sau đợt kiểm tra, Bộ đã đề nghị các tỉnh thu hồi giấy phép của những mỏ thực hiện sai quy định. Đến nay, cũng có một số tỉnh đã thực hiện như Bình Định vừa rồi thu hồi một số khai thác về titan; Yên Bái thu hồi một số mỏ liên quan đến đồng, chì, kẽm…
Thời gian vừa qua, Bộ cũng thực hiện cuộc tổng kiểm tra 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về khai thác cát. Khu vực này những năm gần đây rộ lên khai thác cát để xuất khẩu, chủ yếu sang Singapo và một số nước lân cận. Ở Việt Nam, trong năm 2009 đã xuất gấp 7 lần so với năm 2007, xấp xỉ 10 triệu tấn. Gần đây, một số tỉnh cũng đang dự kiến ký hợp đồng xuất khẩu sang nước ngoài, ví dụ có những tỉnh đề nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, thậm chí đề nghị lên Chính phủ cho rằng đây là một nguồn thu rất lớn cho tỉnh, cần phải nạo vét sông, ngòi, bến cảng…, có những tỉnh dự kiến ký hợp đồng tới 80 triệu m3.
Trước tình hình này, Bộ đánh giá, việc xuất khẩu cát như vậy là rất nguy hiểm đối với Việt Nam, đặc biệt là khi nước biển dâng. Theo kịch bản biến đổi khí hậu đã được Chính phủ phê duyệt, trong vòng từ nay đến năm 2100, nước biển ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ dâng từ 0,75 mét đến 1 mét, gây ngập ít nhất 20% diện tích khu vực này. Do vậy, Bộ đã kiến nghị và Chính phủ đã quyết định ngừng xuất cát. Cát đó để dành cho san lấp các khu công nghiệp, san lấp các dự án dân cư và để chống hiện tượng nước biển dâng.
(Theo Vân An // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com