Giá xăng, dầu tăng mạnh trong tháng 8 đã khiến giá nhiều loại hình dịch vụ công khác tăng theo. Ảnh: Viết Thành
- Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, 8 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 3,47% so với tháng 12-2008. Tuy nhiên, những dấu hiệu phục hồi của kinh tế toàn cầu đã khiến giá một số nguyên liệu và hàng tiêu dùng nhập khẩu tiếp tục tăng cao.
Dự báo từ nay đến cuối năm, giá nhiều mặt hàng sẽ tăng bám sát đà phục hồi kinh tế. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù khó xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, song nếu không ứng phó linh hoạt, lạm phát có thể trở lại.
Kinh tế "ấm" lên, giá tăng trở lại
Những tác động tích cực từ gói kích cầu của Chính phủ đã thể hiện rõ nét trong tháng 8-2009, đẩy sức mua và tiêu dùng xã hội tăng mạnh. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ toàn xã hội tháng 8 ước đạt 98.217 tỷ đồng (tăng 1,3% so với tháng 7); tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ ước đạt 742.699 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2008. Kinh tế thế giới bước đầu có những dấu hiệu thoát khỏi suy thoái, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm đã làm gia tăng niềm tin của giới đầu tư vào sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, dấu hiệu "ấm" của nền kinh tế cũng là một trong những yếu tố khiến giá cả tăng. Thống kê cho thấy, trong tháng 8, giá chào bán phôi thép tại nhiều thị trường lớn trên thế giới đều tăng từ 500-530 USD/tấn. Giá phôi thép biến động kèm theo việc giá bán xăng, dầu trong nước lên cao đã khiến giá bán thép xây dựng trong nước tăng từ 300.000 - 400.000 đồng/tấn. Giá gas trong tháng 8 mặc dù giảm 2% so với tháng 7, nhưng ngay trong những ngày đầu tháng 9, do tác động tăng giá của dầu thô, giá gas nhập khẩu đã tăng khoảng 70 USD/tấn, đẩy giá bán lẻ trong nước tăng tới 18.000 đồng/bình.
Tâm điểm tăng giá tháng 8 là xăng, dầu. Trong những phiên giao dịch, giá dầu thô thị trường thế giới đã tăng bình quân 10,32% so với tháng 7; giá các loại xăng, dầu thành phẩm tăng 8,81-13,24%. Tại thị trường trong nước, sau hai lần điều chỉnh giá vào các ngày 8 và 30-8, giá xăng đã tăng lên mức 15.700 đồng/lít, dầu Diesel 0,05%S 13.100 đồng/lít. Tác động tăng giá dây chuyền đã thể hiện ngay sau đó. Từ ngày 3-9, nhiều hãng taxi tăng cước thêm 500 đồng/km; cước vận tải hàng hóa tới đây phải điều chỉnh tăng bởi giá dầu Diesel, nguyên liệu chính của vận tải, đã tăng trên 10% sau 3 lần điều chỉnh gần đây. Một số nguyên liệu và hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng đã điều chỉnh giá. Giá chất dẻo nguyên liệu tăng 47,04%; giấy các loại: 3,12%; Clinker: 2,04%; phân bón 1,87%; lúa mỳ: 2,72%...
Cục Quản lý giá dự báo, với đà phục hồi của một số nền kinh tế lớn trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ nguyên, nhiên liệu chủ chốt sẽ tăng mạnh, đẩy giá hàng hóa lên cao. Tuy nhiên, do mức độ phục hồi còn chậm nên hiện tượng tăng giá đột biến sẽ ít có khả năng xảy ra.
Giám sát chặt chẽ, kích cầu đúng địa chỉ
Trong cuộc hội thảo diễn ra mới đây tại Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận xét, ngay sau khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhờ các gói kích cầu, giá cả hàng hóa sẽ tăng trở lại. Nếu không có chính sách ứng phó linh hoạt, tái lạm phát sẽ xảy ra kèm theo tình trạng nhập siêu tăng. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các yếu tố làm tăng giá đến cuối năm sẽ nhiều và lớn hơn yếu tố giảm giá. Hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng, mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước siết chặt, vẫn ở mức trên 20% do tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất. Với độ trễ tác động của tiền cung ứng, nếu không có biện pháp hút tiền về, lạm phát có khả năng tái diễn.
TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia cho rằng, chúng ta vừa chống lạm phát thành công thì kinh tế thế giới suy thoái gây ra những ảnh hưởng không nhỏ. Chính phủ đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp phù hợp. Mục tiêu chung hiện nay là tập trung chống suy giảm kinh tế nhưng vẫn phải chủ động ngăn ngừa lạm phát. Tuy nhiên, thời gian qua đã có một lượng tiền lớn được tung ra lưu thông, nếu không kiểm soát chặt chẽ để luồng tiền đến đúng địa chỉ, nguy cơ tái lạm phát khá cao. Theo ông, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2009 nếu ở mức 25-27% là hợp lý để bảo đảm GDP tăng trưởng ở mức trên 5%. Tuy nhiên, cần giám sát chặt chẽ, bảo đảm luồng kích cầu đến đúng địa chỉ, giúp thúc đẩy sản xuất, tạo sức mua và việc làm. Nếu làm được như vậy thì không những chống được suy giảm kinh tế mà còn ngăn ngừa được lạm phát.
Theo các chuyên gia kinh tế, 8 tháng qua, Chính phủ đã có những chính sách linh hoạt giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Cung - cầu hàng hóa đã được giữ ở mức cân đối; công tác chống buôn lậu, gian lận thuế và giá được triển khai đồng bộ, góp phần bình ổn giá thị trường. Đây là những tiền đề giúp nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi đà tăng trưởng.
(Theo Hương Ly // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com