Vì không đa dạng về nguồn dầu đầu vào mà NMLD Dung Quất phải có kế hoạch mở rộng |
Theo kế hoạch, tháng 10 tới nhà máy lọc dầu (NMLD) số 1 đặt tại Dung Quất mới được nhà thầu nước ngoài bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thế nhưng, nhà máy này đang đứng trước yêu cầu cần thêm cả tỷ USD để nâng cấp và mở rộng quy mô lên gấp rưỡi.
NMLD số 1 với quy mô hiện nay là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm được quyết định đầu tư từ cách đây hơn 10 năm. Bên cạnh quy mô thấp có tính lịch sử... nhà máy này đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác mà đáng kể nhất là nguồn cung cấp dầu thô đầu vào.
Bài toán đầu vào
Trong khi thiết kế của NM chỉ sử dụng dầu thô ngọt nhẹ khai thác từ mỏ Bạch Hổ, trước thực tế là mỏ Bạch Hổ đang theo chiều đi xuống về sản lượng thì việc tìm kiếm các nguồn dầu thô thay thế đang là yêu cầu cấp bách. Ngoài các mỏ dầu hiện có và đang được bổ sung ngay tại Việt Nam có chất lượng dầu tương đương, PVN cũng đã ký một hợp đồng nguyên tắc với Công ty Dầu khí BP của Anh để cung cấp dầu thô đầu vào thay thế dầu Bạch Hổ.
Theo kế hoạch, dù nhà thầu sẽ phải bảo hành trong 2 năm đầu tiên khi nhà máy được bàn giao vào tháng 10/2009 nhưng ngay từ tháng 11/2009, lô dầu thô nhập khẩu đầu tiên sẽ được cung cấp cho NMLD Dung Quất chạy thử. Như vậy, gánh nặng cho PVN là làm sao đảm bảo vận hành được nhà máy này một cách suôn sẻ khi nguồn dầu thô đầu vào không phải là từ Bạch Hổ. Ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng giám đốc PVN cho hay, trong công nghệ lọc hóa dầu, nếu sử dụng một loại dầu thì các sản phẩm sau lọc dầu sẽ bị hạn chế. Với NMLD Dung Quất, muốn có nhiều sản phẩm hóa dầu đằng sau thì sẽ phải dùng dầu hỗn hợp như pha trộn dầu chua Trung Đông với dầu ngọt Việt Nam.
Dĩ nhiên, việc tìm kiếm nguồn dầu thô có chất lượng tương đương với dầu Bạch Hổ được xem là một thách thức không nhỏ cho PVN. Nhưng theo nhiều chuyên gia ngay trong PVN thì thách thức đó không phải là việc tìm ra nguồn dầu thô có thành phần tương đương Bạch Hổ mà vấn đề là ở chỗ “giá nào!”. Do nguồn dầu thô Bạch Hổ có giá tốt trên thị trường nên các nguồn dầu thô tương đương cũng sẽ có giá không hề rẻ.
Cũng chính bởi sự không đa dạng về nguồn dầu đầu vào này mà NMLD Dung Quất đã có kế hoạch mở rộng, nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm để có hiệu quả hơn và đồng thời bổ xung thêm phân xưởng xử lý dầu thô đầu vào để có thể dùng những nguồn dầu thô khác, thậm chí có chất lượng thấp hơn Bạch Hổ và kèm theo là giá cũng rẻ hơn.
Tuy nhiên, đầu tư thêm một phân xưởng xử lý dầu thô đầu vào để đa dạng nguồn dầu giúp cho NMLD Dung Quất năng động hơn nhưng có làm cho dự án hiệu quả hơn không thì lại không dễ tính.
Lúng túng
Cho tới nay, PVN vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho NMLD Dung Quất mà tỷ lệ cổ phần họ có thể sở hữu được phép lên tới 49%. Có nhiều đối tác bày tỏ sự quan tâm, nhưng việc bàn bạc chính thức với một đối tác cụ thể về các chi tiết liên quan của việc mua bán này lại chưa diễn ra. Mặc dù PVN cũng đặt ra cho mình mục tiêu sẽ bắt đầu triển khai dự án mở rộng từ đầu năm 2011 nhưng vấn đề thu xếp tài chính cũng có thể là một trở ngại lớn, nhất là khi giá dầu thế giới chỉ ở mức 60-70 USD/thùng như hiện nay.
6 tỷ USD là tổng mức đầu tư dự kiến của nhà máy lọc dầu số 2 |
Thêm nữa, tới thời điểm hiện tại thì cơ chế tài chính cho NMLD này vẫn chưa được thông qua. PVN với mong muốn có được một cơ chế “mở và thoáng” để NMLD Dung Quất có sức cạnh tranh so với các NMLD lâu đời khác ở các nước lân cận như Singapore, Thái Lan… đã đề xuất được hưởng những cơ chế như đối với dự án NMLD số 2 đã được Chính phủ chấp thuận trước đó. Nhưng có lẽ bởi tầm quan trọng của nguồn thu từ dầu thô Bạch Hổ (chiếm từ 40 - 45% sản lượng dầu thô khai thác hiện tại của Việt Nam) trong ngân sách quốc gia nên NMLD Dung Quất tới nay vẫn chưa xong cơ chế tài chính.
Rút kinh nghiệm từ quá trình đầu tư NMLD Dung Quất mà NMLD số 2 hiện nay có tiến trình triển khai khá bài bản. Với việc chọn được các đối tác rất có kinh nghiệm trong đầu tư NMLD trên thế giới cũng như có thực lực về nguồn dầu thô đầu vào, dự án NMLD số 2 (quy mô lên tới 10 triệu tấn dầu thô/năm, với tổng mức đầu tư lên tới 6 tỷ USD) còn được Chính phủ “đặc cách” cho làm xong thiết kế tổng thể (FEED) rồi mới quyết định chính thức bỏ tiền đầu tư hay không. Mặc dù tới khi hoàn tất xong FEED, các bên tham gia dự án phải bỏ ra tổng cộng tới 200 triệu USD và sẽ mất trắng nếu không tham gia tiếp giai đoạn đầu tư dự án, nhưng không phải cơ quan hữu quan nào cũng chấp thuận “phép thử” này. Một chuyên gia tham gia đàm phán dự án này từ đầu cho hay, các đối tác Nhật Bản sẽ không dễ dàng chấp nhận mạo hiểm bỏ ra cả trăm triệu USD trong giai đoạn đầu của dự án để rồi không làm gì tiếp theo.
Hơn nữa, với việc các đối tác nước ngoài dự kiến sẽ nắm giữ khoảng 70% cổ phần trong dự án này, chắc chắn họ sẽ đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu chứ không quan tâm một cách tổng thể cả hiệu quả kinh tế lẫn xã hội như NMLD Dung Quất hiện nay. Nhờ thế nên dự án NMLD số 2 có tiến độ triển khai đúng với các mốc thời gian đặt ra. Những tưởng các kinh nghiệm này sẽ giúp cho việc lựa chọn đối tác của NMLD số 3 trở nên dễ dàng, nhưng thực tế lại có vẻ không như vậy. Với địa điểm Long Sơn - nơi cách đây hơn 10 năm được tất cả các nhà đầu tư nước ngoài cho là lựa chọn số 1 để Việt Nam xây dựng NMLD đầu tiên của mình, PVN dường như đang lúng túng trong việc chọn đối tác.
Với đối tác đến từ Venezuela, một dây chuyền sản xuất gồm khai thác dầu thô tại Venezuela; liên doanh vận chuyển dầu thô từ Venezuela về Việt Nam, cung cấp cho NMLD số 3… đòi hỏi quy mô tổng vốn đầu tư có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đối với NMLD là lựa chọn đối tác cung cấp dầu thô nào vì từ đó mới xác định được công nghệ sản xuất. Nếu chọn Venezuela thì trong trường hợp nguồn dầu thô vận chuyển từ Venezuela không hiệu quả bằng mua dầu thô ở Trung Đông hay các nguồn khác, NMLD số 3 sẽ phải tiến hành thêm một bước cải tạo kiểu như NMLD Dung Quất hiện nay. Còn trong trường hợp chọn đối tác Venezuela thì dự án khai thác dầu ở Venezuela sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Có vẻ như chuyện xây NMLD không phải có sẵn thị trường nội địa là có thể cất cánh được.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư cho Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo quyết định này, tổng mức đầu tư cho nhà máy sẽ được tăng thêm 553 triệu USD, lên mức 3,054 tỷ USD. Sau 6 tháng chạy thử, đến thời điểm này, 14 phân xưởng công nghệ và phụ trợ của nhà máy đều đã vận hành ổn định, đạt 85% công suất. Theo kế hoạch ban đầu, ngày 25/8 vừa qua nhà máy sẽ vận hành đạt 100% công suất thiết kế. Thế nhưng do sự cố đường tại một đường ống dẫn khí vừa qua, kế hoạch này đã được dời sang tháng 9. |
(Theo Xuân Diệu // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com