Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hội nghị chuyên đề về giao thông – đô thị - Giải bài toán phát triển giao thông công cộng

Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên nhiều tuyến đường do hệ thống hạ tầng giao thông quá tải so với số lượng phương tiện và mật độ lưu thông thực tế. Trong nỗ lực tìm các giải pháp để khắc phục, TPHCM đã tổ chức đoàn đi nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, thực hiện chính sách giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, quản lý và phát triển mảng xanh đô thị tại Singapore. Những kinh nghiệm của đoàn đã được chia sẻ tại hội nghị chuyên đề “Giao thông - Đô thị và cung cấp nước sạch” do HĐND TPHCM tổ chức vào ngày 8-9.

Kẹt xe - nỗi khổ triền miên của người dân TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bài học từ Singapore

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, nêu ra hàng loạt vấn đề mà Singapore thực hiện để đạt được hệ thống giao thông đô thị xanh sạch hoàn chỉnh như hiện nay. Trong đó, triển khai thực hiện rất sớm quy hoạch ý tưởng, rồi quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết; phát triển bảo trì mảng xanh và cây xanh đô thị; quản lý kiểm soát xây dựng đấu nối vào hệ thống đường bộ; quản lý và phát triển xe buýt; các chính sách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; quản lý và kiểm soát bãi đỗ xe; chính sách thu thuế… Các công việc này được thực hiện rất chặt chẽ và nghiêm ngặt. Trong khi ở TPHCM chưa giải quyết tốt những vấn đề này, khi mà quy hoạch tổng thể chưa được điều chỉnh kịp thời, đã dẫn đến tình trạng nhiều quy hoạch ngành được phê duyệt, triển khai thực hiện trước, sau đó mới cập nhật, hợp thức hóa trở lại trong quy hoạch tổng thể.

Về quy hoạch, ông Trần Quang Phượng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ động theo dõi, nghiên cứu luật để rà soát, điều chỉnh, đẩy nhanh công tác quy hoạch ý tưởng, tổng thể, chi tiết công bố công khai để người dân góp ý; hoàn thành sớm quy hoạch công trình ngầm và các sở liên quan hoàn thành nhanh hồ sơ thành lập Trung tâm quản lý xây dựng công trình ngầm; giao Viện Nghiên cứu phát triển TP thành lập các công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật đầy đủ năng lực để thực hiện việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung. TP phê duyệt quy hoạch và thiết kế nhanh đô thị trung tâm; xây dựng đề án quy hoạch, bồi thường khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị…

Về phát triển và quản lý giao thông đô thị, khi tiến hành đầu tư xây dựng đường phố mới, cải tạo mở rộng các đường phố cũ phải kết hợp xây dựng tuy-nen, hào kỹ thuật, đường ống ngầm. Đồng thời, sớm thành lập Trung tâm điều khiển giao thông hiện đại trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, camera quan sát và biển báo điện tử…

Đối với vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân, cần tập trung tối đa các nguồn vốn với một kế hoạch dài hạn đến năm 2020, đặc biệt nguồn vốn ODA, xây dựng nhanh các tuyến đường sắt đô thị, phát triển hệ thống xe buýt nhanh dọc theo tuyến đường sắt đô thị… Bố trí hệ thống thu phí giao thông của TP trên một số tuyến đường thường xảy ra ùn tắc…

Về phát triển mảng xanh và cây xanh đô thị, TP tăng nguồn kinh phí thực hiện các dự án phát triển mảng xanh, cây xanh đô thị. Đối với các vỉa hè trên các tuyến giao thông, ưu tiên thiết kế lối đi riêng dành cho người đi bộ cách ly với mặt đường bằng dải cây xanh và hoa để tạo cảnh quan đô thị.

Đẩy nhanh việc thực hiện metro

Để áp dụng những cách làm của Singapore vào thực tế tại TPHCM là một việc không dễ, đó là nhận định của hầu hết các đại biểu tại hội nghị.

ĐB Trương Trọng Nghĩa kiến nghị, cần đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến metro và phương tiện giao thông sau đó mới dùng biện pháp chế tài để hạn chế xe cá nhân. Ông đồng tình với việc cấm ô tô, xe máy vào một số tuyến đường trong những giờ cao điểm, nếu ai có nhu cầu thì phải đóng tiền. Tuy nhiên, ông cho rằng, phải đổi mới bộ máy chứ làm như hiện nay, dù đó là phát minh mới, hay cách mấy cũng không thể giảm được ùn tắc giao thông.

ĐB Đặng Văn Khoa nói thêm, tình hình giao thông đang có chiều hướng xấu hơn nếu không có cách làm đột phá. Tác nhân chính là cách làm của các ngành chức năng. Chúng ta cần kiểm soát chặt về dân số. TP cần giữ lại nguồn vốn ngân sách để đầu tư vào hạ tầng giao thông.

“Hiện nay về quy hoạch TP còn giẫm chân rất nhiều. Việc kết nối giao thông còn đang bỏ ngỏ nhất là các tuyến metro và xe buýt. Cần chú trọng hơn cho các quận ven chứ không thể thả nổi như hiện nay, mạnh nơi nào nơi đó làm” - đó là ý kiến của ĐB Lê Văn Trung.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cho rằng, sau chuyến đi học tập kinh nghiệm tại Singapore vừa qua, nếu cái gì áp dụng được thì áp dụng ngay vào thực tế. Dĩ nhiên, ta phải có cách làm riêng, phù hợp với khả năng tài chính của mình. Nếu không có hệ thống giao thông công cộng thì tình hình giao thông ngày càng xấu hơn. Vì thế TP phải kiên quyết xây dựng nhanh các tuyến metro trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng cần phải đi đôi với việc chỉnh trang và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Do vậy đòi hỏi mỗi người dân phải hy sinh một chút tự do riêng, một chút tiện lợi trước mắt để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, của chính mình và cho con cháu mai sau.

Khó khăn không thể tránh khỏi hiện nay vẫn là tình trạng thiếu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông công cộng.

(Theo Quốc Hùng // SGGP online)

  • Nghiên cứu xây dựng sân bay quốc tế tại Tiên Lãng (Hải Phòng)
  • Sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng trưởng mạnh
  • Không vui dù sản lượng khai thác thủy sản tăng
  • Nhiều dự án điện sẽ phải trình Quốc hội
  • Đề xuất thiết lập một số đường bay quốc tế mới
  • Cần quy định thuế suất với từng loại tài nguyên
  • Quy định điều kiện về an ninh với một số ngành
  • Khan xe vẫn xin ưu đãi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi