Theo ông Hà (áo trắng) việc BCEC ký biên bản hợp tác với VNX sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư trên BCEC hơn. Ảnh: Ngọc Hùng |
Từ tháng 1 năm nay, chính phủ cho phép các sở giao dịch hàng hóa có thể giao dịch kỳ hạn nhưng số lượng người giao dịch không nhiều như những người lập ra sở giao dịch hàng hóa mong đợi.
Hội thảo về nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động sở giao dịch hàng hóa qua kinh nghiệm quốc tế và định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM ngày 15-3 đã tập trung mổ xẻ nguyên nhân tại sao sở giao dịch hàng hóa không thu hút được người tham gia.
Bị quản lý bởi nhiều cơ quan
Theo ông Phạm Đình Thưởng, Trưởng phòng xây dựng pháp luật, Vụ pháp chế, Bộ Công Thương, hiện các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, chỉ có 10% giao dịch thực còn 90% là giao dịch tương lai, thậm chí, sở giao dịch Chicago giao dịch tương lai chiếm 98%. Còn với Việt Nam, các sở (sàn) giao dịch hàng hóa chỉ giao dịch bằng hàng thật và mới bắt đầu được giao dịch kỳ hạn từ đầu năm 2011.
“Hiện Sacom _STE, BCEC, VNX đều giao dịch mặt hàng cà phê, cao su… phát triển theo những thế mạnh riêng nhưng có cùng một điểm yếu là thiếu sự liên kết giữa sở giao dịch hàng hóa với doanh nghiệp sản xuất, vận chuyển, kiểm định, nông dân “, ông Thưởng cho hay.
Ngoài ra, sở giao dịch lại bị quản lý chồng chéo bởi các quy định của các bên liên quan như nhà nước, ngân hàng và từ các doanh nghiệp. Ví dụ như Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn chế độ thanh toán, còn Bộ Tài chính quy định phí, lệ phí và thuế. Việc sử dụng thuật ngữ như giao có kỳ hạn, giao tương lai, giao phát sinh giữa luật thương mại, nhà nghiên cứu, các sở giao dịch là khác nhau nên gây không ít khó khăn cho khác hàng lẫn nhà quản lý.
Thêm vào đó, ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC), Đắk Lắk, cho biết, kể từ khi BCEC đi vào hoạt động (10-2008) đến ngày 10-3-2011 chỉ có 1.000 tấn cà phê được giao dịch, trong khi, Đắk Lắk sản xuất khoảng 400.000 tấn cà phê/năm.
Nguyên nhân là BCEC không có hệ thống kho tại các địa phương, trong khi, muốn xây dựng thống kho chứa thì cần nhiều thủ tục ở nhiều cơ quan khác nhau.
Giao dịch quốc tế an toàn hơn
Trao đổi với một số doanh nghiệp tham gia tại hội thảo để tìm hiểu xem tại sao các công ty xuất cà phê, cao su thích giao dịch tại các sở giao dịch hàng hóa tại Liffe (Anh), Sicom (Singapore), Tocom ( Nhật Bản), Mymex (Mỹ) hơn là tham gia vào sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, các doanh nghiệp cho rằng giao dịch ở các sở giao dịch hàng hóa quốc tế sẽ an toàn.
Theo ông Thưởng, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào các sở giao dịch hàng hóa nói trên người mua và người bán được bảo hiểm rủi ro trong các hợp đồng mua bán. Còn tại Việt Nam thì chưa có hình thức này.
Ông Nguyễn Công Thành, Trưởng đại diện ngân hàng Techcombank tại TPHCM cho biết, để bảo hiểm rủi ro và tạo tính thanh khoản trong giao dịch giao kỳ hạn thì ngân hàng nhà nước phải quy định cụ thể các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với hạn mức tính dụng nào.
“Để hoạt động của sở giao dịch hàng hóa hoạt động hiệu quả cần phải có sự hợp tác giữa sở này với ngân hàng thương mại. Vì sở giao dịch hàng hóa trên thế giới đều do các ngân hàng thương mại vừa làm thành viên bù trừ, vừa cung cấp dịch vụ mua giới, và có thể quản lý các quỹ đầu tư. Hiện quy định của Ngân hàng nhà nước chưa cho làm vậy”, ông Thành cho hay.
Còn dại điện một doanh nghiệp có giao dịch cà phê tại Liffe cho biết, trình độ nhân viên cũng như công nghệ của sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam vẫn kém nên khó thu hút được nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc điều hành Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), VNX chưa thu hút được chú ý của nhà đầu tư vì luôn gặp khó khăn trong việc đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước.
“Hiện Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn chế độ thuế, phí, lệ phí đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa. Nhưng đến nay bộ này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về chế độ thuế và các khoản phí liên quan để chúng tôi có thể áp dụng cho các nhà đầu tư”, ông Phương nói.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, sở giao dịch hàng hóa chưa hoạt động tốt vì thiếu những khung pháp lý cần thiết và bị “trói chân” bởi các quy định.
Tuy nhiên, theo ông Nam, để sử đổi những quy định trong luật thương mại 2005 thì cần ít nhất 5 năm nữa. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thiện những khung pháp lý để giúp sở giao dịch hoạt động hơn trong thời gian tới.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com