Những số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội trong 8 tháng đầu năm bắt đầu hé lộ khả năng đạt hay không đạt các chỉ tiêu kế hoạch trong năm nay. Tuy nhiên, đằng sau những con số thống kê, có rất nhiều điều đáng để bàn thảo.
Nếu có thể coi là một thành công lớn, thì việc trong năm nay, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt cao hơn chỉ tiêu Quốc hội điều chỉnh (5,2% so với 5%), rõ ràng rất đáng mừng. Tương tự, việc tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP cũng vượt chỉ tiêu kế hoạch (41,5% so với 39,5%) là một dấu hiệu tích cực.
Nhưng nếu đặt hai chỉ số này bên cạnh nhau, thì lại cho một kết quả khiến không ít chuyên gia kinh tế lo ngại. Đấy là hệ số ICOR quá cao. Tất nhiên, không phải không có lý khi không ít chuyên gia cho rằng, tính hệ số ICOR là phải tính trong một quá trình (ít nhất là 5 năm), chứ không thể chỉ trong 1 năm. Và rằng, khi đang khủng hoảng kinh tế, thì không thể lấy hệ số ICOR trong ngắn hạn để so sánh.
Nhưng rõ ràng, ICOR cao là điều đáng lo ngại và thực tế này đã diễn ra tại Việt Nam trong suốt thời gian qua. Hơn thế, việc tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư cũng không còn là mô hình tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh chất lượng tăng trưởng mới là yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Nếu tính các chỉ tiêu không đạt kế hoạch, thì kim ngạch xuất khẩu có thể được kể đến đầu tiên. Sự suy giảm xuất khẩu là điều dễ hiểu trong bối cảnh khủng hoảng, thậm chí được cho là bất khả kháng, vì xuất khẩu được nhiều hay ít, không hẳn phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp hay các cơ quan chức năng của Việt Nam, mà còn ở nhu cầu của thị trường thế giới. Song, sau cú sốc sụt giảm mạnh xuất khẩu, cho dù vẫn thấp hơn nhiều nước láng giềng, có rất nhiều điều đáng phải suy nghĩ.
Tại sao các đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam lại dễ dàng bị bạn hàng gạt ra như vậy? Mà nếu không bị gạt, thì cũng luôn bị ép giá, đặc biệt là với các đơn hàng gia công hàng dệt may, giày dép trong những tháng gần đây. Việc đối tác Chi Lê lấy mức giá sàn của Trung Quốc để trả giá hàng của Việt Nam, chỉ bằng 50-60% mức giá mà các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu là một ví dụ. Vì năng lực cạnh tranh chưa đủ, giá còn quá cao, hay vì bản thân các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu chữ tín?
Tại sao đang gắng vươn lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà trong danh mục hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hầu hết là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, giá trị gia tăng thấp?... Chừng nào còn đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam còn bị thua thiệt.
Tương tự, sụt giảm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là điều rất dễ hiểu, khi lưng vốn của nhà đầu tư ngoại không nhiều sau những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Nhưng vì sao thu hút mới FDI của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm chỉ giảm 20,3% (48,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, trong khi của Việt Nam, sau 8 tháng đã giảm tới hơn 81%? Rõ ràng, không hẳn vì nguyên nhân khách quan, mà còn vì những vấn đề trong nội tại nền kinh tế, trong môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam. Những bất cập, sự chồng chéo trong chính sách, những rườm rà trong thủ tục hành chính, sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng... là điều luôn được nhắc tới lâu nay. Ngay cả cơ chế phân cấp, cũng đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế...
Kinh tế thế giới dù đã bắt đầu xu hướng hồi phục, nhưng vẫn chưa ổn định và còn rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do những vấn đề cốt lõi của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế chậm được khắc phục. Có thể là khập khiễng khi so sánh, nhưng không sai khi nói rằng, chừng nào các điểm yếu cố hữu của nền kinh tế Việt Nam chưa thể gỡ bỏ, thì việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch hay không, nhiều khi không phải là điều quan trọng nhất.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com