Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp nỗ lực bình ổn giá bán

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp (DN) cần đổi mới, sáng tạo nhạy bén hơn nữa… để cùng nhà nước vượt khó, không gây "sốc" cho xã hội.

Nhiều siêu thị vẫn chưa điều chỉnh giá bán các mặt hàng. - Ảnh minh họa: SGGP

Tránh gây sốc thị trường

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống Siêu thị Big C cho biết dù đã nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp nhưng tại Big C, các mặt hàng đều chưa tăng giá và sẽ còn giữ ổn định ít nhất đến hết quý I. Trong quý II, Big C sẽ xem xét điều chỉnh tùy từng sản phẩm nhưng với mức tăng giá thấp nhất có thể.

Mục tiêu của Big C là trong mọi điều kiện đều có thể kìm giá tốt nhất so với thị trường bằng việc tìm kiếm các nguồn hàng khác nhau để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn về giá đối với cùng một nhóm mặt hàng, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu.

“Chúng tôi luôn làm việc với các nhà cung cấp về việc trữ hàng trước khi nhận được đề nghị tăng giá. Điều này cũng giúp cho việc tăng giá sẽ giãn ra trong khoảng thời gian hợp lý để người tiêu dùng tránh bị sốc” - bà Trang nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Giám đốc hệ thống Siêu thị Vinatex Mart, cho biết ngay từ cuối năm 2010, dự đoán giá sẽ tăng nên Vinatex Mart đã chủ động ứng vốn trước cho các nhà cung cấp để dự trữ nguyên liệu nhằm giữ giá ổn định. Vì vậy, hiện dù cả điện, xăng dầu, tỉ giá đã điều chỉnh khá cao nhưng 56 siêu thị Vinatext Mart vẫn chưa điều chỉnh giá bán các mặt hàng.

“Ngay đối với một số nhà cung cấp các mặt hàng nhạy cảm khác như sữa, hoặc dầu ăn… có nguyên liệu đầu vào trực tiếp nhập khẩu từ nước ngoài, chúng tôi cũng đã nhận được đề nghị tăng giá nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đàm phán để giữ giá và giãn thời gian tăng giá” - bà Hương cho biết.

Theo ghi nhận, hiện nay tại các siêu thị lớn ở TP Hồ Chí Minh như Co.op Mart, Big C, Citimart, Maxi Mark, giá các mặt hàng hầu hết vẫn khá ổn định. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết Co.op Mart sẽ giữ giá ổn định đến hết tháng 3. Tuy nhiên, sẽ xem xét điều chỉnh hợp lý đối với một số nhóm hàng chịu tác động trực tiếp từ việc tăng giá và có đề xuất từ trước.

“Việc điều chỉnh giá là bất khả kháng nhưng sẽ có lộ trình hợp lý và không để tình trạng tăng đột biến và gây sốc cho người tiêu dùng” - ông Nhân nhấn mạnh.

TS Bùi Trường Giang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, “theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, người dân phải bình tĩnh trong việc bảo vệ tài sản và thu nhập của mình. Còn nhìn từ góc độ Nhà nước, tôi tin Chính phủ đã có kinh nghiệm xử lý, đã có những quỹ bình ổn giá để hỗ trợ người dân. Bên cạnh chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương cũng phải chủ động trong việc hỗ trợ người dân. Ví dụ chương trình bình ổn giá ở TP. HCM và TP. Hà Nội rất hiệu quả, cần nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước".

Và tái cấu trúc để tăng hiệu quả

Dù chưa có những biến động lớn về giá nhưng theo các chuyên gia kinh tế, giá hàng hóa hiện đang đứng ở mức khá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Do vậy, các DN buộc điều chỉnh giá lần này do ảnh hưởng từ chi phí đầu vào tăng phải thực hiện rất thận trọng nhằm đảm bảo doanh thu và giữ thị phần.

Trong đó, tái cấu trúc, sắp xếp lại DN để tăng năng suất lao động là một trong những lựa chọn rất tốt trước khi nghĩ đến phương án tăng giá sản phẩm.

Việc bình ổn giá là bước đệm cho người dân thích nghi trong lúc lạm phát tăng cao. Với mặt bằng giá mới, DN phải tái cấu trúc lại, phải chọn những ngành nghề thích ứng với xu thế chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế; phải chủ động chuyển dịch sang những ngành nghề có giá trị gia tăng cao, phù hợp với lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để hạn chế tác động xấu đến thị trường, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp lệnh giá... không để thị trường “té nước theo mưa”.

(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi