Theo thông tư quy định về giá bán điện năm 2010 của Bộ Công Thương vừa ban hành, thực hiện từ ngày 1-3, giá điện sinh hoạt tăng 6,8%, giá điện bán cho các ngành sản xuất và điện kinh doanh tăng 6,3%, giá điện bán lẻ cho các cơ quan hành chính sự nghiệp tăng 6,1%
Theo Bộ Công Thương, phương án tăng giá điện sinh hoạt 6,8%, tương ứng với mức giá than cho điện đạt bằng giá thành sản xuất năm 2010, đã được Chính phủ tính toán, cân nhắc rất thận trọng để không gây tác động quá lớn đến sản xuất và đời sống.
CPI sẽ tăng 0,19%-0,27%
Theo tính toán, tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện bằng khoảng 0,30% GDP năm 2010, ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP khoảng 0,34% và trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,19%-0,27%.
Trong đó, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang được tính toán theo nguyên tắc nhằm tiếp tục thực hiện chính sách của Chính phủ hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp vì đa số CB-CNV có mức sử dụng điện thấp
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, chi phí hằng tháng tăng thêm do điều chỉnh giá điện của các hộ gia đình không lớn. Ảnh: T.THẠNH |
Mức giá cho bậc thang đầu tiên (0-50 KWh) được giữ nguyên bằng 600 đồng/KWh; mức bù giá cho bậc thang này bằng 43%, cao hơn mức bù giá của năm 2009 (37%). Mức giá của bậc thang thứ 2 (từ 51 đến 100 KWh) được giữ bằng giá thành bình quân, không có lợi nhuận. Mức giá của các bậc thang tiếp theo được điều chỉnh với tỉ lệ cao hơn tương ứng để bảo đảmbù chéo lẫn nhau giữa các bậc thang, bảo đảm giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt bậc thang tăng 6,8%.
Không giảm giá điện giờ cao điểm sáng
Biểu giá điện năm 2010 tiếp tục áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng (từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút từ thứ hai đến thứ bảy) và bãi bỏ việc giảm giá cho các đơn vị sản xuất một ca. Quy định giờ cao điểm nhằm bảo đảm phản ánh đúng chi phí sản xuất điện, hạn chế sử dụng điện vào các giờ có giá thành sản xuất và truyền tải điện cao, khuyến khích sử dụng vào các giờ có giá thành thấp.
Dự kiến với giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6,3%, năm 2010 các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỉ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng công nghiệp năm 2010. Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 30%-40% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân... giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 2,83%- 3,15%. Đối với các ngành cán thép, xi măng, giá thành tăng khoảng 0,2%-0,69%. Tính chung, chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành.
Người nghèo không bị ảnh hưởng nhiều
Theo sự tính toán của Bộ Công Thương, tăng giá điện sẽ làm tăng tiêu dùng cá nhân năm 2010 khoảng 0,19%-0,27%. Theo thống kê từ hóa đơn sử dụng điện, số hộ có mức sử dụng bình quân dưới 50 KWh/tháng trong năm 2009 chiếm 23,8% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt và chiếm trên 50% ở vùng nông thôn, miền núi.
Để thực hiện chính sách bù giá cho hộ thu nhập thấp, giá điện cho 50 KWh đầu tiên không tăng nên tất cả các hộ thuộc diện nghèo và một số lượng lớn hộ có thu nhập thấp, CB-CNV, người lao động ở thành thị lẫn nông thôn nếu dùng ít hơn 50 KWh/tháng sẽ không bị ảnh hưởng.
Đối với các hộ cận nghèo (có mức sử dụng điện từ 51 đến 100 KWh/tháng), giá điện cho bậc thang này giữ bằng giá thành bình quân sản xuất kinh doanh điện nên tiền điện phải trả thêm tối đa chỉ khoảng 7.000 đồng/tháng/hộ, bằng 0,33% thu nhập của hộ dân có mức thu nhập trung bình.
Các hộ sử dụng tới 200 KWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa khoảng 16.000 đồng/tháng, bằng 0,53% thu nhập hằng tháng của hộ dân. Các hộ sử dụng 300 KWh/tháng, tiền điện phải trả thêm vào khoảng 26.000 đồng/tháng. Với hộ trên 400 KWh/tháng, trả thêm 36.500 đồng/tháng. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mức chi phí hằng tháng tăng thêm do điều chỉnh giá điện của các hộ gia đình là không lớn.
(Theo Tô Hà // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com