Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Petrovietnam triển khai đề án phát triển nhiên liệu sinh học

Khởi công xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh
học đầu tiên ở khu vực phía bắc tại huyện Tam Nông
(Phú Thọ).
Ðể cụ thể hóa chủ trương phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) ở Việt Nam trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp NLSH.
 
Khung pháp lý

Năm 2007, hai tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7716 : 2007 bio-ethanol nhiên liệu biến tính dùng để trộn với xăng sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đánh lửa - yêu cầu kỹ thuật và TCVN 7717 : 2007 Nhiên liệu đi-ê-den sinh học gốc (B100) - yêu cầu kỹ thuật đã được ký công bố áp dụng.

Ngày 6-10-2008, Bộ Công thương đã phê duyệt "Danh mục các đề tài và dự án thực hiện trong năm 2009" về sản xuất các giống cây trồng có năng suất cao làm nguyên liệu sản xuất NLSH, nghiên cứu và làm chủ được các công nghệ sản xuất NLSH tiên tiến trên thế giới từ các nguồn nguyên liệu khác nhau; xây dựng và đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển NLSH ở Việt Nam; hoàn thiện công nghệ sản xuất E5 từ phối trộn, tồn trữ đến phân phối và thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá khả năng thương mại xăng E5.

Ngày 19-6-2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Ðề án "Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây cọc rào (Jatropha Curcas) ở Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2025" với mục tiêu tạo ra một ngành sản xuất nông nghiệp mới thông qua việc hình thành vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến dầu đi-e-den sinh học có hiệu quả cao, quy mô lớn trên cơ sở sử dụng hiệu quả đất đai ở các vùng hoang hóa, khô cằn, đất trống đồi núi trọc và những nơi canh tác nông nghiệp năng suất thấp.

Bộ Tài chính đã phát hành hai thông tư liên tịch với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 96/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 8-8-2007 và với Bộ Công thương số 85/2008/TTLT-BTC-BCT ngày 2-10-2008 về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời chi thực hiện Ðề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến đến năm 2020, trong đó có quy định về nguồn kinh phí, nội dung chi và mức chi cho các chương trình.

Năm 2009, Nhà nước đã đẩy mạnh tiến độ triển khai phát triển thị trường NLSH. Tháng 6-2009, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hai tiêu chuẩn quốc gia "TCVN 8063:2009: Xăng không chì pha 5% Ethanol - Yêu cầu kỹ thuật" và "TCVN 8064:2009: Nhiên liệu đi-ê-den pha 5% este methyl axit béo - Yêu cầu kỹ thuật". Tháng 9-2009, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu đi-e-den và nhiên liệu sinh học". Như vậy, việc phân phối NLSH đã được chính thức công nhận tại thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp từng bước triển khai

Tháng 9-2008, Công ty cổ phần Hóa dầu và NLSH (PVB), một đơn vị thành viên của Tổng công ty Dầu Việt Nam lần đầu giới thiệu và bán thí điểm xăng E5 tại hai trạm bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội. PVB nhập khẩu bio-ethanol 99,6 % và pha với xăng thường để thành xăng ethanol E5 bán thử nghiệm cho 30 xe tắc-xi thuộc Hiệp hội

tắc-xi TP Hà Nội. Sau thời gian bán thử nghiệm ba tháng, PVB đã thu thập các ý kiến phản hồi từ khách hàng để trình kết quả thử nghiệm với Bộ Công thương cho ý kiến, trên cơ sở kết quả thử nghiệm, nếu được Bộ Công thương đồng ý, PVB sẽ triển khai bán thí điểm xăng E5 trên phạm vi toàn quốc. Việc bán thử nghiệm xăng E5 bước đầu đã được người tiêu dùng chấp nhận.

Nhiều doanh nghiệp và các tổ chức cơ quan quản lý đã chủ động phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác động và ảnh hưởng của việc sử dụng xăng E5, E10 đối với động cơ xăng và phân phối thử nghiệm xăng E5 thương mại. PV OIL đang phối hợp với Viện Nghiên cứu Dầu khí (VPI), Trung tâm Nghiên cứu Dầu khí (PV Pro), Công ty  Ta-xi Ðà Nẵng, Công ty cổ phần Ðồng Xanh (tỉnh Quảng Ngãi) nghiên cứu đánh giá khả năng thương mại của xăng E5 với quy mô 500 nghìn lít.

Viện nghiên cứu rượu-bia và nước giải khát cũng đã nghiên cứu và đưa ra các kết quả về sử dụng ethanol. Viện Công nghệ thực phẩm đã và đang nghiên cứu sản xuất  bio-ethanol từ phế thải nông nghiệp. Nhiều đơn vị trong đó có Sài Gòn Petro, Công ty Mía đường Lam Sơn đã lên kế hoạch pha chế thử nghiệm và tiến tới sản xuất bio-ethanol quy mô phù hợp. Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam cũng đã phối hợp với một số trường đại học lớn như Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP Hồ Chí Minh tiến hành nhiều nghiên cứu về sử dụng NLSH trong động cơ xăng.   

Petrovietnam với dự án sản xuất NLSH

Ðể thúc đẩy sự hình thành phát triển của ngành công nghiệp NLSH, cần vai trò của một doanh nghiệp lớn, đủ tầm để gánh vác trách nhiệm tiên phong trong tạo lập thị trường. Tháng 2-2009, Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã đưa ra "Kế hoạch và  Chương trình triển khai các dự án NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" với nội dung tổng quát gồm: phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối các loại NLSH. Phấn đấu đến năm 2015, sản xuất và phân phối NLSH gốc của PVN đạt khoảng 250-350 nghìn tấn/năm. Ðề xuất cơ sở xây dựng hành lang pháp lý và các chính sách ưu đãi sử dụng NLSH; tổ chức tuyên truyền khuyến khích sử dụng NLSH, phát triển trồng cây nguyên liệu sinh học; xây dựng, phát triển hệ thống tồn chứa và phân phối các sản phẩm NLSH trên cơ sở tận dụng tối đa hệ thống phân phối có sẵn và đầu tư phát triển hệ thống mới nhằm tạo ra sự đồng bộ giữa sản xuất và phân phối sản phẩm; quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung nhằm bảo đảm cung cấp ổn định 100% nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất NLSH.

Công tác triển khai các dự án NLSH của Tập đoàn Dầu khí quốc gia đến nay đã đạt được một số kết quả. Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ tại huyện Tam Nông (Phú Thọ). Chủ đầu tư là Tổng công ty Dầu Việt Nam -PVOIL (29%), Tổng công ty Tài chính Dầu khí - PVFC (10%), Tổng công ty Dung dịch khoan - DMC (10%) và các đối tác khác đã được khởi công tháng 9-2008. Công suất của nhà máy là 100 triệu lít/năm, sử dụng 240 tấn sắn lát khô/năm, tổng mức đầu tư 80 triệu USD, công nghệ của Công ty Delta-T (Mỹ), dự kiến hoàn thành và bắt đầu sản xuất tháng 3-2011.

Nhà máy Ethanol Quảng Ngãi xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Chủ đầu tư là Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp Dầu khí -PETROSETCO (51%), Tổng công ty Lọc dầu Bình Sơn - BSR (29%), Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam - PVFC (10%) và các đối tác khác. Công suất của nhà máy là 100 triệu lít/năm, sử dụng 240 tấn sắn lát khô/năm, tổng mức đầu tư 80 triệu USD. Công nghệ của Công ty Delta-T (Mỹ), khởi công xây dựng tháng 1-2009, dự kiến bắt đầu sản xuất năm 2011.

Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước triển khai trên diện tích 43 ha tại huyện Bù Ðăng (Bình Phước). Chủ đầu tư là Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOIL (29%), Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản) (49%), Công ty LICOGI 16 (22%). Công suất của nhà máy là 100 triệu lít/năm, sử dụng 240 tấn sắn lát khô/năm, tổng mức đầu tư 80 triệu USD. Công nghệ của Công ty PRAJ (Ấn Ðộ), dự kiến khởi công tháng 3-2010, đi vào sản xuất tháng 9-2011.

Theo kế hoạch tiến độ, đến năm 2012, các nhà máy của Tập đoàn Dầu khí sẽ cung cấp 240 triệu lít/năm. Cùng với sản lượng các nhà máy ethanol của các nhà đầu tư tư nhân khác đang triển khai, lượng cung trong nước sẽ đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để Nhà nước quyết định áp dụng tỷ lệ bắt buộc sử dụng xăng E5.

Hình thành thị trường NLSH

Ðể tiếp tục tạo điều kiện hình thành thị trường NLSH và đầu ra cho các nhà máy Ethanol, Tập đoàn Dầu khí đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kênh phân phối NLSH và truyền thông về NLSH cho thị trường trong hai năm 2010 và 2011.

Xăng và dầu pha ethanol và bio-diezel sẽ được phân phối đến người tiêu dùng thông qua kênh phân phối xăng dầu hiện tại. Do có đặc tính hút nước mạnh hơn xăng dầu thông dụng, các thiết bị phân phối NLSH cần sạch và kín để tránh hiện tượng tách pha (phase separation) ảnh hưởng đến quá trình đốt của động cơ. Việc đầu tư nâng cấp, hoán cải các thiết bị tàng trữ, vận chuyển và bán lẻ của hệ thống phân phối xăng dầu hiện tại sẽ được tiến hành để bảo đảm an toàn tuyệt đối khi phân phối NLSH. Chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật và quy chế quản lý hệ thống phân phối NLSH sẽ là bước tiếp theo đang được Tập đoàn Dầu khí chuẩn bị tích cực.

Cùng với công tác chuẩn bị hệ thống phân phối, việc quảng bá và giới thiệu NLSH một sản phẩm mới đối với thị trường và người tiêu dùng Việt Nam là một việc rất quan trọng đang được Tập đoàn Dầu khí lên kế hoạch triển khai. Ðây là công việc thực hiện chủ trương và chính sách lớn của Nhà nước, là mặt hàng chiến lược quan trọng và nhạy cảm, liên quan đến quốc kế dân sinh, cho nên chương trình truyền thông sẽ được triển khai rộng rãi thông qua phương tiện thông tin chính thức của hệ thống chính trị kết hợp với các kênh phổ biến trên thị trường.

Phát triển NLSH là một chủ trương lớn của Nhà nước xuất phát từ đòi hỏi của thực tế khách quan và xu thế của thời đại. Thách thức của công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển nông thôn, xóa đói, giảm nghèo là vô cùng to lớn và cấp bách. Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có các quyết sách quan trọng, thúc đẩy phát triển ngành NLSH còn mới mẻ nhưng đầy triển vọng. Việc triển khai các dự án NLSH  của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là sự đầu tư đúng hướng, tạo ra tiền đề để Nhà nước sớm công bố lộ trình bắt buộc sử dụng NLSH tại Việt Nam.

 

(Theo PHAN HÙNG/ Nhandan)

  • Giá điện sinh hoạt tăng cao nhất
  • Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần kiện toàn tổ chức
  • Ra quân chốt chỉ số đồng hồ đo đếm điện
  • Đóng điện đường dây 220 kV Vinh- Bản Vẽ
  • Chỉ số giá tháng 2 tăng cao nhất kể từ tháng 7/2008
  • Quy định về sáp nhập, mua lại tổ chức tín dụng
  • Cần kiểm soát hiệu quả các luồng tiền
  • Giá điện mới theo phương án có mức ảnh hưởng thấp nhất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi