Lắp ráp máy nổ ở Công ty Vinapro. Ảnh: Lê Toàn. |
Tốc độ phục hồi khá nhanh của sản xuất công nghiệp lẽ ra sẽ rất nổi bật nếu như hệ số giá trị gia tăng của ngành này không ở trong tình trạng mỗi ngày một giảm. Vì vậy, sự phục hồi đó tiềm ẩn những nguy cơ cần phải xem xét.
Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tám tháng ước tăng 13,7% và cả năm tăng 13,8%. Trong đó khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu khí) tăng 20,5%, khu vực công nghiệp ngoài nhà nước tăng 12,7%. Trong khi đó, nếu xét về giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, thì mức tăng trưởng từ 4,9% trong quí 1 đã tăng lên 8,4% trong quí 3 và ước cả năm tăng 6,9%. Việc tăng trưởng sản xuất công nghiệp năm nay vượt 2 điểm phần trăm so với năm trước thực tế đã mang lại giá trị không lớn mà minh chứng là hiệu quả sản xuất đang giảm đi thấy rõ. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm nay do Chính phủ trình mới đây đã nói rõ rằng: “Hệ số giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục đà suy giảm, năm 2008 là 0,62, năm 2009 là 0,53 và năm 2010 dự kiến là 0,43. Điều này cho thấy tốc độ tăng giá trị gia tăng không tương xứng với tốc độ tăng quy mô sản xuất, phản ánh chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện”. Nói đơn giản, sự suy giảm hệ số giá trị gia tăng biểu hiện ngành sản xuất công nghiệp ngày càng làm nhiều và hưởng ít đi. Sự tăng trưởng của nó chủ yếu đến từ tăng đầu tư hay tăng chi phí đầu vào. Như ngành xuất khẩu điện tử và xuất khẩu thép năm nay rơi vào tốp các ngành có doanh số xuất khẩu trên 1 tỉ đô Mỹ nhưng sự thực thì sao? “Hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong các sản phẩm điện tử, máy tính xuất đi từ Việt Nam nhiều nhất chỉ vài phần trăm”, Tổng thư ký Hiệp hội Điện tử - Tin học Trần Quang Hùng nói. Ấy là chưa kể đến hầu hết thị trường gia công xuất khẩu các sản phẩm điện tử là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ nhập nguyên liệu vào Việt Nam để lắp ráp, sau đó xuất đi. Hay như xuất khẩu thép tăng mạnh trong năm nay chủ yếu là xuất khẩu ống thép loại gia công đơn giản cho thị trường Mỹ đang phục hồi đà xây dựng để làm hàng rào, cột đỡ các công trình xây dựng. Trong khi đó, muốn thu được nhiều lợi nhuận phải sản xuất hay xuất khẩu được ống thép có tiêu chuẩn cao cho các công trình lọc dầu, dẫn dầu. Nhưng mới chỉ có một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam sản xuất được loại đường ống tiêu chuẩn cao này. Nói về giá trị tăng trưởng sản xuất công nghiệp nhờ tăng giá đầu vào hay bán ra, Vụ Thống kê thương mại, dịch vụ và giá cả (Tổng cục Thống kê) cho biết chỉ tính riêng tháng 9, đơn giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng tăng mạnh so với cùng kỳ như giá than tăng 51,9%, giá hạt điều tăng gần 20% hay hạt tiêu tăng gần 39% có đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến. Nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thống kê được là tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất của chín tháng năm nay đạt 78% so với 76% của cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng là 2 điểm phần trăm trong vòng một năm là khoảng cách quá lớn. Trong khi từ năm 2000-2008 tỷ lệ chi phí trung gian trên gia trị sản xuất chỉ tăng bình quân khoảng 1 điểm phần trăm. Tất cả những điều đó cộng lại cho thấy: càng làm nhiều thì chi phí càng lớn và lợi nhuận thực thu về ngày càng giảm. Ở một góc độ khác, tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp không có những tác động tốt đến tình hình xuất nhập khẩu, nhập siêu. Việc gia tăng tốc độ sản xuất công nghiệp, trong đó có công nghiệp lắp ráp, chế biến, xuất khẩu, ngoài mặt tích cực, thì cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào. Trong chín tháng đầu năm, trị giá nhóm hàng nhập khẩu cần thiết để phục vụ sản xuất là 49,1 tỉ đô la (trong tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 60 tỉ đô la). Tính riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu tăng 42,4% so với cùng kỳ. Và nhóm hàng này lại không rơi vào diện có thể bị hạn chế, kiểm soát, do đó càng nhập nhiều thì nhập siêu càng lớn. Đó là chưa nói đến các ảnh hưởng lên tỷ giá, cán cân thanh toán... Trong số này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập mạnh nhất, điều này cho thấy họ đang tận dụng Việt Nam để gia công nhờ lợi thế nhân công giá rẻ, giá điện thấp hay tránh mức thuế cao. Như vậy, liệu bài toán hiệu quả sản xuất công nghiệp, xét về mặt cân đối vĩ mô, đã được các cơ quan quản lý nhà nước tính đúng và tính đủ chưa.
(Theo Ngọc Lan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com