Hiện trạng đội ngũ công chức, viên chức của ngành Tài nguyên và Môi trường chưa đáp ứng được số lượng, mất cân đối về cơ cấu…được nêu ra đồng thời với những giải pháp để lấp “lỗ hổng” nhân lực này.
Các cơ sở đào tạo ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ được tăng chi đào tạo- Ảnh minh họa |
Thực trạng, công tác đào tạo và chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã được gần 100 đại biểu của các ngành, địa phương, cơ sở đào tạo và Ban quản lý các Khu công nghiệp thảo luận tại Hội thảo về nhân lực TNMT các tỉnh phía Bắc ngày 12/10 do Bộ TNMT tổ chức.
Thiếu cả lượng và chất
Theo Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ TNMT Giang Đức Chung, đội ngũ công chức, viên chức của ngành hiện chưa đáp ứng được số lượng và mất cân đối về cơ cấu, hầu hết các lĩnh vực quản lý đều thiếu cán bộ.
Riêng khu vực miền Bắc, tổng số cán bộ ngành TNMT khoảng 10.400 người. Trong đó, cấp tỉnh có khoảng 3.400 người, cấp huyện khoảng 2.200 người và cấp xã khoảng 4.800 người. Về trình độ đào tạo, cấp tỉnh có khoảng 1,9% và cấp huyện có 0,4% đạt trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Ông Giang Đức Chung cho biết, chuyên ngành quản lý đất đai có số lượng cán bộ được đào tạo nhiều nhất, chiếm trên 39% ở cấp tỉnh; 60% ở cấp huyện, 71% ở cấp xã. Tiếp đó là chuyên ngành về đo đạc - bản đồ và môi trường.
Một số địa phương chưa có cán bộ được đào tạo ở ngành khí tượng thủy văn, nước, thủy lợi, địa chất khoáng sản như Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Nam.
Giám đốc Sở TNMT Bắc Kạn Triệu Đức Hiệp cho hay, Bắc Kạn có nguồn khoáng sản rất phong phú như đá vôi, chì, kẽm, titan… Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ quản lý của ngành TNMT chủ yếu kiêm nhiệm, hình thành từ đội ngũ cán bộ địa chính cũ nên chưa có kinh nghiệm quản lý khoáng sản, dẫn đến khó kiểm soát tình hình khai thác.
Hòa Bình cũng là một tỉnh miền núi đang thiếu cán bộ quản lý TNMT, đặc biệt là ở các Khu công nghiệp. Theo Phó ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình Dương Như Rụ, các chủ doanh nghiệp mới chỉ nhận thức chung chung về pháp luật môi trường và chưa quan tâm thỏa đáng đến lĩnh vực này.
Vì vậy, nhu cầu cán bộ quản lý về môi trường, kiểm tra, thẩm định đánh giá tác động môi trường, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm, xây dựng quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên đang rất bức thiết.
Hơn 10.000 tỷ đồng cho đào tạo nhân lực
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực các cấp được Bộ TNMT chỉ ra là công tác đào tạo nhân lực cho ngành trong những năm qua còn nhiều bất cập, mất cân đối giữa các ngành, các cấp đào tạo, nhiều lĩnh vực quản lý mới chưa được chú trọng đào tạo.
Hiện cả nước có 78 cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng, 45 trường đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp các ngành, chuyên ngành về TNMT.
Hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành TNMT nhìn chung đã đáp ứng được một phần nhu cầu xã hội nhưng chưa có sự liên thông, liên kết và quy hoạch theo mạng lưới.
Trong khi đó, theo dự báo, nhu cầu nhân lực, đào tạo mới, nâng cao trình độ nhân lực của ngành trong giai đoạn 2011-2015 lên tới 4,5 vạn người.
GS.TS Trương Quang Học, nguyên Chủ nhiệm Khoa Khoa học- Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TNTM cần có cách tiếp cận, có quan điểm rõ ràng, nếu không, sẽ dẫn đến dư thừa nguồn nhân lực mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
Ông kiến nghị cần đào tạo diện rộng, chú trọng trang bị cho người học kỹ năng tự học để liên tục cập nhật những kiến thức mới. Bên cạnh đó, cần mở những mã ngành mới như: biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, lưu vực sông… để đáp ứng nhu cầu ngành trong giai đoạn tới.
GS Lưu Đức Hải, Chủ nhiệm Khoa Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng cần xây dựng chương trình đào tạo theo quy trình: xây dựng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng; thiết kế chương trình đào tạo tăng cường kiến thức cơ bản, nâng cao khả năng vận dụng thực tiễn; lấy ý kiến phản hồi của người sử dụng lao động và cựu sinh viên để thường xuyên cải tiến chương trình.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của ngành trong giai đoạn 2011- 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dựa vào một số định hướng đảm bảo phát triển bền vững, trong đó xác định đào tạo con người là trung tâm, động lực và nhân tố quyết định của Chiến lược phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong giai đoạn tới sẽ tăng tỷ lệ chi ngân sách cho công tác đào tạo và đào tạo lại bằng ít nhất 10% tổng số chi cho giáo dục.
Theo Đề án phát triển đào tạo nhân lực ngành giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020, dự kiến sẽ dành khoảng 10.630 tỷ đồng để triển khai thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển.
(Theo Thu Cúc // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com