Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành 9 tháng ước đạt 505,97 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,6%), trong đó khu vực nhà nước trung ương tăng 4,8%, khu vực nhà nước địa phương giảm 2,9%, khu vực ngoài nhà nước tăng 8,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,0%.

Phân theo ngành kinh tế, giá trị sản xuất của ngành khai thác mỏ ước đạt 27.889 tỷ đồng, tăng 9,8%; ngành công nghiệp chế biến ước đạt 447.962 tỷ đồng, tăng 6,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, ga, nước ước đạt 30.121 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2008.

Nhờ tác động tích cực của các biện pháp kích cầu đầu tư, hỗ trợ sản xuất và kích thích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, phát triển công nghiệp tiếp tục có sự phục hồi đáng kể trong những tháng gần đây, đặc biệt trong quý III, giá trị sản xuất công nghiệp tháng sau tăng hơn tháng trước bình quân 10%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9/2009 tăng so với cùng kỳ 12,5%, cao hơn so với tăng trưởng bình quân 9 tháng 6%, cho thấy khả năng đạt mức chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng cuối năm (8%) là rất khả quan.

Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn đạt thấp so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đến nay đã cho thấy sự phục hồi đáng kể. TP. Hồ Chí Minh có giá trị sản lượng công nghiệp lớn nhất cả nước tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 6,4%, tiếp theo là Hà Nội tăng 7,7%, Hải Phòng tăng 6,5%. Những địa phương đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ là: Quảng Ninh tăng 13,3%, Thanh Hóa tăng 11,3%, Bà Rịa -Vũng Tàu tăng 10,9%, Khánh Hoà tăng 8,4%, Cần Thơ tăng 9,3%, Đồng Nai tăng 8,1%,  Bình Dương tăng 7,9%... Một số địa phương sản lượng công nghiệp giảm là: Phú Thọ giảm 0,8%, Vĩnh Phúc giảm 6,2%...

Giá trị sản xuất công nghiệp của các vùng kinh tế mặc dù đều tăng so với cùng kỳ năm 2008 nhưng vẫn ở mức thấp, trong đó tăng cao nhất là vùng Tây Nguyên (20,2%), tiếp theo là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (12,0%), vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung (11,2%); các vùng có giá trị sản xuất công nghiệp lớn là vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, lần lượt là 7,9%, 7,0% và 8,2%.

Tính đến hết tháng 9/2009, sản lượng các sản phẩm chủ yếu tiếp tục tăng trưởng khá cao, trong đó có những sản phẩm phục vụ cho sản xuất như điện sản xuất tăng 11,3%, dầu thô tăng 16,1%, than sạch tăng 4,2%, khí đốt tăng 10,2%; một số sản phẩm phục vụ tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng cao như điều hoà nhiệt độ tăng 48,2%, tủ lạnh tủ đá tăng 30,9%, xà phòng giặt các loại tăng 21,3%, thuốc lá bao tăng 13,5%; các sản phẩm vật liệu xây dựng có mức tăng trưởng cao và ổn định gồm: xi măng tăng 18,3%, thép tròn các loại tăng 18,8%.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ như: quần áo người lớn giảm 17,1%; sữa bột giảm 16,8%; vải dệt từ sợi bông giảm 16,3%; xe chở khách giảm 9,7%; các sản phẩm phân bón gồm phân ure, phân lân và phân NPK phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm lần lượt ở mức 2,7%, 8,9% và 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên phân NPK trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại ở mức 5% so với tháng trước và 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giảm sản lượng một số sản phẩm nêu trên chủ yếu do nhu cầu thị trường và tính thời vụ của sản xuất.

Như vậy, tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng 2009 có thể đánh giá như sau:

- Tuy tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động nhưng trong 9 tháng qua, ngành công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước, cho thấy xu hướng phục hồi tốt dần (3 tháng đầu năm tăng 2,1%, 4 tháng tăng 3,3%, 5 tháng tăng 4%, 6 tháng tăng 4,8%, 7 tháng tăng 5,1%, 8 tháng tăng 5,6%). Qua quá trình kiểm tra, đánh giá cho thấy các gói kích thích kinh tế đang dần phát huy hiệu quả góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng của ngành công thương.

- Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức tăng trưởng cao nhất, trong khi khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là kinh tế nhà nước địa phương có mức tăng trưởng thấp, thậm chí chưa bằng cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, động lực phát triển công nghiệp trong giai đoạn vừa qua chủ yếu nằm ở khối các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Ngành khai khoáng và sản xuất phân phối điện, nước, gas có tốc độ tăng trưởng khá, trong khi công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn chỉ tăng ở mức độ thấp do nhu cầu giảm.

- Thông qua các chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về thị trường nông thôn, chính sách hỗ trợ của nhà nước và công tác tuyên truyền, khuyến khích của các Hiệp hội ngành hàng, các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp trong ngành đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa, góp phần đáp ứng được nhu cầu của người dân và nâng cao doanh thu.

- Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày đã có đơn hàng sản xuất đến cuối năm, tiếp tục cho thấy những tín hiệu hồi phục trong những tháng cuối năm.

- Tuy đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp vẫn ở mức thấp, trong 9 tháng 2009 giá trị gia tăng công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 4,48% cho thấy tỷ lệ sản xuất gia công vẫn còn cao. Nhiều sản phẩm công nghiệp vẫn tăng trưởng ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái và có mức tồn kho cao, đặc biệt là sản phẩm phân bón...

- Hoạt động dự báo, cảnh báo các tác động và nguy cơ của những yếu tố bên ngoài (cả trong và ngoài nước) vào hoạt động của doanh nghiệp còn chưa kịp thời. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được thời cơ từ các gói kích cầu của Chính phủ. Một số vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện, như vấn đề thủ tục cho nông dân vay đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị.... chậm được tháo gỡ.

Trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tích cực cải tiến công nghệ, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm để giảm bớt chi phí, vẫn chậm trễ hoặc thụ động trong việc tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Việc đầu tư vào nhiều công trình vẫn còn chậm, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực... Đây là cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất của toàn ngành công nghiệp.

(Tin tham khảo)

  • "Thách thức đối với ngành điện là vô cùng lớn"
  • Sản lượng khai thác thủy sản trên biển tăng khá
  • Các hồ thủy điện miền Bắc bắt đầu tích nước
  • Tái cấu trúc và phát triển doanh nghiệp Nhà nước
  • Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư nước ngoài
  • Khởi công xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
  • Mô hình một cửa mẫu hiện đại bước đầu có hiệu quả
  • Cải cách thủ tục hành chính: Xác định rõ mục đích của từng nhóm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi