Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giám sát hiệu quả gói kích cầu

 
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 13/8/2009, dư nợ cho vay vốn hỗ trợ lãi suất đã đạt hơn 395 nghìn tỷ đồng - Ảnh: Quang Liên.

Tiếp theo cuộc giám sát về tình hình các tập đoàn, trong tuần tới, hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ sẽ được tiến hành giám sát tại các doanh nghiệp và ngân hàng.

Để vực dậy nền kinh tế, thời gian qua Chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ nhằm vào nhiều đối tượng khác nhau: kích cầu đầu tư - tiêu dùng với 17.000 tỉ đồng để bù 4% lãi suất cho vay vốn lưu động sản xuất-kinh doanh, gói hỗ trợ nông nghiệp nông thôn... 

Theo ước tính của các cơ quan chức năng, gói kích cầu bù lãi suất đã sử dụng được khoảng 80%. Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, giải ngân nhiều nhất rơi vào gói kích cầu đầu tư - tiêu dùng, đối tượng thụ hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp. 

Tháng 10 sẽ báo cáo kết quả giám sát

Những nội dung cụ thể về hiệu quả của gói kích cầu cần giám sát được Chủ nhiệm  Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ ra là Quốc hội cần biết đánh giá của các bộ, ngành về hiệu quả gói kích cầu cho đến thời điểm này. 

“Chẳng hạn, nguyên tắc của một gói kích cầu là phải đúng lúc, kịp thời, tác động trong ngắn hạn. Từ nguyên tắc này, đối chiếu với gói kích cầu mà Chính phủ đang làm, xem có bảo đảm nguyên tắc không? Các báo cáo đánh giá sẽ giúp chúng tôi có một cái nhìn khách quan và đúng đắn để góp phần cùng Chính phủ đưa gói kích cầu phát huy hiệu quả tốt nhất. Muốn gói kích cầu phát huy hiệu quả thì phải giám sát chặt chẽ. Nếu không sẽ có những tác động ngược lại”, ông Hiển cho hay.

Cũng theo ông Hiển, Ủy ban Tài chính ngân sách đã có chương trình cụ thể cho việc giám sát này với 3 mũi nhọn cần tập trung. Thứ nhất tập trung giám sát triển khai gói kích cầu 1 tỷ USD xem việc giải ngân có kịp thời, hiệu quả hay không? 

Thứ hai triển khai giám sát nguồn trái phiếu Chính phủ có gắn với đầu tư xây dựng cơ bản không? 

Thứ ba, sẽ đẩy mạnh giám sát việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. 

Với kế hoạch như vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội dự kiến sẽ có một báo cáo tuy chưa phải là toàn diện nhưng sẽ tập trung vào ba vấn đề đó để trình trước Quốc hội vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII diễn ra vào tháng 10 tới. Sau báo cáo này sẽ có đánh giá một cách tổng thể và đưa ra các giải pháp điều chỉnh kịp thời những vướng mắc khó khăn nhằm phát huy tối đa hiệu quả của gói kích cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng Quốc hội sẽ cố gắng ở mức tối đa trong việc giám sát hiệu quả của gói kích cầu. Phần còn lại chính là ở các cơ quan lắng nghe và thực hiện những ý kiến xác đáng của đoàn giám sát. 

Cũng theo ông Kiên, việc kích cầu của Chính phủ trong thời gian qua không giống các nước khác ở chỗ là không thể lấy một cục tiền để đưa thẳng cho cá nhân này hay đơn vị kinh doanh mà phải áp dụng theo kiểu riêng của Việt Nam, có phần tiền thật đưa ra, có phần miễn, có phần giãn, có phần giảm, hỗ trợ thêm... Vấn đề còn lại là sử dụng như thế nào cho hiệu quả. 

Cần có sơ kết về hiệu quả kích cầu

Hiện nay, đánh giá ban đầu của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội là việc triển khai thực hiện vốn kích cầu của Chính phủ khá kịp thời, đã tạo ra “cú hích” cho nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ và suy giảm... 

Tuy nhiên Ủy ban Tài chính ngân sách cảnh báo, nếu không giám sát chặt chẽ và quản lý có hiệu quả gói kích cầu, sẽ dễ xảy ra thất thoát, lãng phí các nguồn vốn vay, gia tăng gánh nặng nợ nần và các hiện tượng “đầu cơ nóng” với các dự án vay chất lượng thấp hoặc triển khai kém, giải ngân không đúng mục đích. 

Nguy cơ tái lạm phát sẽ là hiện hữu trong những năm tới nếu sử dụng “gói kích cầu” kém hiệu quả, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng cả về phạm vi và thời gian. Nó cũng có thể làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nền kinh tế do việc cho vay nặng tính bao cấp, thiên về quy mô, tốc độ, không phát huy vai trò điều tiết của cơ chế thị trường...

Chính phủ cũng đã có những nhìn nhận rất thực tế về những nguy cơ này. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, gói kích cầu sẽ phản tác dụng nếu chúng ta chi tiêu không hiệu quả và sẽ rất dễ gây ra lạm phát. Thực tế thì ngay khi triển khai gói kích cầu vào đầu tháng 2 vừa qua, Chính phủ cũng đề ra một loạt giải pháp rốt ráo để thực hiện gói kích cầu tránh rơi vào tình trạng chi sai mục tiêu, đối tượng sử dụng, gây lãng phí, thất thoát các nguồn lực.

Đến nay, chưa có một cuộc sơ kết nào mang tính tổng hợp, cụ thể và toàn diện về hiệu quả của gói kích cầu ngoài những nhận định chung như gói kích cầu đã phát huy hiệu quả.

Nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị đã đến lúc Chính phủ nên thực hiện một cuộc sơ kết nửa năm về hiệu quả thực hiện gói kích cầu. Hiện tác động cụ thể của gói kích cầu thế nào đối với nền kinh tế, dư luận biết đến chủ yếu qua thông tin mang tính nhỏ, lẻ của một số tổ chức đang thụ hưởng công bố.

(Theo Lê Châu // VnEconomy)

  • Vướng do thiếu quy định cụ thể
  • Tuyến tàu trên cao kết nối Hà Đông - Xuân Mai
  • Lập quy hoạch xây dựng dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Vinh
  • Khởi công xây dựng công trình nhà Quốc hội
  • Nên chọn phương án... khó !
  • Trình quy hoạch vùng hồ Ba Bể
  • Triển khai dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn
  • Chủ tịch Tập đoàn Than Khoáng sản xin từ chức
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi