Khi đầu tư công ngày một tăng nhưng không có giải pháp quản lý hữu hiệu thì hiệu quả đầu tư sẽ ngày một thấp |
Từ giữa năm 2008 đến nay Chính phủ không ngừng tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn: vay trong nước, vay ngoài nước, cho phép chuyển vốn chưa tiêu hết từ năm trước. Tuy nhiên, trong khi say sưa với các kế hoạch kích cầu, vấn đề hiệu quả đầu tư có phần bị xem nhẹ.
Không ai phủ nhận rằng, việc tăng cường đầu tư, nhất là cho lĩnh vực xây dựng cơ bản là cần thiết trong bối cảnh phải đối phó với suy thoái. Tuy nhiên, trong cuộc họp toàn thể của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, các báo cáo của Chính phủ trình ra Ủy ban này cho thấy, năm 2009, tổng đầu tư vốn toàn xã hội chiếm 42% GDP trong khi mục tiêu tăng trưởng đặt ra chỉ 5 - 5,2%. Điều này đồng nghĩa với việc hệ số đầu tư (ICOR) rất lớn, xấp xỉ 8. Trong khi đó, Trung Quốc cũng chi đầu tư phát triển rất lớn nhưng tỷ lệ bội chi ngân sách chỉ hơn 2%, ICOR 4.
Bệnh cũ…
Trong nhiều năm nay, tại các kỳ họp của Quốc hội, hay các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư kém hiệu quả luôn được đề cập đến. Nhưng các dự kiến kế hoạch đầu tư, phân bổ ngân sách do Chính phủ xây dựng cuối cùng… vẫn được thông qua trong khi kèm theo đó, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí lại thường chỉ chung chung.
800.000 tỷ đồng là tổng mức đầu tư toàn xã hội dự kiến cho năm 2010 |
Trong một báo cáo khác, tổng hợp về tình hình sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại 20 bộ, ngành, 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 23 tập đoàn, tổng công ty… do Kiểm toán Nhà nước công bố cuối tháng 7, người ta thấy từ “hầu hết” được lặp đi lặp lại nhiều lần khi nói về tình trạng đơn vị, doanh nghiệp được kiểm toán sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách một cách hoang phí và thiếu trách nhiệm. Kiểm toán Nhà nước đã liệt kê hàng trăm công trình, dự án mà vốn ngân sách đầu tư vào đó lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhưng không đem lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Và nguyên nhân có rất nhiều: chuẩn bị dự án kém dẫn đến liên tục thay đổi thiết kế, tăng tổng mức đầu tư, đặt sai địa điểm, hoàn thành dự án nhưng không sử dụng…
Có rất nhiều ví dụ “xót ruột” như dự án xử lý nước thải khu du lịch Đồ Sơn - Hải Phòng được đầu tư từ nhiều năm nay, ngân sách đã chi hơn 12 tỷ đồng nhưng công trình đến nay đã hoàn toàn ngừng thi công. Cũng ở Hải Phòng, dự án xử lý nước thải Khu Công nghiệp Vĩnh Niệm đã cấp 3 tỷ đồng; dự án xử lý nước thải khu du lịch Vịnh Tùng Dinh - Cát Bà đã cấp phát 23,5 tỷ đồng, xây dựng xong không hoạt động được. Ngay tại Hà Nội, công trình vườn ươm Thanh Táo - tuyến tránh Hà Nội Cầu Giẽ được đầu tư hàng tỷ đồng đang để hoang. Tỉnh Đồng Nai cũng có 23 dự án đã đầu tư 9,8 tỷ đồng nhưng không thực hiện tiếp…
Báo cáo về tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nêu tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Ngân sách một lần nữa chỉ ra tình trạng đáng buồn này. Riêng thanh tra ngành tài chính trong 6 tháng đầu năm 2009 đã kiến nghị xử lý tài chính 120 tỷ đồng tại các doanh nghiệp được thanh tra. Một số trường hợp sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách rất kém hiệu quả được nêu đích danh như: 4 dự án có nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước tại Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (8,6 tỷ đồng); dự án mua sắm thiết bị trị giá hơn 1,28 triệu USD của Công ty Vắc xin - Sinh phẩm Y tế…
Gần đây nhất, đoàn giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng nhận định, tình trạng sử dụng những nguồn vốn lớn, tài nguyên khoáng sản… của các doanh nghiệp này cho việc đầu tư cũng rất hoang phí, kém hiệu quả. Nhiều tập đoàn đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính gây thua lỗ lớn như Tập đoàn Điện lực đầu tư 214 tỷ đồng, lỗ 30 tỷ đồng. Một công ty của Tập đoàn Dầu khí đầu tư vào chứng khoán lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, còn công ty mẹ - Tập đoàn - đầu tư gần 369 tỷ đồng ra ngoài cũng không sinh lời.
Không thể thờ ơ
Trong báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch: tăng trưởng GDP 6,5%, bội chi ngân sách 6,5%... Mức huy động đầu tư phát triển lên đến trên 800 ngàn tỷ đồng (chiếm khoảng 41 - 42% GDP), tăng từ 14,3-17,9% so với ước thực hiện năm 2009. Trong đó, đầu tư từ ngân sách là 140 -160 ngàn tỷ đồng; đầu tư từ trái phiếu Chính phủ dự kiến 40.000 tỷ đồng, đầu tư từ tín dụng nhà nước khoảng 55 ngàn tỷ đồng; đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước là 66 ngàn tỷ đồng (tăng 10%)… Tất cả cho thấy một quyết tâm cao nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau thời gian suy giảm.
Nhiều doanh nghiệp và cá nhân được ưu đãi thuế Phân tích hiệu quả của gói kích thích kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Chính phủ, trong năm 2010 sẽ không tiếp tục áp dụng các chính sách miễn giảm thuế nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế như năm 2009 (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và lệ phí). Tuy nhiên, sẽ vẫn áp dụng việc giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công dệt may, da giày… Tương tự, biện pháp hoãn, giãn thuế nhập khẩu cũng được bộ này kiến nghị tiếp tục thực hiện. Theo thông tin cập nhật nhất, tính từ đầu năm 2009 đã có trên 125.500 lượt doanh nghiệp và khoảng 937.000 đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được hưởng các ưu đãi về chính sách thuế. Trong đó, trên 36.000 doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; 42.000 doanh nghiệp được giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và 47.000 doanh nghiệp được giảm 50% thuế giá trị gia tăng. Khoảng 400 doanh nghiệp được giãn nộp thuế giá trị gia tăng 180 ngày đối với máy móc thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng nhập khẩu loại trong nước chưa sản xuất được. 937.000 đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được miễn nộp thuế này trong 6 tháng đầu năm 2009… Tổng số tiền miễn, giảm, giãn thuế theo các chính sách đã ban hành tính đến hết tháng 7 - 2009 khoảng 14.700 tỷ đồng, ước cả năm khoảng 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ đã tiếp tục rà soát giảm khoảng 140 tỷ đồng các khoản phí và lệ phí khác. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất chuyển cho các tổ chức tín dụng ước thực hiện năm 2009 là khoảng 10.000 tỷ đồng. |
(Theo Dân Hùng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com