Năm 2009 ngành nuôi ong Đăk Lăk thu 6.500 tấn mật, bán sang Hoa Kỳ, Canada, Nhật, Hàn được hơn chục triệu USD.
Chăm sóc ong để chuẩn bị đưa đi hút mật - Ảnh: HTN |
Đưa ong ra Bắc vào Nam
Năm nay, thời tiết Đăk Lăk không thuận lợi nên nguồn phấn hoa ít, giá đường lại tăng cao gây khó khăn cho việc dưỡng ong, tăng đàn.
Anh Hoàng Văn Quế ở thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Buk đưa 2.500 đàn ong của mình xuống Bình Phước hơn một tháng nay. Anh dự tính trong một tháng xa nhà nằm vườn cao su sẽ thu mật được 4 lần, riêng mẻ đầu vừa quay đã cho 1 tấn mật.
Theo anh Quế, nhờ đưa đàn ong đi các nơi sớm nên anh tiết kiệm được gần 10 triệu đồng tiền đường cho ong ăn, đánh được mật ngon đầu mùa.
Người nuôi ong Đăk Lăk đưa ong đi tới các vườn cây công nghiệp, cây ăn trái trên khắp cả nước để xin hoặc thuê chủ vườn cho đặt cầu ong.
Tháng 10, tháng 11 họ chuyển ong sang Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp hút mật lá cao su. Giáp tết, đưa ong trở lại Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk đón mùa hoa cà phê nở.
Ra giêng theo ong đi các tỉnh miền Tây, ra tận Bắc Giang hút mật hoa tràm hoa nhãn. Rồi tới giữa tháng 6 lại cùng ong về cao nguyên để dưỡng quân, tăng đàn chuẩn bị cho một mùa đánh mật mới.
Sau mấy tháng nuôi dưỡng cho ong của mình thật mạnh, mỗi đàn đạt từ 8 đến 10 cầu, các “vị tướng” bắt đầu đi khảo sát địa bàn, tìm nguồn hoa để đưa quân đi “đánh”.
Đưa ong đi đánh mật ở đâu tùy vào lựa chọn đánh loại mật nào của các chủ ong, tùy cả vào sự hào hiệp đón tiếp của mỗi chủ vườn.
Gần hai phần ba số đàn ong trên địa bàn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Cty Ong mật Đăk Lăk. Trước tình hình bất lợi về thời tiết, Cty Ong mật Đăk Lăk đã chủ động ứng hơn 17 tỷ đồng cho nông dân mua vật tư, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ong và khai thác mật, nhân rộng mạng lưới nuôi ong gửi đàn đến nhiều tỉnh thành dồi dào nguồn hoa.
Lãi cả trăm triệu đồng từ ong
Chúng tôi tìm vào trại ong của vợ chồng ông Nguyễn Chí Toàn, bà Trần Thị Phượng ở tổ 13, khối 2, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột. Trại ong của ông Toàn có tới 550 đàn, mỗi đàn đã được 7 - 8 cầu.
Những năm thời tiết thuận lợi, ông Toàn đánh được 22 - 25 tấn mật, giá cả thị trường ổn định gia đình ông có trên 150 triệu đồng tiền lãi. |
Gia đình ông nuôi ong từ năm 1964. Tiếp nối nghề ong là duyên phận rất đỗi tự nhiên đối với ông.
Tiếp chúng tôi ông nhỏ nhẹ: “Gia đình tôi đang cẩn thận dưỡng ong thật mạnh, một tuần nữa cho mỗi đàn đủ 9 đến 10 cầu, tôi mới đưa vào đánh mật ở Bình Phước, rồi ngược ra Bắc Giang”.
Những năm thời tiết thuận lợi, ông Toàn đánh được 22 - 25 tấn mật, giá cả thị trường ổn định gia đình ông có trên 150 triệu đồng tiền lãi.
Ông tâm sự, nghề này không phải ai cũng làm được. Muốn gây dựng được đàn ong trước hết phải có một số vốn kha khá, phải kiên trì, cần mẫn như ong nếu không chúng sẽ bỏ đi hết.
Để mật đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, phải nuôi, lấy mật theo qui trình khoa học một cách chặt chẽ, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.
Dẫu thế nuôi ong còn phụ thuộc nhiều vào ông trời. Có năm mưa nhiều, ong không hút được phấn hoa, mật hoa, người nuôi phải đầu tư khoản tiền rất lớn để mua đường, mua thức ăn cho ong. Vụ đó coi như lỗ nặng.
Gặp khi ong hút phải mật hoa thối rữa do mưa thì ong bị ỉa chảy, hay khi hút phải hoa có thuốc trừ sâu ong chết hàng loạt. Gần đây còn xuất hiện bệnh thối ấu trùng ong.
Năm ngoái, người nuôi ong Đăk Lăk phải đối mặt với một loại kí sinh mà họ gọi là “chí”. Loại chí này rất nhỏ nhưng cắn chết ấu trùng ong gây thiệt hại đáng kể. Vậy nên không phải ai cũng có duyên với ong hoặc dễ dàng làm giàu từ ong.
(Theo Thiên Nga - Ngọc Việt // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com