Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thúc đẩy sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng trong xây dựng

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của các đơn vị doanh nghiệp nói riêng và của ngành Xây dựng nói chung cũng đạt mức cao. Đi đôi với sự  tăng trưởng của sản xuất, mức tiêu thụ năng lượng trong các khu vực xây dựng ngày càng gia tăng và rất khó kiểm soát.
 
Chính vì vậy, mới  đây, Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam (Vieglass) và Viglacera đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: "Kính an toàn và tiết kiệm năng lượng - hoàn thiện hệ thống quy phạm và định hướng phát triển”. Mục tiêu chính của Hội thảo là nhằm xác định những tiêu chuẩn của kính xây dựng cần đưa lên thành quy chuẩn xây dựng của Việt Nam và dự kiến danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn cần biên soạn mới; Mở hướng mới cho ngành kính xây dựng- Phát triển kính năng lượng.
Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ

Cần thiết phải xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ cho việc sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng là nội dung chính trong hội thảo. Các tham luận đã tập trung vào việc nêu lên thực trạng sử dụng kính xây dựng tại Việt Nam; thực trạng và định hướng xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng kính an toàn và tiết kiện năng lượng tại Việt Nam; các quy định sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng trên thế giới; các kiến nghị từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như việc giám sát thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng kính trong xây dựng tại Việt Nam.

Ông Lê Văn Thịnh - Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết: Tại nhiều công trình, nói là kính an toàn nhưng rất dễ vỡ, nứt. Tuy nhiên, chủ công trình cũng khó thay thế do mỗi loại kính thường chỉ sản xuất theo từng lô. Nếu có tìm được đúng loại kính cũng không tháo ra để thay được vì không có tiêu chuẩn thi công.

Còn ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng giám đốc Eurowindow thì cho biết: Các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực kính hiện chưa đầy đủ và rõ ràng. Hoạt động giám sát tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sử  dụng kính chưa đạt hiệu quả. Việc áp dụng kính xây dựng theo đúng tiêu chuẩn và quy chuẩn phụ thuộc vào quyết định của chủ đầu tư. Thiết kế làm theo yêu cầu của chủ đầu tư còn giám sát thi công làm theo yêu cầu của thiết kế vì vậy chất lượng công trình về phần kính có đảm bảo hay không cũng không có cơ quan nào quản lý. 

Ông Trần Hữu Hà - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng thừa nhận rằng thời gian qua mặc dù đã ban hành một số quy chuẩn liên quan tới sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng nhưng vẫn còn thiếu những quy định cụ thể, đặc biệt là quy định về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, thiết kế lắp đặt và thử nghiệm. Để khắc phục tình trạng này, ông Hà cho biết Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch triển khai các hoạt động như: Soát xét, bổ sung chỉnh sửa các nội dung của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam;  Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về kính như tiêu chuẩn về kính xây dựng, kính chống đạn, phương pháp thử và phân loại; kính xây dựng - phương pháp thử độ bền gió cho kính; Tiêu chuẩn về tường kính (xác định độ lọt khí, độ bền áp lực, độ lọt nước, độ lọt khí, độ bền áp lực gió, thử nghiệm phòng thí nghiệm dưới áp lực tĩnh…)…. 
 
Phát triển kính năng lượng để sản xuất năng lượng sạch

Đây là hướng rất mới cho ngành công nghiệp sản xuất kính trong nước vì đây là những sản phẩm đặc thù cần đầu tư sâu vào khâu nghiên cứu. Ông Từ Trung Chấn - Phòng thí nghiệm Nano, ĐHQG TP. HCM cho rằng việc sản xuất kính năng lượng tại Việt Nam bằng công nghệ màng mỏng là rất khả thi do công nghệ này hiện nay cũng tương đối phổ biến trên thế giới nên rất nhiều đối tác nước ngoài có thể hỗ trợ chúng ta trong lĩnh vực này và VN cũng đã có những nghiên cứu rất tỷ mỉ.  

Ông Trịnh Quang Dũng - Viện Vật lý TP HCM- Viện Khoa học và công nghệ VN đánh giá: Việt Nam là quốc gia có tiềm năng đáng kể về năng lượng mặt trời với số lượng giờ nắng ở các tỉnh phía Bắc lên tới 2100 giờ nắng/năm, còn ở phía Nam lên tới 2600 giờ nắng /năm. Một số dự án Điện mặt trời đã được thí điểm ở VN tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát triển, cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước về cơ chế ưu tiên phát triển.

Ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, Bộ Công thương cho biết: Nhà nước đang rất chú trọng tới lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng mới và hiện đang xây dựng những hành lang cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế tiết kiệm năng lượng, góp phần ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu cấp bách hiện nay.

Nhiệm vụ của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã phát biểu trong lời kết luận Hội thảo rằng thúc đẩy nhanh việc sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng, cũng như  nhiệm vụ phát triển kính năng lượng để sản xuất năng lượng sạch là nhiệm vụ cấp bách cần sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng những hành lang pháp lý, những quy định cụ thể nhằm định hướng cho doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai. Về phần doanh nghiệp, cần phải đầu tư mạnh mẽ cho việc đổi mới công nghệ, sản xuất, đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển để có thể đưa ra thị trường những sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực kính xây dựng.

(Theo Ngọc Bích // Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi