Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi CNTT tạo áp lực đối với cải cách hành chính

Ứng dụng CNTT vào thủ tục hành chính công được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn thời gian thủ tục, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh là người dân đang làm thụ tục kê khai thuế tại Cục Thuế TP.HCM. - tinkinhte.com
Ứng dụng CNTT vào thủ tục hành chính công được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn thời gian thủ tục, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh là người dân đang làm thụ tục kê khai thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 (Quyết định 136/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) được xem là giai đoạn bản lề cho việc tiến tới kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

Chương trình bao gồm một số mục tiêu cơ bản, như đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến, đổi mới phương thức quản lý tài nguyên thông tin cũng như xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan nhà nước.

Ở giai đoạn bản lề này, kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam được đánh giá là đã có những bước tiến triển mới, với những tín hiệu lạc quan hơn. Việc đưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân, nếu tính từ năm 1995 khi Việt Nam bắt đầu khởi xướng chính phủ điện tử, đã gặt hái không ít thành công và cả những bài học cay đắng.

Cụ thể, đi tìm nguyên nhân tạm gọi là “thất bại” của đề án 112 về tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, có thể nhận diện khá rõ ràng là: chưa quan tâm xây dựng một nền hành chính được vận hành theo một “công nghệ hành chính” tiên tiến. Trên nền “công nghệ” ấy mới áp dụng giải pháp tin học. Hay nói một cách khác, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước chỉ phát huy được trên nền “công nghệ hành chính” tiên tiến.

Mục tiêu của ứng dụng CNTT trong hành chính nhà nước là tạo ra một phương thức vận hành thông suốt, có hiệu quả của bộ máy công quyền, thông qua việc sử dụng các hệ thống thông tin điện tử.

Nhiều chuyên gia khẳng định “muốn tin học hóa hành chính phải có mô hình”, trong đó định nghĩa tương quan giữa các cơ quan, công dân và doanh nghiệp. Theo mô hình “one stop” của phương Tây (giống với cơ chế “một cửa liên thông” trong quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), người dân chỉ việc đến một nơi để đưa yêu cầu, sau đó giải quyết như thế nào là việc của các cơ quan công quyền, dù yêu cầu của người dân có thể liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau. Nói cách khác, nội bộ các cơ quan phải thông suốt với nhau, phải thỏa thuận được luồng công việc (work flow), định nghĩa được quy trình và thời hạn giải quyết.

Để làm được điều này, có lẽ hệ thống hành chính phải chấp nhận bớt đi một số nét đặc thù và phải mạnh dạn tước bỏ đặc quyền không chính đáng của nhiều cán bộ, công chức. Nếu không cải cách hành chính mạnh mẽ, sẽ không có chính phủ điện tử.

Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2007-2010 do Bộ Thông tin - Truyền thông soạn thảo đã quy định người đứng đầu các cơ quan (vốn trực tiếp chịu trách nhiệm về cải cách hành chính) phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo ứng dụng CNTT. Với quy định này, việc gắn kết giữa cải cách hành chính và CNTT sẽ đồng bộ hơn. Nếu người đứng đầu thực sự có trách nhiệm, chủ động thì những khó khăn “muôn thuở như thiếu vốn, không đồng bộ với cải cách hành chính... sẽ được giải quyết và cả lực lượng chuyên về CNTT cũng sẽ được tăng cường.

Cũng như vậy, nếu các thủ tục hành chính không hợp lý được bãi bỏ càng sát với yêu cầu thực tiễn thì tác động tích cực đến sản xuất-kinh doanh, đến chi phí của doanh nghiệp và sự cải thiện môi trường kinh doanh càng lớn. Các chuyên gia cho rằng, việc đơn giản hóa có thể bằng nhiều cách, ví dụ có thể bỏ hẳn quy định về một thủ tục hành chính nhưng cũng có thể giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp. Lấy thủ tục cấp mã số thuế và đăng ký kinh doanh làm ví dụ, chúng ta đã rút từ 30-35 ngày xuống còn năm ngày.

Nhưng để có bước chuyển biến được như vậy, có thể phải mất tới vài năm. Nay nhờ ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chính phủ điện tử, chúng ta có thể cải cách hành chính nhanh hơn, hiệu quả công việc chắc chắn được nâng cao hơn, tránh mất đi những cơ hội kinh doanh đáng tiếc cho các doanh nghiệp và địa phương như thời gian qua. Có thể nói, tin học hóa hành chính nhà nước vừa là phương tiện, vừa là áp lực đối với cải cách hành chính.

“Là phương tiện” vì thông qua việc ứng dụng CNTT, bộ máy hành chính nhà nước có thể liên kết với nhau khi thực hiện các hoạt động và các thủ tục hành chính. Chính phủ cũng thông qua đó điều hành bộ máy một cách hữu hiệu, nhanh, chính xác, và kiểm soát tốt mọi hành động của cơ quan công quyền. Do vậy, có thể đáp ứng kịp thời những biến động phức tạp của thực tiễn nền kinh tế trong thời hội nhập, thông qua việc cảm nhận được “hơi thở” của thị trường và xã hội.

“Là áp lực” vì mọi trì trệ, ách tắc của bộ máy sẽ lộ diện dễ dàng qua hệ thống liên kết trực tuyến này. Các hoạt động của bộ máy công quyền khi được thực hiện trên môi trường điện tử sẽ được kiểm soát theo các chuẩn mực, kỷ cương của nền hành chính, nhờ đó mà sẽ được giám sát. Nếu dịch vụ công được cung ứng thông qua hệ thống CNTT, ở đó sẽ không có ranh giới giữa các cơ quan, các cấp chính quyền, mà chỉ thấy các loại dịch vụ được cung ứng.

Người dân và doanh nghiệp không cần biết ai là người giải quyết thủ tục cho họ, chỉ biết thủ tục đó được giải quyết như thế nào và khi gặp những vướng mắc, họ có được ai đó quan tâm, giải quyết hay không. Cách thức này đòi hỏi sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, các cấp chính quyền trong việc giải quyết thủ tục hành chính như những “dòng chảy thông tin” thông suốt.

Mục tiêu của ứng dụng CNTT trong hành chính nhà nước là tạo ra một phương thức vận hành thông suốt, có hiệu quả của bộ máy công quyền, thông qua việc sử dụng các hệ thống thông tin điện tử. Do vậy, các ứng dụng CNTT phải được thiết lập trên cơ sở “đơn đặt hàng” của bộ máy hành chính nhà nước và nhờ tính năng đặc biệt của công nghệ mà những mục tiêu thiết lập một bộ máy hành chính hoạt động có hiệu quả, năng động và chất lượng sẽ được thực hiện. Chính cải cách hành chính là chủ thể đưa ra mục tiêu, yêu cầu cho việc thiết lập các hệ thống CNTT.

Ở góc nhìn khác, chính ứng dụng CNTT sẽ là một trong các giải pháp nhằm đạt mục tiêu của cải cách hành chính, chuyển từ hành chính “xin-cho” sang hành chính “phục vụ”; và làm cho nền hành chính có khả năng kiểm soát lãng phí, thất thoát và tham nhũng. Điều đó đòi hỏi các hoạt động phải được quy trình hóa, phải rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, về các hoạt động và các mối quan hệ..., qua đó sẽ tạo được yếu tố công khai, minh bạch trong nền hành chính. Quá trình thiết lập các hệ thống CNTT trong cơ quan hành chính nhà nước phải xuất phát từ quá trình thiết lập trật tự các quy trình, các cơ chế và các mối quan hệ giữa các chức năng, các cơ quan và các cấp.

Theo kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước (giai đoạn 2009-2010, đang trình Chính phủ thông qua), đến năm 2010, các cơ quan nhà nước sẽ có 60% thông tin điều hành qua mạng; 80% cán bộ cấp trung ương, 60% cấp tỉnh và 30% cấp huyện sử dụng e-mail trong công việc; 80% cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ ở mức hai (theo mô hình bốn mức độ của Bộ Thông tin-Truyền thông). Trong năm 2009, bộ sẽ xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015.

_________________________________

(*) Chuyên viên cao cấp - Nguyên Phó vụ trưởng Bộ nội vụ.

(Theo Diệp Văn Sơn (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sàn đấu giá, niềm hy vọng mới cho ngành chè Việt Nam
  • Điện gió: Còn nhiều nút thắt
  • VN có thể chọn công nghệ điện hạt nhân của Nhật
  • Việt Nam quan tâm và hướng tới công nghiệp xanh
  • Hệ số đầu tư cao, cao mãi!
  • Cảng Hiệp Phước TP Hồ Chí Minh: Vươn ra biển lớn
  • Việt Nam nên tập trung cấp giấy chứng nhận cho 15.000 tàu cá
  • Chất lượng tăng trưởng thấp và đang giảm dần
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi