Một trong những nguyên nhân được chỉ ra dẫn đến việc các doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước thua ngay trên sân nhà chính là "kẽ hở" trong chính Luật Đấu thầu hiện hành.
Một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành xây dựng nhận xét: Trong khi các DN VN còn nhỏ bé để tích tụ vốn trở thành những tập đoàn chế tạo cơ khí hùng mạnh, thì một chiến lược dài hơi hậu thuẫn, tạo đà cho sự phát triển cơ khí đã không được định hướng đúng đắn. Hậu quả là DN trong nước bị đánh mất cơ hội phát triển, người lao động trong nước bị mất việc làm.
Đấu thầu hay đấu giá?
Theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, việc đấu thầu chọn tổng thầu EPC hoặc từng gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp được thực hiện theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Sơ tuyển về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Giai đoạn này, các nhà thầu nộp đề xuất về kỹ thuật, phương án tài chính nhưng chưa có giá dự thầu.
Giai đoạn 2: Các nhà thầu qua vòng sơ tuyển sẽ nộp hồ sơ dự thầu giai đoạn 2 bao gồm: Đề xuất về kỹ thuật; đề xuất về tài chính, ở giai đoạn này nhà thầu sẽ đưa ra giá dự thầu. Theo các chuyên gia, với phương thức đấu thầu này thì hầu hết các nhà thầu đều vượt qua giai đoạn 1. Vì thực tế, kể cả các nhà thầu không đủ năng lực, họ có thể thuê tư vấn có kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Và khi đã vượt qua "cửa ải" đầu, vào giai đoạn 2 là đấu giá.
"Thực chất đấu thầu ở VN thời gian qua là đấu giá"- một chuyên gia nhận xét. Với cách làm này thì không có nhà thầu VN nào vượt qua được các nhà thầu Trung Quốc, vì giá nào họ cũng làm được.
Tuy nhiên, vấn đề lại không chỉ dừng ở giá rẻ. Nhiều bài học nhỡn tiền đã và đang xảy ra tại một số dự án do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC. Mới rồi, Cty gang thép Thái Nguyên (GTTN) và TCty Thép VN (VSC) "dở khóc, dở cười" vì một nhà thầu nước ngoài mặc dù được chọn thông qua đấu thầu quốc tế, nhưng đã cố tình kéo dài hợp đồng... vô thời hạn để yêu sách với chủ đầu tư. Dự án thi công 2 gói thầu chính là dây chuyền sản xuất luyện kim và khai thác chế biến quặng sắt nhằm tăng năng lực sản xuất của GTTN, có tổng vốn đầu tư lên tới 4.000 tỉ đồng, nhưng đến nay đã có thể khẳng định là không vào kịp tiến độ.
Theo đại diện Cty GTTN, nguyên nhân của sự bài bẫy này là do nhà thầu này muốn yêu cầu GTTN phải điều chỉnh tăng giá hợp đồng do vật liệu xây dựng phụ trội; ra những đòi hỏi vô lý buộc chủ đầu tư (CĐT) phải đáp ứng...
Dẫn chứng về những bài học sử dụng thiết bị nước ngoài tại một số dự án thuỷ điện như Tuyên Quang, Sê San 3A, nhiệt điện Cao Ngạn... hiện có rất nhiều vấn đề phải xử lý khi vừa kết thúc giai đoạn bảo hành, TGĐ một DN cơ khí trong nước (không muốn tiết lộ danh tính), cho rằng: "Ai có thể khẳng định được rằng, sau 2 năm bảo hành, các nhà máy này còn đảm bảo công suất, thông số kỹ thuật, tuổi thọ và không gây ô nhiễm môi trường? Điều này có nguyên nhân từ "kẽ hở" của Luật Đấu thầu" - ông nói.
Mục 5, Điều 12 Luật Đấu thầu quy định: "Các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó có việc cấm nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá cụ thể trong hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu EPC". Điều này vô tình đã để "lọt cửa" cho thiết bị của các nước đang phát triển cũng được đánh đồng với thiết bị của các nước G7.
Chủ đầu tư cũng bị loại
Không chỉ vướng Luật Đấu thầu, mà hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư thì các chủ đầu tư (CĐT) là các DN cơ khí hàng đầu trong nước cũng bị loại. Luật quy định bắt buộc CĐT phải có nguồn vốn chủ sở hữu bằng 20% tổng mức đầu tư công trình. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính hạn chế, khả năng tích tụ vốn chưa nhiều của hầu hết các nhà thầu trong nước hiện nay thì nguy cơ bị trượt khỏi tay các dự án lớn là khó tránh khỏi.
TGĐ Lilama - ông Phạm Hùng, cho biết: "Nguồn vốn ngân sách cấp cho Lilama chỉ có 80,6 tỉ đồng cộng với nguồn vốn tự bổ sung khoảng 526,7 tỉ đồng (tương đương vốn chủ sở hữu 37 triệu USD). Để đầu tư một nhà máy điện có công suất 1.200MW (như Nhiệt điện Vũng Áng 1) có tổng mức đầu tư khoảng 1,7 tỉ USD, thì Lilama phải đáp ứng khoảng 340 triệu USD (?!). Điều này là không thể!".
Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch VAMI - nhận xét: Một số tập đoàn kinh tế phụ trách lĩnh vực điện, năng lượng cũng không lo đủ vốn cho các dự án đầu tư, phải kêu gọi các thành phần kinh tế cùng chung tay gánh vác. Trong Tổng sơ đồ điện VI có tới 88 nhà máy nhiệt điện than, 75 nhà máy thuỷ điện; ngoài ra, còn hàng chục nhà máy ximăng đang cần đầu tư.
Các TCty cơ khí trong nước hoàn toàn có đủ năng lực để đầu tư vào các lĩnh vực này, nếu Nhà nước có những quy định mở hơn về vốn chủ sở hữu, có xét đến tính đặc thù, quy mô dự án, nguồn vốn, năng lực chủ đầu tư... để tận dụng được tối đa năng lực của các TCty trong nước.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com