Những hạn chế trong quy định pháp luật, cùng với việc buông lỏng quản lý tài nguyên khoáng sản diễn ra phổ biến và kéo dài đã mang đến nhiều hệ lụy. Tài nguyên đất nước bị sử dụng lãng phí, thất thu ngân sách, hủy hoại môi trường, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân...
Tranh giành tài nguyên Về sự gia tăng các dự án khai thác khoáng sản những năm qua, các nhà quản lý thường đưa ra 2 lý do: Quyền cấp phép khai thác khoáng sản được phân mạnh cho chính quyền cấp tỉnh và thuế tài nguyên được điều tiết cho ngân sách địa phương. Vì thế, với mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng, nhiều địa phương đã ồ ạt cấp phép khai thác khoáng sản. Chỉ trong vòng 4 năm gần đây, các địa phương đã cấp trên 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản, trong khi chỉ có 100 dự án do cấp bộ quản lý được cấp phép. Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan thời gian qua còn phản ánh tình trạng tranh giành tài nguyên đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Ở cấp độ quốc gia, trước năm 2008, nhiều khoáng sản chưa qua tinh chế được phép xuất khẩu, đã dẫn đến tình trạng xuất khẩu quặng thô ồ ạt, chủ yếu sang Trung Quốc. Ở cấp độ địa phương, cuộc tranh giành thị phần khai thác khoáng sản cũng diễn ra gay gắt. Nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính và công nghệ vẫn được cấp phép khai thác khoáng sản. Một số doanh nghiệp phát đạt trong thời gian ngắn nhờ xuất khẩu quặng thô tiếp tục xin được cấp phép hàng chục dự án mới. Thế nhưng, sau các cuộc khởi công rầm rộ, đa số các dự án này rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Đơn cử, tại tỉnh Hà Giang hiện đã có gần 100 tổ chức, cá nhân được tỉnh cấp phép hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; 22 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng mới có 13 mỏ đi vào hoạt động. Có tới 20 doanh nghiệp được cấp giấy phép đã quá 12 tháng vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định... Xu thế tranh giành tài nguyên lan tới người dân. Nạn khai thác vàng trái phép tại nhiều địa phương như QuảngNam, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Kạn... hiện nay là minh chứng rõ nét. Tại nhiều mở quặng sắt, chì, kẽm, titan, hoạt động tận thu khoáng sản của người dân địa phương khiến cho tình hình quản lý khoáng sản càng trở nên rối rắm, phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Tài nguyên đất nước bị sử dụng lãng phí, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi ngân sách nhà nước thu được không bao nhiêu. Quản lý “chạy” theo doanh nghiệp Theo ông Phan Đình Trạc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, trong thực tế nhiều địa phương không thể kiểm soát được tình trạng khai thác tài nguyên. Nguyên nhân do phát triển thiếu quy hoạch và thiếu sự liên kết quản lý giữa các địa phương. Nếu địa phương này quản lý chặt tài nguyên trên địa bàn, các đối tượng buôn lậu lại tuồn khoáng sản sang địa phương khác, tìm đường xuất lậu qua biên giới. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến lại không có mỏ hoặc không đủ nguyên liệu đầu vào. Bà Páo Mỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu, cho biết nhiều doanh nghiệp tai Lai Châu được cấp phép từ nhiều năm nay nhưng tỉnh vẫn chưa thu được thuế vì họ kêu chưa khai thác được. Thực tế các doanh nghiệp đã khai thác rất nhiều nhưng do tỉnh không kiểm soát được nên vẫn phải “tin” vào khai báo của họ. Từ cuối năm 2008, do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá nhiều loại khoáng sản sụt giảm 3 - 4 lần, khiến hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng đứng bên bờ vực phá sản, công nhân mất việc làm. Theo quy định của Chính phủ, từ đầu năm 2008, nhiều khoáng sản chỉ được xuất khẩu dưới dạng tinh chế nhằm phát triển chế biến sâu trong nước. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Công Thương cho phép tiếp tục được xuất khẩu quặng chưa qua tinh chế để cầm cự vượt qua khủng hoảng. Sự “xé rào” ưu ái này sau đó càng được các doanh nghiệp khai thác triệt để. Cuối tháng 10, Bộ Công Thương đã xin Thủ tướng tiếp tục cho phép xuất khẩu hàng chục nghìn tấn quặng các loại, bao gồm 84.000 tấn tinh quặn magnetit, 18.000 tấn quặng mangan, 44.000 tấn tinh quặng chì kẽm và 400.000 tấn tinh quặng sắt. Theo Bộ Công Thương, số lượng khoáng sản mà UBND các tỉnh đề nghị với bộ cho xuất khẩu còn lớn hơn rất nhiều. Lúng túng xử lý sai phạm Trái lại với việc cấp phép tràn lan, việc thu hồi giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản lại không dễ dàng. Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, toàn quốc mới có khoảng 200 dự án bị thu hồi giấy phép. Dù điều tra rõ sai phạm nhưng phản ứng của doanh nghiêpọ khi bị thu hồi giấy phép rất gay gắt. Đầu năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra làm rõ sai phạm trong việc cấp phép khai thác khoáng sản tại tỉnh Yên Bái, cấp phép khi không đủ các thủ tục cần thiết về đánh giá về trữ lượng, chất lượng, kế hoạch khai thác mỏ, thiết kế khai thác mỏ... Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường đã bị xử lý nghiêm khắc nhưng cũng không khiến doanh nghiệp bớt gay gắt hơn khi bị thu hồi giấy phép. Thậm chí, họ còn cho rằng cách làm dễ dãi của địa phương đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, đẩy họ vào tình cảnh phá sản. Phổ biến tình trạng lúng túng trong xử lý hậu quả do buông lỏng quản lý khi cấp phép. Dự án khai thác quặng đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên) là một ví dụ điển hình. Đây là dự án khai thác khoáng sản có vốn FDI lớn nhất cả nước, đã chậm tiến độ tới 5 năm, gây bức xúc trong dư luận. Thủ tướng Chính phủ sau khi kiểm tra trực tiếp tại thực địa đã có ý kiến chỉ đạo xem xét thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, khi Bộ Tài nguyên - Môi trường tiến hành kiểm tra làm rõ các vi phạm của chủ đầu tư là Công ty liên doanh Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nuiphaovica), doanh nghiệp này đã phản ứng bằng cách không ký vào biên bản kiểm tra với lý do trong suốt quá trình hoạt động chưa có một thông báo nào của các cơ quan của các cơ quan chức năng nhắc nhở vi phạm của công ty. Thay vì tiến hành thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật, ngày 2/11/2009, Bộ Tài nguyên - Môi trường ra thông báo gia hạn thời gian để Nuiphaovica khắc phục hậu quả. Theo đó, trong thời hạn 90 ngày, nhà đầu tư phải nộp thiết kế khai thác mỏ, đăng ký ngày bắt đầu hoạt động khai thác, bổ nhiệm giám đốc điều hành đủ tiêu chuẩn; thực hiện ngay công tác xây dựng cơ bản mỏ, xây dựng nhà máy tuyền khoáng và đưa mỏ vào khai thác. Sau 12 tháng phải có sản phẩm khai thác, chế biến theo đúng báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt... Sau thời hạn này, doanh nghiệp không thực hiện đúng sẽ bị thu hồi giấy phép. Về việc cho phép tiếp tục xuất khẩu khoáng sản thô, theo Bộ Công Thương, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn đọng; đồng thời, tạo thêm vốn thúc đẩy các cơ sở đầu tư chế biến sâu, duy trì việc làm cho người lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn thu ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cách xử lý này khiến cho xu thế liên kết, sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản trở nên khó khăn hơn. Trong thực tế, nhiều địa phương giàu tài nguyên đã đạt được mục tiêu tăng trưởng khi đẩy mạnh khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, GDP tăng trưởng nóng, thiếu bền vững không thể mang lại sự thịnh vượng, mà còn gây bất ổn cho nền kinh tế. Tỉnh Bắc Kạn là địa phương nằm trong nhóm nghèo nhất cả nước nhưng sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào là ví dụ. Giai đoạn 2001 - 2005, GDP của Bắc Kạn tăng trên 11,85% nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Tuy nhiên từ năm 2006 đến nay, cùng với sự sụt giảm của thị trường khoáng sản thế giới, GDP của Bắc Kạn chỉ tăng khoảng 9,5% và bộc lộ rõ những yếu điểm của nền kinh tế quy mô nhỏ, tăng trưởng nóng, dựa vào khai thác tài nguyên. Địa phương này đang đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2006 - 2010. (Báo Tổ Quốc)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com