Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khởi động Dự án Thí điểm PPP

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. - tinkinhte.com
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Ảnh: S.T
Công tác chuẩn bị Dự án Thí điểm PPP đầu tiên đang được hoàn tất, mở đường cho việc triển khai PPP tại Việt Nam.
 
Có lẽ, hôm nay (ngày 5/3/2010), các kết luận cuối cùng về các công tác chuẩn bị Dự án thí điểm hợp tác công - tư  (PPP) trong phát triển cơ sở hạ tầng mới chính thức được đưa ra. Đây là kết quả của việc thảo luận giữa Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông và ông Kamran M. Khan, người đang cùng đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) có chuyến làm việc tại Việt Nam xung quanh công tác chuẩn bị cho Dự án thí điểm PPP đề xuất, cũng như việc hoàn thiện Khung tài trợ PPP Việt Nam.

Mặc dù vậy, gần như chắc chắn, Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ được lựa chọn làm dự án PPP thí điểm đầu tiên, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và pháp lý của Dự án thí điểm PPP Việt Nam.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết  được lựa chọn dựa trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn cho PPP thí điểm, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Văn phòng Phát triển chương trình (PDO) và WB cùng xây dựng. Còn Công ty Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Minh (BITEXCO) là doanh nghiệp tư nhân nhiều khả năng được lựa chọn là một trong các nhà đầu tư góp vốn vào dự án này.

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc thảo luận vào ngày hôm nay, hai bên sẽ ký một biên bản ghi nhớ, trong đó bao gồm các quyết định về khung lựa chọn nhà đầu tư, dự án thí điểm đầu tiên, khung thời gian cho dự án vay vốn của WB, cũng như thời điểm hoàn thành Khung tài trợ PPP…

Tuy các thông tin chính thức về biên bản ghi nhớ này chưa được công bố, nhưng nhiều khả năng, việc lựa chọn các nhà đầu tư khác, theo dự kiến, sẽ được sử dụng mô hình kết hợp, có tính sáng tạo, nhằm đấu thầu cạnh tranh công khai để lựa chọn nhà đầu tư trong các dự án PPP thí điểm trong khuôn khổ Dự án thí điểm PPP Việt Nam.

Ngoài dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, thời gian tới sẽ có thêm những dự án thí điểm khác theo hình thức PPP được lựa chọn, nhằm tạo ra một tầm nhìn dài hạn trong quá trình thực thi chương trình PPP của Chính phủ. Theo kế hoạch, tháng 9/2010, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án PPP thí điểm đầu tiên sẽ được phê duyệt. Các bước tiếp theo sẽ được triển khai trong đầu năm 2011 để tới tháng 5/2011, có thể đấu thầu ra thị trường, chọn thêm các nhà đầu tư tư nhân khác phát triển Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Các động thái này cho thấy, việc triển khai PPP ở Việt Nam đang rất gần, cho dù mới bước đầu ở việc thí điểm. Và để việc thí điểm các dự án PPP thành công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng Quy chế thí điểm các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP. Quy chế này sẽ quy định các điều kiện, thủ tục và một số chính sách thí điểm đối với các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP. Các vấn đề cụ thể về lĩnh vực dự án thí điểm, một số tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, cũng như các quy định về sự tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP; quy trình thực hiện dự án… đã bắt đầu thành hình.

Quyết tâm triển khai PPP ở Việt Nam là rất lớn, khi mà cùng với việc xây dựng quy chế kể trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia về đầu tư theo hình thức PPP, nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, thuộc chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP.

Không chỉ có quyết tâm của Chính phủ, sự quan tâm của các đối tác nước ngoài trong việc triển khai PPP ở Việt Nam ngày càng rõ nét. Bằng chứng là ngày 2/3/2010, Hội thảo Hợp tác PPP trong các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công đã được UBND TP. Hà Nội phối hợp với Tập đoàn VEOLIA và Gide Loyrette Nouel, một công ty luật, tổ chức.

Còn hôm qua (ngày 4/3/2010), một hội thảo khác, với chủ đề Phát triển khu vực trọng điểm (CND) và mô hình PPP cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Kinh tế - Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản (METI) tiến hành. Tại Hội thảo, ông Katsuhiko Murayama, Vụ trưởng Vụ Hợp tác nguồn vốn, Thư ký Bộ trưởng METI đã đề xuất ý tưởng hợp tác Nhật - Việt trong phát triển CND tại Hà Nội và các vùng lân cận. Các ý tưởng này bao gồm việc hình thành hành lang kinh tế dọc bờ biển Bắc - Nam Việt Nam, trong đó Vùng Thủ đô Hà Nội là một điểm nút phía Bắc. Theo đó, hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực này sẽ được triển khai.

Tất nhiên, đây là những kế hoạch dài lâu. Song sự quan tâm của các đối tác nước ngoài, cũng như sự sẵn sàng của Chính phủ Việt Nam, mà trước mắt là việc thí điểm dự án PPP đầu tiên, đang dần biến PPP trở thành hiện thực, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)

  • Tăng biện pháp bảo đảm cung cấp điện mùa khô
  • Bộ GD&ĐT: Tổng kết Hội nghị giao ban lần thứ 2 năm học 2009-2010
  • Bộ Nội vụ kiến nghị đơn giản hóa 91,4% TTHC
  • Từ 20/5, áp dụng mức phạt vi phạm giao thông nặng hơn
  • Đóng điện đường dây 220 kV Đồng Hới – Huế
  • Ưu đãi dành cho CBCC công tác ở vùng đặc biệt khó khăn
  • Lương tối thiểu ở Việt Nam thấp hơn các nước 40%
  • Cục Hải quan Thành phố Hà Nội Hướng tới mô hình hải quan hiện đại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi