Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kiểm toán các gói kích cầu

Thay vì kiểm toán Vinashin như dự kiến ban đầu, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã quyết định kiểm toán việc thực hiện các gói kích cầu chống suy giảm kinh tế của Chính phủ.
 
Theo kết quả khảo sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phần lớn doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ gói kích cầu của Chính phủ để mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh; duy trì được hoạt động và tạo thêm việc làm mới trong bối cảnh hàng triệu doanh nghiệp trên thế giới phải đóng cửa, phá sản, cắt giảm hoạt động do suy thoái kinh tế.

Cụ thể, theo khảo sát tại nhiều địa phương, trên 87% số doanh nghiệp được vay vốn ngắn hạn hỗ trợ 4% lãi suất không chỉ duy trì hoạt động, mà còn mở rộng được sản xuất - kinh doanh; 95% số doanh nghiệp giảm được giá thành sản phẩm; 84% số doanh nghiệp cải thiện được năng lực cạnh tranh; 90% số doanh nghiệp giữ được sự ổn định về lao động và đã bắt đầu tuyển thêm lao động kể từ đầu năm 2010 - thời điểm gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc.

Theo khảo sát về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thời hậu khủng hoảng vừa được Ngân hàng HSBC công bố, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2010, có tới 99% doanh nghiệp có kế hoạch giữ nguyên hoặc tiếp tục tăng vốn đầu tư; trên 49% doanh nghiệp cho rằng, các chính sách của Chính phủ nhằm đối phó với suy giảm kinh tế, đặc biệt là gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế... là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhờ đó, mở ra cơ hội để doanh nghiệp gia tăng đầu tư, tuyển thêm lao động, tăng lợi nhuận trong năm 2010.

“Không thể phủ nhận hiệu quả của gói kích cầu mà Chính phủ triển khai trong năm 2009 nhằm chống suy giảm kinh tế, bảo đảm kinh tế vĩ mô, giữ vững an sinh xã hội. Tuy nhiên, bất cứ chính sách nào cũng có những hiệu ứng phụ ngoài mong muốn, nên cần phải có đánh giá, nhận định trên cơ sở những số liệu khách quan, chính xác. Đây là lý do KTNN quyết định tập trung kiểm toán các gói kích cầu thông qua một số cuộc kiểm toán chuyên đề”, Phó tổng KTNN, ông Lê Minh Khái giải thích.

Cụ thể, KTNN sẽ tiến hành kiểm toán việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng; kiểm toán việc hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế và giãn thuế năm 2008 và 2009 tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Ngoài ra, KTNN cũng sẽ tiến hành kiểm toán tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2006 - 2009; tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên trong giai đoạn 2007 - 2009.

“Đây là chuyên đề kiểm toán chưa có trong tiền lệ, lại phải thực hiện trên diện rộng, nên KTNN phải tiến hành hết sức thận trọng, khoa học để có cái nhìn khách quan, toàn diện về chính sách này”, ông Khái nhấn mạnh và cho biết, để thực hiện chuyên đề kiểm toán gói kích cầu, KTNN đã phải tổ chức nhiều hội thảo bàn về phương pháp, cách thức thực hiện và xác định rõ phạm vi kiểm toán, nội dung kiểm toán.

“Kết thúc việc kiểm toán gói kích cầu, KTNN sẽ đưa ra các đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành xử lý những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn. Đây là cơ sở giúp các cơ quan quản lý nhà nước đề ra các giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010 và những năm tiếp theo”, ông Khái phát biểu.

Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8 (cuối năm 2010), KTNN sẽ trình Quốc hội báo cáo kiểm toán gói kích cầu cũng như các báo cáo kiểm toán khác, gồm kiểm toán ngân sách nhà nước tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 27 dự án đầu tư xây dựng cơ bản; 4 chương trình mục tiêu quốc gia; 28 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại...

Vấn đề luôn được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm là các đơn vị được kiểm toán chấp hành kiến nghị của KTNN ra sao? “Số đơn vị thực hiện kiến nghị của KTNN chưa bao giờ đạt 100% vì nhiều lý do khác nhau, nhưng việc thực hiện kiến nghị đã có bước cải thiện đáng kể, từ mức dưới 70% tăng lên 80 - 90%”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định.

Cụ thể, năm 2009, KTNN kiến nghị xử lý tài chính với số tiền 14.431 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu về thuế nội địa hơn 1.666 tỷ đồng, tiền sử dụng đất trên 1.255 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 1.129 tỷ đồng... “Tất cả những kiến nghị của kiểm toán liên quan đến thu - chi ngân sách đã được Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan sử dụng ngân sách thực hiện nghiêm túc”, ông Phúc cho biết.

Ông Trịnh Đinh Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng xác nhận: “Việc chấp hành kiến nghị của KTNN đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị yêu cầu tất cả các đơn vị phải nghiêm túc chấp hành kiến nghị của KTNN cũng như Thanh tra Chính phủ”.

Vẫn theo ông Hải, khi báo cáo kiểm toán gói kích cầu và các báo cáo kiểm toán khác được trình ra Quốc hội, việc các đơn vị được kiểm toán chấp hành nghiêm kiến nghị của KTNN sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các chính sách vĩ mô phù hợp trong giai đoạn hậu suy thoái kinh tế.

(Theo Nam Kinh // Báo đầu tư)

  • Cuộc Bình chọn BCTN 2010: Hướng đến sự minh bạch thông tin
  • Đã tìm ra nguyên nhân gây nứt mặt cầu Thăng Long
  • Hơn 1 nghìn tỷ đồng xây dựng Cầu Bến Thủy II
  • Không thu thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ, than cốc
  • Công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2010
  • Xóa nợ thuế với một số doanh nghiệp Nhà nước
  • Kiềm chế và ngăn ngừa lạm phát cao trở lại
  • An cư cho người thu nhập trung bình: Đã có lời giải
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi