|
Trái ngược với quan điểm của Bộ Xây dựng về hình thành tập đoàn kinh tế, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa kiến nghị thay đổi đơn vị nòng cốt mà bộ này đã đề xuất trước đó.
Trong một chỉ thị được đưa ra vào cuối tháng 7 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Xây dựng và thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã chỉ rõ hai tập đoàn được thí điểm thành lập là Tập đoàn Công nghiệp xây dựng và cơ khí nặng Việt Nam do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt; Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm nòng cốt.
Tuy nhiên, không đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ cho thành lập hai tập đoàn kinh tế với nòng cốt của một trong hai tập đoàn lại không phải là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD.
Theo như đề xuất trên, tập đoàn thứ nhất sẽ là tập đoàn Xây dựng công nghiệp, dân dụng, bất động sản Việt Nam lấy Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt. Tập đoàn này gồm các tổng công ty, các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, khu đô thị, xây dựng dân dụng, kinh doanh bất động sản.
Tập đoàn kinh tế thứ hai sẽ là tập đoàn Công nghiệp Cơ khí và Lắp máy Việt Nam. Tập đoàn này sẽ lấy Tổng công ty Lắp máy Việt Nam làm nòng cốt. Tập đoàn bao gồm các tổng công ty, các công ty hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất cơ khí, lắp máy và các dịch vụ hoạt động khác kèm theo.
Theo lập luận của hai hiệp hội, sở dĩ cần có sự thay đổi như trên là dựa vào kinh nghiệm và thế mạnh hoạt động của hai đơn vị được đề xuất làm nòng cốt.
Nếu bố trí hai tập đoàn nêu trên thì mỗi tập đoàn sẽ phát huy được riêng thế mạnh của mình về kinh nghiệm tích luỹ được trong nhiều thập kỷ qua cùng với đội ngũ cán bộ công nhân viên chuyên nghiệp. Đặc biệt cách hình thành tập đoàn như trên sẽ quy tụ các tổ chức làm cơ sở phát triển ngành cơ khí lớn mạnh theo chủ trường của Chính phủ xây dựng ngành cơ khí trở thành ngành kinh tế then chốt trong lĩnh vực công nghiệp nặng.
Cũng theo hai hiệp hội trên, nếu tập hợp được các tổng công ty, các công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ khí thì có thể làm chủ, tiến tới chế tạo 90%, ngoài ra có thể xuất khẩu các thiết bị chủ lực có hàm lượng công nghệ cao và giá trị kinh tế lớn như tua bin, máy phát, lò hơi, thiết bị điều khiển. Từ đó có thể tiết kiệm được hàng chục tỉ đô la cho đất nước do không phải nhập khẩu.
(Theo Hạnh Liên // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com