Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lại lo chất lượng đầu tư công

Tỷ lệ các dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư khá lớn tiếp tục là lời cảnh báo về chất lượng đầu tư công.

42 trong tổng số 139 dự án đã thực hiện đầu tư trong năm 2009 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam bị chậm tiến độ; 13 dự án trong số này vì thế đã phải điều chỉnh vốn đầu tư. Con số này ở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam là 19/1.012 dự án chậm tiến độ và 30 dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư.

Trong khi đó, nếu nhìn từ các bộ, thì 85/266 dự án của Bộ Giao thông - Vận tải, 91/4.464 dự án của Bộ Công thương cũng bị chậm tiến độ. Còn nếu tính về số dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư, con số tương ứng ở hai bộ này là 57 và 91.

Tuy nhiên, tất cả các con số này đều thua xa so với “kỷ lục” của TP.HCM: 3.762/5.886 dự án chậm tiến độ và 1.103 dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư.

Nêu các số liệu trên để thấy rằng, không có gì là bất ngờ khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, năm 2009: có tới 5.021 dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước bị chậm tiến độ, chiếm 16,9% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Đáng chú ý, trong đó có nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, mà chỉ tính riêng dự án thuộc nhóm A đã lên tới 50.

Như vậy, tình trạng chậm tiến độ - “bệnh kinh niên” của các dự án xây dựng sử dụng vốn nhà nước - vẫn chưa được khắc phục, thậm chí còn có xu hướng tăng hơn so với các năm trước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, nếu năm 2006, số dự án chậm tiến độ chỉ chiếm tỷ lệ 13,1%, thì năm 2007 đã tăng lên 14,8% và năm 2008 là 16,6%.

Trong khi đó, liên quan tới vấn đề chống dàn trải trong đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, báo cáo tổng hợp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ cũng cho thấy, mặc dù so với năm 2008 và các năm trước, năm 2009, các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực rà soát, sắp xếp lại lĩnh vực đầu tư và xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước, nhưng chủ trương đầu tư tập trung hơn cho các công trình trọng điểm, giảm phân tán đầu tư vẫn chưa thực hiện hiệu quả.

Theo số liệu báo cáo từ 65 đơn vị có gửi báo cáo giám sát đầu tư năm 2009 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số dự án được quyết định đầu tư trong năm 2009 là 11.420 dự án, cao hơn số dự án dự kiến kết thúc đưa vào hoạt động trong kỳ là 9.679 dự án. Và như thế có nghĩa là tình hình đầu tư vẫn còn phân tán.

Điều đáng nói, đây mới chỉ là số liệu được tổng hợp từ báo cáo của 65/120 đơn vị phải có báo cáo. Nếu các báo cáo đầy đủ về số lượng và đạt chất lượng, con số này chắc chắn sẽ lớn hơn. Đó là chưa kể, các vi phạm liên quan tới công tác đấu thầu, quy hoạch, chất lượng xây dựng... Và điều này, thêm một lần nữa cảnh báo về chất lượng đầu tư công, vốn vẫn được dư luận nhắc tới lâu nay.

“Chậm tiến độ, đầu tư dàn trải là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, làm hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế...”, một cán bộ của Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét.

Thực tế cho thấy, hiệu quả đầu tư thấp, vẫn thường được tính thông qua hệ số ICOR, là một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo số liệu tính toán của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), so với các nước trong khu vực, hệ số ICOR của Việt Nam cao hơn khá nhiều. Năm 2009, hệ số ICOR lên tới 8, trong khi đó, thời kỳ 2001-2008, con số này là khoảng 6,92.

“Hiệu suất vốn của Việt Nam hiện quá thấp so với khu vực và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn quá phụ thuộc vào vốn, yếu tố mà Việt Nam không có thế mạnh. Nếu không khắc phục sớm, sự yếu kém này có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong những năm tới”, báo cáo về Chất lượng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2001-2010 của Viện Chiến lược phát triển nhận định.

Điều này đang đặt Việt Nam trước thách thức phải huy động nhiều hơn nữa nguồn vốn cho đầu tư, cũng như nâng cao chất lượng đầu tư. Đồng thuận quan điểm này, song ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) cho rằng, trong bối cảnh huy động vốn đã “tới hạn”, việc tăng hiệu quả sử dụng vốn phải được ưu tiên cao hơn việc tăng vốn trên một đơn vị lao động, nhất là đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Trong khi đó, cũng liên quan đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công, ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, nguồn vốn đầu tư phải được sử dụng đúng mục tiêu, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phải ưu tiên những công trình cấp bách, có khả năng sớm đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

Cũng theo quan điểm của ông Ân, các bộ, ngành, địa phương cũng như từng đơn vị triển khai dự án cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đầu tư và xây dựng, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.

“Năm 2010 là năm cuối thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010, do đó, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển càng trở nên có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp vào tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và là điều kiện để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế của đất nước sau giai đoạn suy thoái kinh tế”, ông Ân khẳng định.

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)

  • 6 đề nghị hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông
  • Cốt lõi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính là vì dân
  • Lập đồ án quy hoạch đô thị không quá 15 tháng
  • Có thêm ngành đào tạo giáo viên GDQPAN từ năm học 2010-2011
  • Tiếp tục kìm giữ ổn định giá bán lẻ xăng, dầu
  • Ngành chăn nuôi vẫn phụ thuộc nguyên liệu ngoại nhập
  • Ấn phẩm "Xây dựng & Pháp luật"ra mắt bạn đọc
  • Thí điểm dùng chung BTS tại quận Hoàn Kiếm “Đầu” xuôi, “đuôi” lọt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi