Thời gian lập đồ án quy hoạch chung đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương là không quá 15 tháng, với thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới thời gian này quy định không quá 12 tháng và với mỗi thị trấn thì không quá 9 tháng.
Lập Đồ án quy hoạch đô thị phải phù hợp xu thế phát triển 50 năm |
Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2010/NĐ-CP quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị; quản lý xây dựng theo quy hoạch; điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch đô thị.
Chỉ định thầu, thi tuyển để chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch
Tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia lập quy hoạch đô thị phải có đủ điều kiện năng lực. Chủ nhiệm đồ án quy hoạch đô thị và cá nhân hành nghề độc lập thiết kế quy hoạch đô thị phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư quy hoạch đô thị phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, kinh tế đô thị; có kinh nghiệm tham gia thiết kế quy hoạch tối thiểu 5 năm và đã tham gia thiết kế ít nhất 5 đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
Tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị phải có các cá nhân đủ điều kiện năng lực chuyên môn như trên để đảm bảo thực hiện đầy đủ các chuyên ngành về quy hoạch không gian, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và môi trường đô thị; có cơ sở vật chất và trình độ quản lý để đảm bảo chất lượng đồ án.
Việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị thông qua hình thức chỉ định thầu, do cơ quan tổ chức lập quy hoạch thực hiện chỉ định. Đồng thời, khuyến khích việc lựa chọn tư vấn thông qua hình thức thi tuyển đối với quy hoạch chung các đô thị có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc thù; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực có ý nghĩa quan trọng trong đô thị.
Lập Đồ án quy hoạch đô thị phù hợp xu thế phát triển 50 năm
Đối với đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định nêu rõ, phải phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội; xác định tính chất, mục tiêu, động lực phát triển; xác định quy mô dân số, lao động, quy mô đất xây dựng đô thị, các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn thành phố và từng đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của từng giai đoạn 10 năm, 20-25 năm và xu thế phát triển 50 năm.
4 trường hợp cấp giấy phép quy hoạch 1. Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. 2. Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị có quy hoạch phân khu, nhưng chưa đủ các căn cứ để lập quy hoạch chi tiết. 3. Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị, trừ nhà ở. 4. Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết được duyệt, nhưng cần điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với một lô đất. |
Ngoài ra, đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương nhằm cụ thể hóa nội dung định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong đồ án quy hoạch chung thành phố để đảm bảo đủ cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Nghị định cũng quy định rõ nội dung từng đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật gồm: Đồ án quy hoạch chuyên ngành giao thông đô thị, cao độ nền và thoát nước mặt đô thị, cấp điện, nước, thoát nước thải, xử lý chất thải rắn, chiếu sáng đô thị, nghĩa trang, thông tin liên lạc.
Thẩm định, phê duyệt quy hoạch từ 15-30 ngày
Về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc trách nhiệm tổ chức lập của mình và nhiệm vụ, đồ án quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngoài các quy hoạch trên, UBND cấp tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch từ 15-30 ngày, tùy từng đồ án.
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư về kế hoạch cải tạo đô thị
Nghị định cũng dành một mục quy định rõ về quản lý cải tạo đô thị. Theo đó, UBND thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở, công cộng để xác định khu vực cần cải tạo trong đô thị. Đồng thời, phải tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và các cơ quan có liên quan về nội dung và kế hoạch cải tạo đô thị và công khai chương trình, kế hoạch cải tạo hàng năm để tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện và giám sát thực hiện.
(Theo Minh Hùng // Tin Chính phủ // Nghị định 37/2010/NĐ-CP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com