Luật Đầu tư công cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công. Ảnh: S.T |
Theo ông Tụng, vấn đề này hiện vẫn chưa được quy định cụ thể, tập trung vào một luật mà nằm rải rác trong nhiều luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… “Tuy nhiều luật có nội dung quy định về ĐTC, nhưng lại chưa đầy đủ, thậm chí còn chồng chéo và mâu thuẫn với nhau, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho việc áp dụng và thi hành”, ông Tụng nhận định.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2000 - 2005, nguồn vốn ĐTC chiếm 22% tổng mức đầu tư toàn xã hội; còn giai đoạn 2006 - 2010 dù tỷ lệ ĐTC giảm xuống ở mức xấp xỉ 20% tổng mức đầu toàn xã hội, nhưng số tuyệt đối hàng năm vẫn tăng do tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng.
Năm 2009, số tiền ngân sách bỏ ra cho ĐTC là 161.000 tỷ đồng, tăng 42,7% so với kế hoạch. Còn năm 2010, số tiền ngân sách dự định bỏ ra để ĐTC dù giảm so với số thực hiện năm 2009, nhưng vẫn lên đến 125.500 tỷ đồng.
Có nhiều năm liên quan đến việc quản lý vốn nhà nước khi từng giữ vị trí Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội Đặng Văn Thanh cho rằng, nếu chậm trễ trong việc ban hành Luật ĐTC thì khó có thể khắc phục được những lỗ hổng trong quản lý đầu tư hiện nay.
“Với các quy định về đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách được ban hành tại nhiều văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật như hiện nay thì chưa đủ sức mạnh cần thiết để có thể kiểm soát và đẩy lùi tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, lãng phí và thất thoát trong đầu tư do khó xác định, làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư có liên quan đến sai phạm trong quá trình quản lý”, ông Thanh phân tích.
Nhấn mạnh tính cấp bách trong việc cần thiết ban hành Luật ĐTC ngay trong năm nay để quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, nhưng Chủ nhiệm ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc Hội Phùng Quốc Hiển vẫn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật ĐTC.
“Theo quan điểm của Chính phủ, phạm vi điều chỉnh của ĐTC chỉ bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái và một số nguồn vốn khác của Nhà nước chi cho đầu tư phát triển không nhằm mục đích kinh doanh. Như vậy còn thiếu hẳn mảng đầu tư nữa chưa được quản lý là đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước”, ông Hiển phân tích và cho rằng, nếu Chính phủ và ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết tâm xây dựng Luật ĐTC thì nhất thiết phải bổ sung đối tượng này vào điều chỉnh. Ngoài ra cần phải làm rõ việc đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối đầu tư vào doanh nghiệp khác, vào lĩnh vực khác có được coi là ĐTC hay không, nếu không phải xây dựng thêm một luật nữa để điều chỉnh.
“Nhất thiết phải sớm ban hành Luật ĐTC để xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến ĐTC, đồng thời quy định rõ trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với ĐTC để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, chồng chéo, cắt khúc và kém hiệu quả như hiện nay”, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền nhấn mạnh.
Theo số liệu của ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, riêng nguồn vốn của 90 tập đoàn, tổng công ty (tính đến đầu năm 2009) đã lên đến 1.241.000 tỷ đồng, nhưng lại chưa có văn bản pháp luật nào để quản lý thống nhất.
Vì vậy, theo ông Hiền, nếu Luật ĐTC chỉ điều chỉnh các khoản đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái và một số nguồn vốn khác không nhằm mục đích kinh doanh thì Chính phủ phải sớm xây dựng Luật Sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh để trình Quốc hội xem xét cùng với Dự thảo Luật ĐTC để giải quyết đồng thời cả hai nội dung thay vì xây dựng hai luật riêng biệt.
(Theo Hàn Tín // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com