Sự nở rộ cáp điện - viễn thông ngày càng dày đặc, lộn xộn tạo thành những khối “mạng nhện” giăng khắp các tuyến đường ở TPHCM, gây ra những vụ tai nạn về điện đáng tiếc, đồng thời làm mất mỹ quan đô thị. Thực trạng này được cảnh báo từ lâu nhưng đến nay việc phối hợp, xử lý hệ thống “mạng nhện” này vẫn chưa triệt để.
Hiểm họa rình rập
Bó lại dây cáp viễn thông trên đường Hồng Bàng. Ảnh: Đ. Thiện |
Khoảng 7 giờ sáng 19-8, một xe chuyên dụng 51K-9101 của Công ty Môi trường đô thị TPHCM di chuyển từ hướng ngã tư Tân Kỳ Tân Quý - Cộng Hòa, đến đoạn ngã ba Cộng Hòa - Tân Hải thì vướng và làm đứt một sợi dây cáp bán kính khoảng 5 cm, lòi cả cáp bên trong. Do dây cáp vướng trên mui xe, tài xế không quan sát thấy nên vẫn tiếp tục chạy. Chỉ đến khi người dân phát hiện và chặn lại tài xế mới dừng xe.
Sự cố xảy ra bất ngờ khiến hàng loạt xe máy lưu thông phía sau đuôi xe 51K-9101 thắng gấp nên va quẹt lẫn nhau và kẹt xe cục bộ. Sau sự cố, tài xế gom cuộn dây cáp bị kéo đứt lại rồi đặt ngay giữa đường với một đầu dây còn dính trên đường dây điện, rồi lái xe bỏ đi. “Từ đầu mùa mưa đến nay, chỗ này xảy ra 2 - 3 vụ tai nạn rồi.
Mới tuần trước, lúc trời vừa chập tối, một thanh niên chở bạn gái chạy xe máy ngang qua đây cũng vướng phải sợi cáp to bằng chiếc đũa khiến cả hai ngã lăn.Cũng may đây là khúc cua nên họ chạy chậm, nếu không…” - bác Nguyễn Văn Bé, chạy xe ôm ngay ngã ba này, kể lại. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do bó dây cáp nơi đây quá nặng nên ngày càng sà xuống thấp, một vài sợi võng xuống gần mặt đường nên xe cộ và người đi qua lại bị vướng.
Trước đó, rạng sáng 11-5, trước nhà số 320 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, một ô tô đi qua đã kéo đứt chùm dây điện, dây thông tin các loại. Sự cố xảy ra khiến 3 người ngồi trên 2 xe máy đi sau ngã văng ra đường, một người trong số đó chấn thương đầu và phần mềm. Sự cố gây kẹt xe toàn khu vực vòng xoay Hàng Xanh hơn 30 phút.
Trách nhiệm được xác định do cả “3 nhà”: Điện lực - Chiếu sáng công cộng và Viettel xài chung bó dây, nhưng sau đó trách nhiệm bị đá qua đá lại, đến nay chỉ người gặp nạn lãnh đủ. Do không truy rõ trách nhiệm, xử lý sự cố qua loa nên tình trạng “mạng nhện” ngày càng bùng phát và bao vây thành phố năm này qua năm khác.
Mùa mưa năm nay, thực tế buồn này vẫn diễn ra ở bất cứ con đường, ngõ ngách nào của TPHCM khi nơi nơi giăng đầy “rác dây cáp” nguy hiểm và mất mỹ quan. Ngay sát trung tâm thành phố, những tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Xí, Nơ Trang Long, Quang Trung…, các trụ điện phải oằn mình gánh những khối dây cáp khổng lồ với hàng trăm loại cáp truyền hình, internet, điện thoại… Có nhiều nơi khối dây chùng xuống thấp, người dân đã tận dụng phơi quần áo, treo băng rôn quảng cáo rất nguy hiểm.
“Khối dây này chùng xuống đây cả năm rồi, chắn ngang lối vào nhà nên tôi phải lấy nạng gỗ chống đỡ. Thấy vậy, chủ nhà trọ hàng xóm mang cả quần áo ra phơi. Khi tôi phản ánh, nhân viên điện lực bảo nếu thấy vướng cứ cắt bỏ. Đó không phải dây của điện lực!” - chị Nguyễn Thị Hoa, nhà ở hẻm 5H đường Tân Sơn, phường 12 quận Gò Vấp, bức xúc nói.
“Rác vẫn... hoàn rác”
Cách nay 2 năm, các ngành chức năng đã thống nhất giao Công ty Điện lực TPHCM (nay là Tổng Công ty Điện lực TPHCM) phối hợp cùng các đơn vị ngành bưu chính - viễn thông, đang dùng cáp như Viettel, FPT, VNPT… làm gọn “mạng nhện” trên trụ điện, trả lại mỹ quan đô thị cho TP. Sau đó, ngành điện triển khai bó gọn một số tuyến đường dây trên địa bàn, đồng thời ngầm hóa một số tuyến đường điểm. Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian, trên các trụ điện “rác vẫn… hoàn rác”, mà nguyên do là sự phối hợp của các bên chưa đồng bộ. Trong đó, việc chế tài về “xả rác” trên trụ điện còn thiếu tính pháp lý, răn đe nên… “lờn thuốc”.
Các chuyên gia ngành điện cho rằng, để dọn sạch “mạng nhện”, trước hết cần xây dựng và ban hành quy trình, quy phạm kỹ thuật về việc treo cáp viễn thông trên hệ thống cột điện. Trong đó, phải hướng dẫn về chế tài xử lý các đơn vị treo cáp thông tin không có thỏa thuận, treo trộm. Mặt khác, ban hành các thủ tục pháp lý đối với việc tháo dỡ, xử lý cáp không xác định được chủ sở hữu (hiện chiếm trên 50% ở TPHCM)…
(Theo LẠC PHONG // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com