Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðẩy mạnh nội địa hóa thiết bị cơ khí đồng bộ

Nhà máy xi-măng Sông Thao do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thiết kế và chế tạo. Ảnh: Hà Duy Tình

Từ nay đến năm 2025, ước tính, nước ta sẽ phải dành ít nhất 250 tỷ USD đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như lọc hóa dầu, nhiệt điện, thủy điện, xi-măng, luyện kim, hóa chất...

Ðể khuyến khích các doanh nghiệp chế tạo cơ khí trong nước vươn lên làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị, cũng như giảm bớt việc nhập khẩu, nhiều năm qua, Chính phủ đã đề ra chương trình cơ khí trọng điểm, trong đó, ưu tiên chế tạo thiết bị đồng bộ cho các nhà máy xi-măng, nhiệt điện. Nhờ đó, một số doanh nghiệp (DN) chế tạo cơ khí hàng đầu trong nước đã chủ động và tích cực tham gia chương trình, bước đầu đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, cũng đặt ra không ít vấn đề thách thức cho ngành cơ khí nước ta.

Từng bước vươn lên làm chủ

Vừa qua, Nhà máy xi-măng Sông Thao (Phú Thọ) do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, công suất gần 1 triệu tấn/năm, tổng thầu EPC do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đứng đầu đã chính thức đi vào hoạt động, vận hành ổn định, đạt hiệu quả cao. Tại công trình này, tổng trọng lượng thiết bị do các đơn vị trong nước chế tạo đạt hơn 60%; giá trị thiết bị cơ của dự án chiếm gần 35%. Trong đó, các đơn vị LILAMA, Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME) thuộc Bộ Công thương, Công ty Cơ khí Hà Nội (HAMECO)... đã chế tạo nhiều chủng loại thiết bị công nghệ như máy nghiền, lò nung, băng tải, gầu tải, vít tải, máng khí động, các loại quạt công suất lớn, lọc bụi tĩnh điện, van, cầu trục, công đoạn đóng bao. Chỉ một số thiết bị quan trọng trong nước chưa chế tạo được mới phải nhập khẩu. Ðây là kết quả của một dự án khoa học công nghệ, thuộc chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm của Chính phủ, mang tên: "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi-măng lò quay, công suất 2.500 tấn clanh-ke/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa". Dự án đã huy động được sự tham gia của nhiều DN cơ khí, viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhờ có kinh phí của Nhà nước hỗ trợ, cho nên các đơn vị trong nước có điều kiện mua thiết kế, công nghệ của nước ngoài trong việc chế tạo thiết bị đồng bộ. Nhờ đó, suất đầu tư công trình giảm xuống còn 100 USD/tấn. Các đơn vị tổng thầu EPC đã quy tụ lực lượng tư vấn, thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước đủ khả năng triển khai xây dựng các dây chuyền xi-măng lò quay lớn hơn. Sau xi-măng Sông Thao, chủ đầu tư HUD tiếp tục giao LILAMA làm tổng thầu EPC dự án Nhà máy xi-măng Ðô Lương (Nghệ An) với quy mô và hình thức tương tự.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ đánh giá, kết quả này là sự chuyển mình về chất bởi từ trước đến nay, các DN cơ khí chỉ làm gia công chế tạo thiết bị đơn lẻ theo đặt hàng của nhà thầu nước ngoài, còn từ dự án trên, các DN cơ khí tham gia tổng thầu đã chủ động trong khâu thiết kế, chế tạo, nắm được quy trình công nghệ một dây chuyền sản xuất xi-măng hoàn chỉnh và tự tin trong những dự án tới, tích lũy kinh nghiệm khi thương thảo hợp đồng với nước ngoài. Ðiều đáng nói, với tỷ lệ nội địa hóa này, các DN cơ khí hầu như không phải đầu tư mới thiết bị lớn nào mà chỉ sử dụng các dây chuyền hiện có. Qua đây, trình độ và kinh nghiệm quản lý dự án của các kỹ sư Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt. Tổng Giám đốc LILAMA Phạm Hùng tự tin khẳng định, đến dự án xi-măng Ðô Lương, LILAMA có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 80% khối lượng thiết bị và 50% giá trị. Thậm chí, đơn vị đủ khả năng hướng tới việc thiết kế, chế tạo nhà máy xi-măng công suất 1,5 triệu tấn/năm trở lên nếu được giao nhiệm vụ.

Ðối với chương trình nội địa hóa nhà máy nhiệt điện than, trước đây, Chính phủ đã có chủ trương lấy mô hình tổ máy công suất 300 MW làm mục tiêu nghiên cứu, song do thực tế hiện nay rất ít nhà máy sử dụng loại này (Uông Bí mở rộng, Phả Lại 2...) nên đã chuyển sang tổ máy 600 MW. Với kinh nghiệm tổng thầu EPC thành công nhiều dự án nhiệt điện than và khí thời gian qua, LILAMA đang phối hợp NARIME và các đơn vị liên quan chuẩn bị triển khai đề tài nội địa hóa thiết bị đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện. So với xi-măng, một dây chuyền đồng bộ nhà máy nhiệt điện than phức tạp hơn nhiều với những thiết bị siêu trường siêu trọng, công nghệ cao và đòi hỏi đầu tư rất lớn. Theo tính toán của LILAMA, một nhà máy nhiệt điện than công suất 600 MWx2 thì riêng phần lò hơi trị giá khoảng 180 đến 200 triệu USD, hạng mục tua-bin máy phát chiếm 100 đến 120 triệu USD. Ðể chế tạo được tua-bin phải đầu tư một nhà máy trị giá ít nhất 300 triệu USD, trong khi một nhà máy chế tạo lò hơi chỉ từ 70 đến 100 triệu USD. Từ nay đến năm 2025, dự kiến nước ta cần đầu tư gần 90 nhà máy nhiệt điện than, công suất từ 100 đến 1.200 MW với tổng công suất lắp đặt lên tới 106 nghìn MW, vốn đầu tư hơn 83 tỷ USD. Do đó, nhiều khả năng, nếu triển khai chương trình nội địa hóa cho nhà máy nhiệt điện than, LILAMA cân nhắc đầu tư dây chuyền sản xuất lò hơi. Các dự án xi-măng và nhiệt điện chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư các dự án trọng điểm, đồng thời là một trong những mục tiêu chính của chương trình cơ khí trọng điểm của Chính phủ.

Hướng phát triển bền vững

Thời gian qua, các DN cơ khí đã phát triển vượt bậc, đầu tư lớn cơ sở vật chất phục vụ chế tạo thiết bị trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên thực tế, tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị đồng bộ của một nhà máy, nhất là nhiệt điện, thủy điện vẫn còn thấp. Nguyên nhân có nhiều, chủ yếu do: Năng lực và trình độ nghiên cứu, tư vấn thiết kế, quản lý dự án trong nước còn yếu; việc thiết kế, chế tạo một số công đoạn, thiết bị đơn lẻ thì các DN có thể làm được, song thiết kế đồng bộ một dây chuyền công nghệ thì chưa đủ khả năng; thiếu các hệ thống thiết bị gia công cơ khí lớn. Sự phối, kết hợp giữa các DN cơ khí chế tạo trong nước còn lỏng lẻo, chưa tập trung và phát huy sức mạnh nội lực. Ðầu tư phát triển ngành cơ khí chế tạo đòi hỏi vốn lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian hoàn vốn lâu. Ðầu ra cho các sản phẩm cơ khí còn bấp bênh, cho nên các DN không thể đầu tư lớn xây dựng các nhà máy chuyên chế tạo thiết bị cho dây chuyền đồng bộ... Trong khi, các chủ đầu tư (thường là DN nhà nước) thường dựa vào Luật Ðấu thầu (còn bất cập, nặng về đấu giá) để chọn nhà tổng thầu nước ngoài cung cấp toàn bộ thiết bị (thậm chí cả nhân công), như trường hợp Nhà máy xi-măng Ðồng Bành công suất 1 triệu tấn/năm ở Lạng Sơn do Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA) làm chủ đầu tư. Ðiều này chẳng khác gì chúng ta đã thua ngay trên "sân nhà" vì bàn "phản lưới nhà". Cũng có thực tế tâm lý "hàng ngoại", cộng với khả năng rủi ro khiến các chủ đầu tư ngại trách nhiệm khi sử dụng tổng thầu trong nước. Trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại mạnh dạn sử dụng "hàng nội" khi họ tính toán được hiệu quả (như trường hợp Công ty cổ phần LILAMA 69-3 được giao tổng thầu một số nhà máy xi-măng lò quay ở Hải Dương, Thanh Hóa...).

Ðể ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển, Nhà nước cần xác định rõ chiến lược ưu tiên phát triển ngành cơ khí trong nước. Cần xây dựng những DN cơ khí chế tạo mạnh trong nước thành những "binh đoàn" chủ lực. Coi trọng tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN, viện nghiên cứu, trường đại học, kể cả các đơn vị liên doanh... huy động sức mạnh tổng lực cho việc phát triển ngành cơ khí, tạo nền tảng phát triển bền vững cho các ngành công nghiệp khác, thực hiện thắng lợi CNH, HÐH đất nước. Vai trò "bà đỡ", "nhạc trưởng" của Nhà nước ở đây rất quan trọng bằng những cơ chế, chính sách cụ thể giúp DN cơ khí trong nước phát triển mà không ảnh hưởng tới những cam kết quốc tế. Nhiều ý kiến của các chuyên gia trong ngành cơ khí cho rằng, cùng với sự đầu tư cần thiết, Nhà nước cần đưa ra mục tiêu, trách nhiệm nội địa hóa cụ thể, rõ ràng đối với từng nhóm sản phẩm: Thí dụ, đến thời điểm này thì những DN nào phải sản xuất được lò hơi, máy nghiền, máy phát với tỷ lệ cụ thể... Việc đầu tư cũng phải cân đối, không vì lợi ích cục bộ của các ngành, DN dẫn đến đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí.

Tổng Giám đốc LILAMA Phạm Hùng cho rằng, nếu không được sự quan tâm đầy đủ của Nhà nước, không được đầu tư chiều sâu mạnh hơn nữa thì ngành cơ khí Việt Nam khó có thể nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị đồng bộ, bởi khả năng các DN cơ khí trong nước có hạn, việc thắng thầu quốc tế các công trình trong nước là rất khó, do đó Nhà nước cần tạo nguồn lực cho DN bằng cơ chế, chính sách như giao việc, giao dự án cho các DN trong nước làm tổng thầu trên cơ sở lựa chọn những đơn vị có kinh nghiệm và phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vận hành ổn định cũng như các chỉ tiêu về môi trường. Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ cho rằng, cần phải hiểu ý nghĩa của chiến lược "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ở nghĩa rộng hơn, bởi việc các chủ đầu tư chọn tổng thầu trong nước thiết kế, chế tạo dây chuyền đồng bộ sẽ tạo hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn: Giảm nhập khẩu, chủ động trong đầu tư xây dựng, tạo việc làm cho nhiều lao động các ngành nghề... Ðối với những công trình mà các DN trong nước đã làm được thì cần kiên quyết hạn chế việc nhập khẩu toàn bộ dây chuyền của nước ngoài. Chúng ta không thể tham vọng chế tạo toàn bộ 100% số thiết bị của một nhà máy bởi chưa có khả năng làm được và có làm cũng không hiệu quả bởi không một nước hay một DN nào lại đầu tư sản xuất tất cả các thiết bị cho một nhà máy, ngay những thiết bị chính như lò hơi, tua-bin máy phát thì trên thế giới cũng chỉ có một số hãng sản xuất. Tuy nhiên, muốn vươn lên chế tạo những thiết bị lớn, tăng hàm lượng công nghệ của sản phẩm thì nhất thiết chúng ta phải đầu tư một cơ sở chế tạo cơ khí lớn, trong đó coi trọng khâu đúc phôi lớn, cỡ 30 đến 60 tấn để chủ động chế tạo những chi tiết máy lớn. Viện trưởng NARIME Nguyễn Chỉ Sáng khẳng định, nếu Nhà nước có chính sách cụ thể, rõ ràng và chỉ đạo, điều hành quyết liệt với các bộ, ngành, viện, DN liên quan thực thi nghiêm chỉnh thì mục tiêu nội địa hóa 45 đến 50%, nghĩa là tự chế tạo trong nước thiết bị đồng bộ với giá trị từ 130 đến 140 tỷ USD trong vòng 15 năm tới mới có khả năng giải quyết được vấn đề này.

(Theo HÀ THANH GIANG // Báo Nhân dân điện tử)

  • Công nghệ cao giúp giải quyết thiếu lao động dệt may
  • Cần thay đổi từ tư duy
  • "Năm 2010, thu ngân sách nhà nước vượt 5-10%"
  • Xây đường ống dẫn khí 1 tỷ USD từ biển về Cần Thơ
  • Việt Nam lãng phí nguồn tài nguyên giấy
  • Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường kiểm soát nhập khẩu
  • Dân đã sẵn sàng "nhường chỗ" cho Dự án nhà máy điện hạt nhân
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kết nối giao thông vận tải để phát triển ASEAN
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi