Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội thảo luận tại tổ về Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi. Ảnh: D.T |
Không nên giao cho Ngân hàng Nhà nước vai trò đại diện chủ sở hữu nhằm tránh tình trạng Ngân hàng Nhà nước vừa đá bóng, vừa thổi còi.
“Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ban hành rất nhiều chính sách tiền tệ quan trọng, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế vĩ mô. Nếu lại giao cho cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tổ chức tín dụng sẽ không đảm bảo khách quan khi anh vừa là người đá bóng, vừa là người thổi còi”, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn lo ngại.
Tương tự, về vị trí của Ngân hàng Nhà nước, đa số đại biểu đều đồng tình với dự thảo Luật quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là ngân hàng Trung ương của Việt Nam. Theo đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, “quy định này phù hợp với thể chế luật pháp, kinh tế cũng như nguồn lực của cán bộ quản lý hiện nay”.
Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng, việc để Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò là một tổ chức độc lập với Chính phủ là chưa khả thi. “Một số nước đang phát triển muốn chuyển đổi sang cơ chế ngân hàng độc lập hoàn toàn đều phải đi thuê từ thống đốc đến các chuyên gia, chuyên viên nước ngoài đến làm cho một vài năm. Sau đó mới rút kinh nghiệm và tự mình điều hành, chứ không phải dễ dàng mà làm ngay được. Do vậy, việc chuyển đổi phải có lộ trình xét trên điều kiện của Việt Nam hiện nay”.
Về việc thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ, các đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Thị Tuyến đều cho rằng cần làm rõ chức năng của Hội đồng này.
Các quốc gia trên thế giới khi thành lập Hội đồng ở trong ngân hàng để thực hiện, triển khai chính sách tiền tệ. Hội đồng này giúp cho thống đốc hoặc các cơ quan của Ngân hàng nhà nước có một bộ phận tham mưu tư vấn, hỗ trợ trong việc triển khai các chính sách tiền tệ. Theo đại biểu, nếu chúng ta có thành lập thì nên gọi là “Hội đồng điều hành chính sách tiền tệ quốc gia” bởi sau khi chính sách đã được hình thành rồi thì hội đồng này cùng với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, chính sách tiền tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động kinh tế- xã hội của đất nước.
Việc trao thêm tính tự chủ cho Ngân hàng Nhà nước trong việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đòi hỏi các quyết định cần có sự trao đổi, bàn bạc của một tập thể lãnh đạo và chuyên gia cao cấp trong hệ thống tài chính- tiền tệ.
Do vậy, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ trong Ngân hàng Nhà nước. Hội đồng chính sách tiền tệ có chức năng, nhiệm vụ trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ.
Các đại biểu Đinh Xuân Thảo, Nguyễn Hồng Sơn, Hà Văn Hiền đều thống nhất việc phân định chức năng của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ nên được điều chỉnh lại.
Theo đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm; Chính phủ quyết định chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán và khung lãi suất, tỷ giá để chỉ đạo việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm đạt chỉ tiêu lạm phát mà Quốc hội đã quyết định. Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất trình Chính phủ quy định: khung lãi suất, khung tỷ giá, tổng phương tiện thanh toán; quyết định mức lãi suất, tỷ giá cụ thể cho từng thời kỳ.
(Theo Diệu Thanh // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com