Hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững bởi quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Trong năm 2010, người chăn nuôi liên tục đối mặt với những khó khăn và dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt…
Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội thảo đưa ra bức tranh tổng thể của chăn nuôi Việt Nam, qua đó đề xuất những giải pháp hợp lý nhằm từng bước đưa ngành chăn nuôi phát triển mạnh, hiệu quả, bền vững.
Người chăn nuôi hiện đang gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn gia súc tăng cao và các dịch bệnh. Ảnh: Thái Hiền
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Hiện tại, ngành chăn nuôi nước ta đang đối mặt với 4 nghịch lý cơ bản là giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đầu vào cao, nhưng giá đầu ra sản phẩm thấp; giá mua sản phẩm tại chuồng thấp, nhưng giá bán cho người tiêu dùng cao; giá sản phẩm trong nước cao mà giá sản phẩm cùng loại ở ngoài nước thấp; phát triển chăn nuôi nhanh, nhưng dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và ô nhiễm môi trường gia tăng. Đặc biệt, từ đầu năm 2010 đến nay, ngành chăn nuôi nước ta liên tiếp đối mặt với những khó khăn chồng chất về mặt bằng giá cả, thiên tai, dịch bệnh và đặc biệt là sự thay đổi thói quen tiêu dùng.
Hiện nay, có đến 97% người tiêu dùng thừa nhận dịch bệnh có ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng thực phẩm của họ. Khi có dịch bệnh ở lợn, 41% người tiêu dùng lựa chọn không ăn thịt lợn, 32% chuyển sang các loại thịt khác, 11% mua ở hệ thống các đại lý bán lẻ và siêu thị. Khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, 75% người tiêu dùng lựa chọn không ăn thịt gia cầm, 25% chuyển sang các loại thịt khác, chỉ có 21% là vẫn ăn. Ngoài ra, do thói quen tiêu dùng, 95% sản phẩm chăn nuôi được tiêu thụ dưới dạng tươi sống, không qua chế biến công nghiệp, không bao gói. Điều này không những làm giảm giá trị trong chăn nuôi mà còn làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, khiến thị trường phát triển không bền vững. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm nước ta hiện vẫn còn quy mô nhỏ, phân tán mang tính tận dụng chiếm tỷ lệ cao, giá thành các sản phẩm chăn nuôi khá cao, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là cho xuất khẩu. Công tác phòng, chống dịch bệnh của nhiều địa phương còn yếu nên dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, lợn tai xanh xảy ra thường xuyên gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết: Hiện tại, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ đáp ứng 75-78% nhu cầu sản xuất, vì vậy nước ta phải nhập khẩu 20% nguyên liệu giàu năng lượng, 80% các loại thức ăn bổ sung, 80-90% thức ăn giàu đạm và hơn 90% chất phụ gia. Và một nghịch lý nữa là giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đắt hơn so với giá ký hợp đồng nguyên liệu nhập khẩu về cảng từ 10 đến 15%.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và chiến lược (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Để từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, ngành chăn nuôi phải có những giải pháp hợp lý. Đơn cử như để hạn chế rủi ro về dịch bệnh, phải khuyến khích chăn nuôi trang trại, công nghiệp; xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo dịch bệnh để giúp người nuôi phòng trừ kịp thời. Ngoài việc hỗ trợ về tín dụng và thuế cho người chăn nuôi, cần tập trung nghiên cứu và phát triển việc lai tạo giống chất lượng cao để người nuôi có giống tốt, phát triển chăn nuôi hiệu quả.
Đa số nông dân dự hội thảo cho rằng: Mặc dù đã được vay vốn tín dụng nhưng thời gian cho vay quá ngắn khiến người nuôi khó quay vòng, vì vậy Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân về vay vốn tín dụng thời hạn dài hơn. Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác dự báo về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xu hướng thị trường; kịp thời triển khai các giải pháp kiểm soát có hiệu quả để từng bước hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi...