Tình hình khô hạn có dấu hiệu nghiêm trọng ngay từ đầu mùa khô. Ảnh: Đức Thanh |
Số liệu quan trắc suốt tháng 10 và 11 vừa qua ở đoạn sông Hồng qua Hà Nội thường xuyên ở ngưỡng 1,3 m, trong khi mực nước trung bình hàng năm của tháng 10 là 3 - 5 m và tháng 11 là 2,5 - 4 m. Thậm chí đã có ngày, mực nước xuống còn 0,76 m, thấp chưa từng có.
Sông Hồng cạn đáy làm ngành điện rối bời. Ảnh: Đức Thanh
Tại khu vực thượng nguồn, số liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai ngày 2/12 cho biết, mực nước sông Hồng tại đây là 76,13 m, thấp nhất trong nhiều năm qua. Tính bình quân, mực nước trung bình tháng 11/2009 tại Lào Cai là 76,11 m, thấp hơn 1,96 m so với mực nước trung bình tháng 11/2008. Các chuyên gia cũng cho hay, thông thường, nước sông Hồng tại đây xuống thấp nhất vào khoảng tháng 4 và 10 ngày đầu tháng 5 hàng năm.
Nguyên nhân dẫn đến mực nước sông Hồng ở Hà Nội thấp chưa từng thấy được nhận định là do tác động của hiện tượng El Nino. Từ tháng 9 tới tháng 11, Bắc Bộ nhiều nơi không mưa, lượng mưa hụt so với mức trung bình nhiều năm lên tới 80 - 90%. Mặt khác, nhu cầu nước cho thủy điện, sản xuất và du lịch của người dân trên lưu vực các sông thượng nguồn (Đà, Thao và Lô) cũng như vùng hạ nguồn sông Hồng và sông nhánh ngày càng gia tăng.
Các thông tin quan trắc cũng cho thấy, hiện hồ Hòa Bình đạt mức lớn nhất là 94%, hồ Tuyên Quang và Thác Bà chỉ đạt 61% dung tích thiết kế. Lượng nước thiếu hụt ở thời điểm này ở các hồ nói trên đã lên tới 2,5 tỷ m3. Mực nước các hồ thủy lợi vừa và nhỏ khác phần lớn đều thấp hơn từ 1 đến 6 m so với thiết kế.
Tình hình khô hạn có dấu hiệu nghiêm trọng ngay từ đầu mùa khô này đang khiến ngành điện bối rối trước nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong mùa khô năm 2010.
Trong nhiều năm trở lại đây, chuyện xả nước hồ thủy điện Hòa Bình vào trước và sau Tết Nguyên đán, thời gian chưa phải là cao điểm mùa khô, với mục tiêu chống hạn cho vụ lúa Xuân, không phải là đề tài để tranh luận về hiệu quả kinh tế thuần túy.
Các chuyên gia thủy nông cho hay, các công trình thủy lợi chỉ có thể lấy nước từ sông Hồng để bơm tưới khi mực nước tối thiểu ở đoạn qua Hà Nội đạt 2,3 m. Với thực tế hạn hơn, thì lượng nước xả từ các hồ thủy điện năm nay để cứu lúa chắc chắn sẽ phải nhiều hơn các năm trước.
Hiện do nước về ít và đang bước vào thời gian tích nước phục vụ mùa khô 2010, nên hồ Hòa Bình đã đóng toàn bộ các cửa xả lũ từ ngày 8/9/2009. Tuy nhiên, mực nước trong hồ hiện vẫn thấp hơn khoảng 2,7 m so với yêu cầu tích nước của năm 2010.
Trong khi nước về ít thì nhu cầu phụ tải điện tiếp tục gia tăng mạnh, nhất là khi giá các nhiên liệu khác như gas, dầu, đều đòng loạt tăng giá do tác động từ thị trường thế giới và thay đổi tỷ giá ngoại tệ mới đây của Ngân hàng Nhà nước. Điều này đã khiến các hộ tiêu thụ điện nhiều hơn.
Trong tháng 11 vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ trung bình ngày của toàn hệ thống là 248,6 triệu kWh, tăng 24,18% so cùng kỳ 2008. Sản lượng ngày cao nhất của tháng 11/2009 đạt 270,6 triệu kWh, tăng 27,4% so với ngày cao nhất tháng 11/2008. Công suất cao nhất của hệ thống cũng đã đạt 13.867 MW (ngày 12/11), tăng 16,04% so với tháng 11/2008 (11.950 MW).
Đáng chú ý là, trước nguy cơ thiếu hụt sản lượng điện lớn do phải xả nhiều nước để cứu lúa trước khi cao điểm mùa khô năm 2010 tới, thì nguồn điện ở miền Bắc lại không được bổ sung thêm nhiều. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong mùa khô năm 2010, riêng miền Bắc cần thêm khoảng 2,5 tỷ kWh điện so với mùa khô năm 2009. Nhu cầu này hiện được trông chờ vào việc có thêm 4 nguồn nhiệt điện mới là Sơn Động, Cẩm Phả 1, Hải Phòng 1 và Uông Bí mở rộng 1. Tuy nhiên, Nhà máy Điện Sơn Động đã lùi kế hoạch phát điện thêm 6 tháng so với dự định quý II/2009, Nhà máy Cẩm Phả phải tới tháng 5/2010 mới vào chính thức. Nhà máy Hải Phòng 1 cũng phải đến tháng 3/2010 mới chạy tin cậy.
Tất cả những thực tế đó đang khiến nguy cơ thiếu điện trong mùa khô năm 2010 ngày càng trở nên gay gắt.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com