Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh |
Chiều 3/8, tại buổi họp báo công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến 2030 (Quy hoạch điện VII), Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm 2020 giá điện sẽ được điều chỉnh lên 8 – 9 cents/kWh và đảm bảo các doanh nghiệp ngành điện kinh doanh có lãi.
Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 vào khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh.
Giá điện sẽ đạt 8-9 cents/kWh
Mục tiêu của quy hoạch là nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Một sự khác biệt trong quy hoạch điện VII là ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...), phát triển nhanh, từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo. Đưa tổng công suất nguồn điện sử dụng năng luợng tái tạo (không kể thuỷ điện nhỏ) từ mức không đáng kể hiện nay lên tới khoảng 1.160 MW với điện năng sản xuất chiếm tỷ trọng chiếm xấp xỉ 0,7% vào năm 2020; phát triển điện sinh khối, đồng phát điện tại các nhà máy đường có tổng công suất khoảng 500 MW với tỷ trọng điện sản xuất khoảng 0,6% vào năm 2020. Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020.
Giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020.
Đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện. Ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp: Chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020.
Nhìn lại tổng sơ đồ điện VI trong giai đoạn vừa qua, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết nhiều dự án khi triển khai chỉ đạt trên 70% kế hoạch đề ra và những dự án chậm đó sẽ được chuyển tiếp sang tổng sơ đồ VII với tiến độ cũng được qui định cụ thể.
Để thực hiện mục tiêu và khối lượng quy hoạch điện VII được duyệt, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD). Trong đó: đầu tư vào nguồn điện: giai đoạn 2011-2020 là 619,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 66,6% tổng vốn đầu tư. Đầu tư vào lưới điện: Giai đoạn 2011-2020 là 210,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư.
Thứ trưởng cho biết, các tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam sẽ vẫn là những nhà đầu tư lớn, chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển nguồn điện. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có trách nhiệm chính trong bảo đảm phát triển hệ thống truyền tải điện của quốc gia.
Được biết, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch điện VII cũng nói rõ, các địa phương sẽ phải giành quỹ đất phục vụ cho công việc giải phóng mặt bằng liên quan đến các dự án thuộc tổng sơ đồ VII. EVN đang nợ gần 10.000 tỷ đồng
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, từ tháng 3, giá điện đã được điều chỉnh tăng lên 15,28% đạt mức bình quân là 1.242 đồng mỗi kWh và với mức giá điện hiện tại chưa đủ để EVN hoạt động có lãi.
Năm 2010, tính sơ bộ riêng về sản xuất kinh doanh thì EVN đã lỗ tới 8.500 tỷ đồng.6 tháng đầu năm nay, tập đoàn đã lỗ tới 3.500 tỷ đồng. Hiện tập đoàn Điện lực còn đang nợ tập đoàn Vinacomin và Petro Vietnam khoảng gần 10.000 tỷ đồng. “Có thể nói, tại thời điểm hiện nay, hoạt động của các tập đoàn này và các đơn vị kinh doanh điện đang rất khó khăn” – Thứ trưởng chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng, đối với giải pháp về giá điện, quy hoạch điện VII thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Giá bán điện cần kích thích phát triển điện, tạo môi trường thu hút đầu tư và khuyến khích cạnh tranh trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến 2030, giá điện sẽ được điều chỉnh lên 8 – 9 cents/kWh cho đến 2020 để đảm bảo các doanh nghiệp ngành điện kinh doanh có lãi. Việc điều chỉnh thế nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định và phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô
“Với chính sách giá điện trong thời gian qua thì thời gian tới cộng thêm với tình hình phát triển thị trường điện lực nữa, hy vọng rằng không xa ngành điện sẽ có một cơ chế điện linh hoạt để khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào ngành điện và có lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp ngành điện” – Thứ trưởng khẳng định.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com