việc huy động vốn cho 13 dự án hạ tầng giao thông được thực hiện theo hình thức BOT gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đức Thanh |
Là công trình được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ, tính đến tháng 3/2010, Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (có tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng), mới hoàn thành được 56% tổng khối lượng xây lắp. “Lãi suất huy động vốn từ các ngân hàng thương mại đang ở mức cao, làm giảm sức hấp dẫn từ trái phiếu công trình của VEC. Năm 2009, VEC chỉ phát hành thành công được 423 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất từ 8,9% đến 10,5% so với nhu cầu vốn lên tới 2.500 tỷ đồng”, ông Sanh cho biết.
Bên cạnh đó, nếu lãi suất trái phiếu công trình cứ tiếp tục đứng ở mức 12 - 13% như hiện nay, dù có huy động đủ vốn để thi công, thì “di chứng” để lại cho Dự án là rất lớn. “Với mức lãi suất cao như vậy, toàn bộ khoản phí thu được nhiều khả năng chỉ đủ để trả lãi và chi phí phát hành trái phiếu, chứ chưa nói gì đến việc hoàn vốn cho công trình”, ông Lê Quốc Việt, Kế toán trưởng VEC đánh giá.
Phát hành trái phiếu công trình đã khó, việc huy động vốn cho 13 dự án hạ tầng giao thông được thực hiện theo hình thức BOT, trong đó có nhiều dự án lớn do một số tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại làm chủ đầu tư như: Dự án mở rộng Quốc lộ 51, Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận…, thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn.
Được biết, năm 2010 các dự án BOT do Bộ Giao thông - Vận tải đăng ký thực hiện khoảng 8.500 tỷ đồng. Đây cũng là số vốn mà các chủ đầu tư cần phải huy động để trả cho các đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ đề ra. “Mặc dù các dự án BOT đều có cam kết tài trợ vốn trước khi hợp đồng BOT được ký kết, nhưng với việc các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn trong huy động vốn, nguy cơ tiến độ huy động vốn bị lệch so với tiến độ xây dựng trên công trường hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Trương Tấn Viên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông – Vận tải) cho biết.
Không chỉ các dự án ngoài ngân sách, theo các chuyên gia, quãng khoảng thời gian “trăng mật” ngắn ngủi tại các dự án giao thông sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khi các chủ đầu tư luôn được bố trí đủ vốn cũng đã kết thúc. “Tổng vốn bố trí cho các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ năm 2010 thấp hơn khá nhiều so với nhu cầu và năng lực thi công”, ông Viên cho biết.
Được biết, các dự án sử dụng vốn ODA do Bộ Giao thông – Vận tải quản lý năm 2010 được Bộ Tài chính ghi khoảng 3.000 tỷ đồng, nhưng thực tế năm 2009 đã giải ngân tới 6.000 tỷ đồng và năm nay có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hơn nữa, năm nay, rất nhiều dự án qua giai đoạn khởi động bắt đầu vào giai đoạn triển khai mạnh mẽ như: cầu Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2...
Chính vì vậy, khả năng thiếu vốn là hiện hữu. Với vốn đối ứng ODA cũng trong tình trạng tương tự, năm 2010, Chính phủ chỉ ghi cho các dự án giao thông khoảng 2.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án trọng điểm là rất cao.
Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, năm nay Bộ Giao thông – Vận tải được bố trí khoảng 12.000 tỷ đồng, tuy nhiên, với đà giải ngân và thực hiện của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án như hiện nay thì khối lượng giải ngân có thể thực hiện đến 17.000 tỷ đồng. “Nếu không sớm được bố trí thêm vốn thì nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ, nguy cơ nợ đọng đơn vị thi công hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Viên khẳng định.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com