Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành Xây dựng cần phải nâng cao chất lượng quy hoạch, công trình xây dựng

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khi tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2009, triển khai nhiệm vụ năm 2010 của Ngành Xây dựng, diễn ra vào hôm nay (18/1), tại Hà Nội. 

Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2009 của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Thường trực Cao Lại Quang trình bày tại hội nghị, tình hình kinh tế thế giới năm 2009 có nhiều biến động phức tạp, khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta và ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động của ngành Xây dựng. Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, ngành Xây dựng đã đoàn kết với quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và đã thu được những thành tựu đáng kể. Giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành năm 2009 tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2008, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong kế hoạch năm 2009.

Bên cạnh đó, về thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã tập trung công tác xây dựng pháp luật theo hướng phủ kín các lĩnh vực hoạt động, phân cấp mạnh, rõ quyền, rõ trách nhiệm, thủ tục đơn giản. Năm 2009, Bộ đã hoàn thành dự thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 Luật; trình Chính phủ ban hành 1 Nghị quyết, 6 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 40 Thông tư hướng dẫn liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng.

Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc Bộ, giá trị sản xuất kinh doanh năm 2009 đạt 123.437 tỷ đồng, bằng 104,1% so với kế hoạch năm, tăng 14,6% so với thực hiện năm 2008; tổng vốn chủ sở hữu đạt 36.756,2 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2008; nộp ngân sách nhà nước 6.157,3 tỷ đồng, bằng 117,8% kế hoạch năm, tăng 38% so với năm 2008; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 18,3%.

Bộ đã giao quyền tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ cho 21 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ (18 đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động và 3 đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động). Nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các đơn vị đã tăng trưởng rõ rệt, doanh thu của hầu hết các đơn vị đều tăng so với năm 2008.

Bên cạnh đó, năm 2009, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư 4 dự án: Nhà Quốc hội, Bảo tàng lịch sử quốc gia, Cung triển lãm quy hoạch quốc gia và Khu biệt thự trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia, Đại học quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc.


Đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh:minh họa

Đến nay, Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã được khởi công ngày 12/10/2009, dự kiến hoàn thành vào Quý III/2012. Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia đang trong quá trình lập dự án và đền bù, giải phóng mặt bằng. Dự án đầu tư xây dựng Cung triển lãm quy hoạch và Khu biệt thự trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia đều được phê duyệt và khởi công trong năm 2009, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2010. Dự án đầu tư xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện điều chỉnh quy hoạch và đang khẩn trương xác định cụ thể tổng nhu cầu vốn, cơ chế thu hút, huy động vốn đầu tư cho dự án.

Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động của ngành Xây dựng trong năm 2009, Bộ Xây dựng thừa nhận có 5 mặt yếu kém lớn. Thứ nhất, về nhận thức của cán bộ lãnh đạo tại địa phương về vai trò quy hoạch xây dựng phục vụ phát triển kinh tế xã hội còn hạn chế; vốn cho công tác quy hoạch không đáp ứng đủ nhu cầu, các địa phương vẫn chưa triển khai triệt để việc sử dụng nguồn vốn cho công tác quy hoạch; lực lượng cán bộ thực hiện quản lý quy hoạch và đô thị tại các cấp cơ sở thiếu về số lượng và yếu về năng lực chuyên môn. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết tại các đô thị còn thấp, không đồng đều giữa các đô thị và vùng miền dẫn tới tính trạng cấp phép và quản lý sau cấp phép gặp rất nhiều khó khăn; việc cấp giấy phép tạm ở nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm, ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc trong nhân dân. Chất lượng của nhiều đồ án quy hoạch còn thấp, lập sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng dự báo thấp nên phải điều chỉnh trước thời hạn.

Thứ hai, chất lương phát triển đô thị còn hạn chế, chưa đồng bộ, đặc biệt là trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị; nguồn lực cho phát triển đô thị chưa đáp ứng kịp thời với nhu cầu phát triển ngày càng nhanh; khả năng đầu tư phát triển hạ tầng đô thị để thực hiện theo quy hoạch còn rất hạn chế do thiếu vốn. Tiến độ nhiều dự án cải tạo kết cầu hạ tầng giao thông còn chậm. Tỷ lệ đất dành cho giao thông còn rất thấp và chưa được chú trọng, việc xây dựng xen cấy các trung tâm thương mại, nhà chung cư lớn trong các khu đô thị cũ là một trong những nguyên nhân gây quá tải cho hệ thống hạ tầng đô thị.

Thứ ba, tỷ lệ % dân số đô thị được cấp nước sạch vẫn còn thấp. Hiệu suất khai thác các công trình chưa cao do đầu tư thiếu đồng bộ…

Thứ tư, thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn bất cập, một số cơ chế chính sách được ban hành chưa theo kịp với diễn biến của tình hình, chưa kiểm soát được tình trạng đầu cơ bất động sản; các hoạt động bất động sản giao dịch qua sàn chưa đi vào quy củ; vẫn còn thiếu các cơ chế chính sách để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp; các quy định liên quan đến công tác quản lý nhà ở chung cư cần phải tiếp tục được nghiên cứu, hoàn chỉnh.

Thứ năm, vẫn còn xảy ra sự cố nhiều công trình xây dựng, trong đó phần lớn các sự cố xảy ra trong lúc thi công mà biện pháp đảm bảo an toàn trong tổ chức thi công không được quan tâm đúng mức…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao những nỗ lực và thành tích đạt được của ngành Xây dựng trong năm 2009. Các dự án xây dựng có tốc độ giải ngân nhanh, giá trị sản lượng của ngành Xây dựng tăng 14,6% so với năm 2008, hầu hết các doanh nghiệp của ngành Xây dựng đều có giá trị gia tăng cao, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nhiều tiến bộ ...là những đóng góp hiệu quả của ngành Xây dựng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương Lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo ngành Xây dựng các địa phương trong cả nước và các doanh nghiệp ngành Xây dựng về những đóng góp rất hiệu quả trong năm 2009.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo ngành Xây dựng tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong năm qua, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010, tạo được kết quả đột phá tốt hơn nữa so với năm 2009; tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng, tăng cường cải cách thủ tục hành chính và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đồng bộ và ngày càng thông thoáng hơn; tập trung công tác chỉ đạo về tiến độ, chất lượng đối với các dự án trọng điểm lớn; quan tâm đến công tác quy hoạch với quan điểm không thể để thiếu vốn cho công tác lập quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước; xây dựng cơ chế, đề án triển khai áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới; ban hành quy chế về quản lý kiến trúc, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực...

 

(Theo Lan Hương/HNM)

  • Việt Nam đứng đầu về đầu tư năng lượng và mỏ tại Lào
  • Bảo hiểm Xã hội -một trong những thành tựu của công cuộc Đổi Mới
  • Ngành nông nghiệp: ứng dụng CNTT còn yếu
  • Triển khai điều trị cai nghiện bằng methadone trên diện rộng
  • Lấn cấn giá điện
  • Cần chuyển đổi DNNN đúng hạn
  • Ưu tiên phát triển lợi thế
  • Quy hoạch địa điểm Trung tâm điện lực tỉnh Bình Thuận
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi