Vẫn theo ông Thi, trong lĩnh vực thuế, hiện có khoảng 330 thủ tục về thuế, phí và lệ phí, trong khi theo chỉ đạo của Chính phủ thì ngay trong năm nay, ngành thuế phải giảm 30% số thủ tục hành chính, với mục tiêu đặt ra là giảm thời gian DN làm thủ tục về thuế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế xuống còn 600 giờ/năm thay vì 1.050 giờ/năm như hiện nay. Trong đó, mục tiêu đặt ra với riêng lĩnh vực thuế, phí và lệ phí là giảm khoảng 300 giờ/năm.
Trong thời gian qua, cho dù ngành tài chính đã rất nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, song việc hoàn thuế, đặc biệt là hoàn thuế với những đối tượng đã lỡ vi phạm các chính sách thuế, vẫn còn khá phiền hà, dẫn đến tình trạng nhiều DN bị thiếu vốn do chậm được hoàn thuế.
Theo Nghị định 85/2007/NĐ-CP, cơ quan thuế sẽ thực hiện “tiền kiểm” với hồ sơ hoàn thuế của DN đã có hành vi trốn thuế, gian lận về thuế trong thời hạn 2 năm (tính từ thời điểm đề nghị hoàn thuế trở về trước). Điều này có nghĩa là, trong thời gian 2 năm kể từ ngày vi phạm, dù DN có đề nghị hoàn thuế hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, thì lần nào cũng đều bị kiểm tra hồ sơ trước khi được hoàn thuế (cho dù DN đã thực hiện nghiêm túc các chính sách thuế). Quy định này đã khiến không ít DN gặp khó khăn về tài chính do tiền thuế được hoàn bị kéo dài vì phải đợi cơ quan thuế kiểm tra, xác minh hồ sơ, chứng từ.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính đề nghị, trong thời gian 2 năm tính từ thời điểm đề nghị hoàn thuế trở về trước, DN nhiều lần đề nghị hoàn thuế, nếu trong lần đề nghị hoàn thuế đầu tiên, cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ mà không phát hiện DN vi phạm thì những lần hoàn thuế tiếp theo, DN được đưa vào diện “hậu kiểm” (kiểm tra sau khi đã hoàn thuế).
Cũng theo Nghị định 85/2007/NĐ-CP, DN không thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng theo quy định cũng nằm trong diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Theo quy định này, chỉ một phần trong số tiền thanh toán hàng hoá, dịch vụ mà DN không giao dịch qua ngân hàng thì toàn bộ số tiền hoàn thuế đều thuộc diện “tiền kiểm”. Để giảm bớt khó khăn về vốn cho DN, Bộ Tài chính đề xuất, hoàn toàn bộ số thuế đối với phần mà DN thanh toán qua ngân hàng mà không cần phải chờ đến khi kiểm tra, xác minh toàn bộ số thuế đề nghị hoàn của phần hàng hoá, dịch vụ không giao dịch qua ngân hàng.
Theo quy định hiện hành, nếu hết thời hạn theo thông báo của cơ quan quản lý thuế mà DN không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế, thì hồ sơ hoàn thuế của DN bắt buộc phải được kiểm tra trước khi hoàn thuế. Quy định này trên thực tế đã khiến nhiều DN “lao đao” vì thiếu vốn, bởi trên thực tế không phải lúc nào DN cũng có thể hoàn chỉnh ngay hồ sơ hoàn thuế theo đúng yêu cầu.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, để hoàn thuế kịp thời cho DN, trong quá trình kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, nếu cơ quan thuế xác định được số thuế đủ điều kiện và thủ tục thì phải thực hiện hoàn thuế ngay đối với số thuế đã đủ điều kiện hoàn, mà không nhất thiết phải chờ kiểm tra, xác minh xong toàn bộ hồ sơ hoàn thuế mới hoàn thuế.
Ngoài việc mở rộng đối tượng hoàn thuế, đơn giản hoá thủ tục hoàn thuế, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2007/NĐ-CP, BTC còn đề xuất mở rộng đối tượng được gia hạn thời gian nộp tiền thuế, tiền phạt.
Nếu đề nghị của Bộ Tài chính được Chính phủ chấp thuận thì các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đang nợ thuế do chưa được ngân sách thanh toán có cơ hội tránh bị phạt nợ thuế vì số tiền nợ thuế này sẽ được gia hạn. Ngoài ra, các DN thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà đất được Nhà nước giao đất hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất (đang bị nợ thuế do chưa giải phóng được mặt bằng dẫn đến không có nguồn để nộp ngân sách) cũng sẽ tránh bị phạt nợ thuế vì toàn bộ số tiền nợ thuế của đối tượng này cũng sẽ được gia hạn.
(Theo Hàn Tín // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com