Chỉ đạo cụ thể
Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Tuyên Quang đạt hơn 1.942 tỷ đồng, tăng 21,23% so với năm 2008, trong đó doanh nghiệp nhà nước trung ương hơn 655 tỷ đồng, tăng 5,23%; doanh nghiệp nhà nước địa phương hơn 111 tỷ đồng, tăng 2,37%; khu vực ngoài nhà nước hơn 840 tỷ đồng, tăng hơn 45%; doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước hơn 335 tỷ đồng, tăng hơn 15%. Giám đốc Sở Công thương Hoàng Quốc Bình cho biết, năm qua tuy có khó khăn, nhưng chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những cản trở không đáng có, những vướng mắc do cơ chế, cùng với tinh thần tự chủ, sáng tạo, các doanh nghiệp đã từng bước vượt qua thách thức, cam go, không có doanh nghiệp nào bị phá sản. Cả tỉnh chỉ có 70 lao động trong đơn vị kinh tế mất việc làm, chính quyền đã chỉ đạo điều chuyển, bố trí ngay vào công việc sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hoàn thành một số dự án đầu tư đưa vào sản xuất một số mặt hàng mới tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như: Ðũa tre, giấy đế, giấy viết, bao bì, thiếc... Ðến nay với những dấu hiệu mới, tích cực của nền kinh tế và thị trường, doanh nghiệp đã chuẩn bị các nguồn lực và có điều kiện tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới.
Tiêu biểu cho các doanh nghiệp của Tuyên Quang về vượt khó, năng động, sáng tạo là Công ty cổ phần xi-măng Tuyên Quang. Là một doanh nghiệp nhà nước địa phương, thực hiện cổ phần hóa, từ tháng 3-2005, hoạt động theo mô hình cổ phần. Năm 2006, công ty quyết định đầu tư, khởi công xây dựng nhà máy xi-măng công nghệ lò quay thay thế lò đứng lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Thời gian thi công gặp lúc giá cả thiết bị, vật tư, nhân công tăng cao, thời điểm hoàn thành công trình là tháng 12-2008, vào lúc nền kinh tế suy giảm mạnh nên công ty càng gặp nhiều khó khăn. Ðược sự trợ giúp của chính quyền địa phương, bằng các giải pháp thiết thực triển khai nhanh gói kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn, trung, dài hạn, công ty giảm được khó khăn về vốn, tài chính, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, duy trì sản xuất ổn định, hiệu quả. Năm 2010, công ty đặt kế hoạch tiêu thụ 350 nghìn tấn, thực hiện các giải pháp nâng công suất vận hành đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đổi mới công nghệ lò quay, số lao động sử dụng trong dây chuyền chính từ 700 người giảm xuống còn 200 người. Công ty đã đầu tư cơ sở chế biến gỗ giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập cho 400 lao động dôi dư, số còn lại 100 lao động được giải quyết theo chế độ về hưu, thôi việc. Sản phẩm chế biến là đồ gỗ gia dụng, bàn, ghế, ván sàn, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, với doanh thu 12 tỷ đồng/năm. Ðể chủ động nguồn nguyên liệu, công ty đã nhận 4.600 ha đất trồng rừng.
Tạo môi trường đầu tư
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, Tuyên Quang quan tâm tập trung tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ðẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết khu, cụm, điểm công nghiệp. Ðã hoàn thành quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương), Cụm An Thịnh (Chiêm Hóa), Cụm Tân Thành (Hàm Yên), Cụm Nà Hang. Trong đó cụm công nghiệp Sơn Nam và An Thịnh đã được Bộ Công thương thẩm định, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư giao chỉ tiêu vốn 12 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Hoàn thành việc quy hoạch phát triển điện lực các huyện, thị xã giai đoạn (2008-2015), thực hiện bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch mạng lưới chợ và mạng lưới xăng, dầu đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tiến hành rà soát các thủ tục hành chính liên quan hoạt động đầu tư, kinh doanh, giảm những thủ tục không cần thiết, áp dụng mô hình "một cửa", "một cửa liên thông", tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp... Những năm qua, Tuyên Quang thu hút được 32 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, tổng số vốn đăng ký hơn 10.303 tỷ đồng. Trong đó, có chín dự án chế biến nông, lâm sản; 18 dự án sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim; ba dự án sản xuất điện, nước; hai dự án chế nạp ga. Có 20 dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động, số còn lại đang tiếp tục triển khai. Một số dự án có giá trị đầu tư lớn, có vai trò tác động liên ngành làm tăng giá trị gia tăng như: Dự án xây dựng Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, Dự án xây dựng Nhà máy xi-măng Tân Quang, Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất bao bì... Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp và đầu tư, sản xuất, kinh doanh, năm 2009, Tuyên Quang đạt tốc độ tăng trưởng của GDP là 14,5%.
Năm 2010, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư, quản lý theo quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thu hút, phát huy các nguồn lực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, chú trọng xây dựng, phát triển thị trường, chỉ đạo triển khai thực hiện đúng tiến độ các dự án đầu tư, hình thành sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng với tốc độ cao, theo cơ cấu hợp lý, bền vững.