Trong nhiều năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông Việt Nam được đánh giá là có những bước phát triển hơn trước. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại đạt 88,7%, Internet 24,2%, hơn 60% cơ quan chính quyền cấp tỉnh có mạng nội bộ (LAN), hơn 90% có kết nối Internet...
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao ở mức độ sẵn sàng cho chính phủ điện tử, chưa có khung kiến trúc tổng thể cũng như việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung. Điều này là một trở ngại đối với quá trình xây dựng chính phủ điện tử.
Tín hiệu lạc quan
Theo bản báo cáo về chỉ số sẵn sàng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) của Việt Nam được công bố vào tháng 12-2008, hầu hết các tỉnh, thành phố, bộ và cơ quan ngang bộ trên cả nước đều có trang web cung cấp các thông tin và dịch vụ hành chính công trực tuyến. Có nhiều địa phương đã đạt đến cấp độ 3, nghĩa là công dân có thể điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ, xử lý và giao dịch hồ sơ qua mạng với các cơ quan quản lý nhà nước. Một số địa phương đang sẵn sàng cho mục tiêu cấp độ 4, nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện dịch vụ và trả kết quả trực tuyến.
Quá trình triển khai chính phủ điện tử hiện nay tại Việt Nam có điều thuận lợi là Chính phủ đã quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 19-11-2009 đã nói rằng chính phủ điện tử là một chương trình lớn và rất mới, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo. Những yếu tố thuận lợi khác làchính phủ điện tử được người dân và xã hội ủng hộ, hệ thống văn bản quản lý khá đầy đủ, có kinh nghiệm thành công và thất bại; về tổ chức, các cơ quan đều có đơn vị chuyên trách về CNTT. Bên cạnh đó, hạ tầng của ngành CNTT và viễn thông, tỷ lệ 25% dân số sử dụng Internet là những tiền đề rất căn bản để triển khai có hiệu quả chính phủ điện tử. |
Năm 2008 cũng ghi nhận việc nhiều cơ quan chính phủ, các bộ và địa phương tiến hành họp giao ban qua mạng Internet. Chỉ riêng việc này cũng đã đem lại những lợi ích rõ rệt.
Trước đây, ở mỗi cuộc họp của trung ương, nếu mỗi tỉnh cử từ một đến ba người đi dự thì trên cả nước sẽ có khoảng 120-130 người dự họp. Kinh phí cho mỗi lần họp mất khoảng 500-800 triệu đồng. Giờ đây, họp qua mạng thì mỗi địa phương có thể cử 10 người tham gia, toàn quốc có thể có từ 500 đến 1.000 người tham dự mà không phải tốn thời gian, kinh phí cho việc đi lại.
Bên cạnh đó, nhiều cán bộ cơ sở có điều kiện nghe ý kiến thảo luận của cơ quan trung ương, tiếp nhận thông tin một cách trực tiếp và đầy đủ hơn.
Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong việc xây dựng chính phủ điện tử còn được thể hiện bằng sự cải thiện vị trí của quốc gia trên bản đồ CNTT thế giới.
Theo bản báo cáo kết quả nghiên cứu về chính phủ điện tử 2010 do Tổ chức Mạng quản trị công của Liên hiệp quốc (UNPAN) thực hiện, vị trí của Việt Nam trong năm 2009 tăng lên một bậc so với năm 2008; chính phủ điện tử của Việt Nam được xếp hạng 90/192, và đứng thứ sáu trong 11 quốc gia Đông Nam Á.
Bản báo cáo cũng nhấn mạnh rằng sự phát triển chính phủ điện tử phản ánh sự sẵn sàng không chỉ của nhà nước mà còn của cả hạ tầng CNTT và viễn thông.
Việt Nam đang xúc tiến triển khai nhanh chính phủ điện tử với mong muốn đưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, nếu tính từ năm 1995, thời điểm khởi xướng chính phủ điện tử, đến nay đã 15 năm, bên cạnh không ít thành công thì chúng ta cũng nhận cả những bài học cay đắng.
Chúng ta tuy còn nghèo, nhưng triển khai chính phủ điện tử thì không thể ngồi đợi đến khi kinh tế phát triển, nên chính phủ điện tử không còn là câu chuyện của riêng ai và cải cách hành chính cũng không thể chần chừ thêm nữa.
Thách thức trước mặt
Cải cách nhằm rút ngắn thủ tục hành chính và chính phủ điện tử đã không còn là hai con đường mà phải là một quá trình cùng hoàn thiện. Các địa phương cũng dần quen và sử dụng chữ ký số, e-mail… và quên dần những tập hồ sơ giấy tờ với mộc đỏ.
Nếu các thủ tục hành chính không hợp lý được bãi bỏ càng sát với yêu cầu thực tiễn thì sự tác động tích cực đến sản xuất-kinh doanh, đến chi phí của doanh nghiệp và người dân và sự cải thiện môi trường kinh doanh càng lớn. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính cũng góp phần vào việc gia tăng chỉ số cạnh tranh mà các địa phương cần tính đến.
Tuy nhiên, những điều nói trên chỉ có thể đạt được trước hết từ ý chí cải cách hành chính chứ không phải từ năng lực của hạ tầng CNTT. Mục tiêu của ứng dụng CNTT trong nền hành chính nhà nước là tạo ra một phương thức vận hành thông suốt, hiệu quả của bộ máy công quyền thông qua việc sử dụng các hệ thống thông tin điện tử.
Do vậy, các ứng dụng CNTT phải được thiết lập trên cơ sở “đơn đặt hàng” của bộ máy hành chính và nhờ tính năng đặc biệt của công nghệ mà bộ máy hành chính sẽ hoạt động có hiệu quả, năng động. Chính cải cách hành chính là chủ thể đưa ra mục tiêu, yêu cầu cho việc thiết lập các hệ thống CNTT. Mức độ cải cách sẽ quyết định quy mô, phạm vi của CNTT, chứ không phải ngược lại.
Điều cản trở chính đối với sự phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam không phải ở kỹ thuật mà là ở thể chế. Một số yếu tố đáng kể là vai trò đầu tàu, chỉ đạo về chính phủ điện tử còn hạn chế, truyền thông về công nghệ và năng lực của ngành CNTT-TT cho khu vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn thiếu, khung pháp lý cho các hoạt động CNTT-TT còn chưa hoàn chỉnh... Tất cả là những thách thức lớn sắp tới sẽ lấy đi của chúng ta rất nhiều công sức và thời gian.
___________________________
(*) Chuyên viên cao cấp - nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ.
(Theo Diệp Văn Sơn (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com