Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thận trọng nhưng phải nhanh

Minh họa: Khều.

Những thông tin liên quan đến những cáo buộc gần đây trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, đặc biệt là vụ PCI và vụ tiền polymer đã đặt ra một số vấn đề pháp lý quan trọng.

Vụ Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) bị cáo buộc đã hối lộ tiền cho quan chức Việt Nam để trúng thầu dự án Đại lộ Đông - Tây, TPHCM, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản vỡ lở khi Yomiuri Shimbun, nhật báo hàng đầu của Nhật Bản đưa tin liên tiếp trên các số báo ra ngày 29 và 30-6-2008. Thông tin này ngay sau đó đã được đăng lại trên một số phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam.

Còn vụ Công ty Securency (Úc) bị nghi ngờ hối lộ hàng triệu đô la Mỹ cho một công ty Việt Nam để chạy hợp đồng in tiền polymer đã được tờ The Age của Úc đăng bài điều tra từ tháng 5-2009 và mới đây lại tiếp tục đăng tải với nhiều thông tin cập nhật.

Thông tin liên quan đến tội phạm (trong nước) trên các phương tiện truyền thông nước ngoài có thể nói là một vấn đề khá mới mẻ. Theo điều 100, Bộ luật Tố tụng hình sự, tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng thuộc một trong số năm loại thông tin để làm cơ sở xác định dấu hiệu tội phạm.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các phương tiện thông tin đại chúng ở đây phải được hiểu là phương tiện thông tin đại chúng chính thống trong nước. Còn thông tin trên mạng và báo chí nước ngoài hiện nay nhan nhản, thậm chí có những thông tin bịa đặt, thì có cần thiết theo dõi, xử lý như một loại tin báo tội phạm hay nếu có thì cũng chỉ có tính chất “tham khảo”? Cách hiểu này thu hẹp phạm vi loại tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và có thể giúp cho cơ quan điều tra bớt “mệt” hơn trong việc theo dõi, xử lý thông tin phục vụ hoạt động phòng chống tội phạm. Thế nhưng, có một thực tế đang diễn ra trong quá trình nước ta hội nhập quốc tế là việc xuất hiện ngày càng nhiều các loại tội phạm xuyên biên giới.

Hoạt động tố tụng phòng chống tội phạm, kể cả trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về tố tụng hình sự, luôn phải được đặt trong tư thế chủ động, có tin báo, tố giác là phải kịp thời xử lý ngay, không thể kéo dài chần chừ.

Tại Hội nghị quan chức cao cấp các nước ASEAN lần thứ ba về Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự được tổ chức hồi tháng 9 năm ngoái, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an, cũng nhận định: tình hình tội phạm đang có xu hướng diễn biến phức tạp, không dừng lại là vấn đề của một quốc gia, một vài quốc gia mà đã trở thành vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

 Đặc biệt là loại tội phạm khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm về ma túy, mua bán người qua biên giới, sản xuất và lưu hành tiền giả, lừa đảo quốc tế, buôn lậu vũ khí... (TTXVN, 18-9-2008). Như vậy, nếu chỉ dựa vào tin báo trên các phương tiện truyền thông trong nước chủ yếu đưa tin về tình hình tội phạm trong nước thì làm sao phòng chống hiệu quả tội phạm xuyên biên giới? Do đó, bên cạnh những tin báo trên các phương tiện truyền thông trong nước và các nguồn tin khác về tội phạm, cần thiết phải coi thông tin trên các báo, đài nước ngoài như một kênh tin báo tội phạm quan trọng.

Điều này cũng phù hợp pháp luật vì Bộ luật Tố tụng hình sự không phân biệt tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng được cung cấp bởi ai, phương tiện thông tin đại chúng trong nước hay các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài.

Sau khi nhận được tin báo, tố giác về tội phạm, theo quy định, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh nguồn tin để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Kiểm tra, xác minh nguồn tin nhằm đảm bảo sự cẩn trọng, tính chính xác trong việc xác định có hay không có dấu hiệu phạm tội. Khi xác định được là có sự việc xảy ra và sự việc đó có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin không phải kéo dài bao lâu tùy ý mà phải được thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm ngặt theo thời hạn luật định. Cụ thể, theo điều 103, Bộ luật Tố tụng hình sự thời hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm là 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trong trường hợp sự việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng cũng không quá hai tháng. Luật cũng yêu cầu kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố phải được thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.

Nói cách khác, hoạt động tố tụng phòng chống tội phạm, kể cả trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về tố tụng hình sự, luôn phải được đặt trong tư thế chủ động, có tin báo, tố giác là phải kịp thời xử lý ngay, không thể kéo dài chần chừ. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản đã được quy định ngay tại điều 1, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Phải nói rằng những vụ liên quan đến yếu tố nước ngoài như PCI, tiền polymer... là những vụ việc phức tạp, nhạy cảm và gần như chưa có tiền lệ. Như trong vụ PCI, riêng việc dịch 4.000 trang tài liệu tiếng Anh do phía Nhật cung cấp đã tốn rất nhiều công sức, thời gian. Tuy nhiên, dù khó khăn, hoạt động tố tụng về phòng chống tội phạm vẫn phải tuân theo những nguyên tắc, quy trình và thời hạn đã được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, nếu làm khác đi là không phù hợp với pháp luật.

_________________________

(*) Luật sư - Văn phòng luật sư Người Nghèo

(Theo Nguyễn Tiến Tài - Trịnh Thanh (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định
  • Hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu sẽ được nâng cao
  • Nhà ở xã hội đội giá vì thủ tục hành chính
  • Cơ sở hạ tầng Việt Nam làm chùn bước doanh nghiệp
  • Nhà thầu thờ ơ với dự án cầu đường sắt Thống Nhất
  • Bài toán chất lượng tăng trưởng kinh tế
  • Công nghiệp trong nước phục hồi mạnh mẽ
  • Hướng đến nền ngoại giao điện tử
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi