Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân: Cần sự bình đẳng

Từ góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Hồng Sơn – TGĐ Tập đoàn Đầu tư phát triển Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XII, cho rằng cần tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp tư nhân lên “tập đoàn”.

Khối kinh tế tư nhân trong những năm gần đây đóng góp ngày càng nhiều hơn vào ngân sách nhà nước. Tôi nghĩ ngoài đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về việc xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân thì Chính phủ cũng đã nhìn thấy vai trò của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Trên thế giới, khái niệm tập đoàn được hiểu một cách đơn giản là một nhóm công ty kết hợp với nhau hoạt động đa ngành nghề, đa quốc gia và vùng lãnh thổ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về phát triển kinh doanh, phân bổ và giảm thiểu rủi ro, tích tụ tập, trung vốn để mở rộng quy mô, đa dạng loại hình kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo ra sự ảnh hưởng lớn đến thị trường. Đây là cơ cấu phát triển khách quan trong hoạt động kinh doanh.

Ở Việt Nam, thời gian vừa qua các tập đoàn kinh tế được hình thành dựa trên việc chuyển đổi từ mô hình tổng công ty nhà nước. Nhà nước điều tiết hoạt động của các công ty thành viên thông qua vai trò cổ đông, vì vậy một số quyết định vẫn mang tính hành chính, chưa thiết lập được mối quan hệ nội tại.

ÔngNguyễn Hồng Sơn: “Tập đoàn kinh tế tư nhân bao giờ cũng có sự chủ động và linh hoạt hơn các tập đoàn kinh tế nhà nước

Trong lĩnh vực kinh tế tư nhân, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô và lĩnh vực hoạt động theo xu hướng phát triển của mô hình tập đoàn và cũng đã tích tụ được vốn khá lớn. Nhiều doanh nghiệp đã huy động vốn tốt thông qua thị trường chứng khoán, có bước phát triển đột phá. Luật Doanh nghiệp cũng đã có nhắc đến khái niệm tập đoàn nhưng mô hình cụ thể như thế nào thì trong luật lại chưa nêu. Và việc đưa ra một mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân thực chất là một khái niệm để chính danh cho một mô hình kinh tế đang có.

Cái gọi là mô hình kinh tế tập đoàn tư nhân hiện nay thực chất là các nhà đầu tư dân doanh đang hoạt động theo mô hình tập đoàn. Nói chung các doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình đa lĩnh vực, đa ngành nghề, đang phát triển và có hiệu quả…

Tôi nghĩ khi Chính phủ, Nhà nước chỉ tập trung quan tâm, đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế nhà nước mà bỏ qua việc chuẩn bị điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển thì trước hết thiệt thòi cho kinh tế đất nước, bởi bản thân các tập đoàn kinh tế tư nhân có lộ trình của họ và họ cũng biết cách khai thác những góc độ mà pháp luật cho phép.

Trên thực tế, tập đoàn kinh tế tư nhân bao giờ cũng có sự chủ động và linh hoạt hơn các tập đoàn kinh tế nhà nước. Nhưng các tập đoàn kinh tế tư nhân hiện không được giao các dự án, loại hình kinh doanh mà nhà nước độc quyền. Bên cạnh đó, trong tiếp cận nguồn vốn, nếu như doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay tối đa là 70% trên vốn tự có thì các doanh nghiệp nhà nước có thể vay được gấp hàng chục lần. Trong việc sử dụng đất, phần lớn các công ty tư nhân phải mua chứ không được thuê thoải mái như các công ty nhà nước. Đây có thể coi là vấn đề lịch sử để lại, nhưng thiết nghĩ để chính danh hơn thì phải định giá lại giá trị quyền sử dụng đất để đưa vào vốn của họ, lấy cơ sở đó hạch toán kinh doanh lỗ lãi của doanh nghiệp trên vốn thực. Tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng sẽ tạo động lực cho các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển. Vấn đề này Quốc hội cũng đang có ý kiến để làm sao chuyển dịch dần độc quyền doanh nghiệp sang độc quyền kinh tế nhà nước.

Vì vậy, trong thời gian tới, việc hoạch định các chính sách nhằm xây dựng mô hình hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân phải tương thích với hệ thống pháp luật, cải cách hành chính về cạnh tranh và đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ, thuế, tài chính, ngân hàng, sát nhập và mua lại theo hướng thống nhất… làm sao để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi đồng thời tạo ra được sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng của Việt Nam đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải có những tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ đạo và điều tiết một số lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế. Thành công của một số doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn sẽ tác động nhất định đến hệ thống doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tạo động lực cho các doanh nghiệp nỗ lực vươn lên. Vì vậy, việc thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu mạnh của Việt Nam có khả năng cạnh tranh thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế. Theo tôi, bất kỳ thành phần kinh tế nào thì hiệu quả kinh tế vẫn phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, xây dựng hành lang pháp lý cho mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân cần phải đưa ra được các quy định cụ thể về vốn, quy mô hoạt động… nhằm tạo ra được sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

(Theo Báo Doanh nhân)

  • Khai thác titan: Triệt để mà thân thiện môi trường
  • Năm 2020: Phải hoàn chỉnh chiến lược đàm phán các hiệp định thương mại tự do
  • “Thống đốc cầu thị, nhưng còn lúng túng”
  • Khởi công kho chứa khí hoá lỏng lạnh lớn nhất
  • Tăng trưởng GDP năm 2010 sẽ dưới 6,5%
  • Tham nhũng - một trong năm 'nút thắt' lớn của kinh tế Việt Nam
  • Nhiều cơ hội đầu tư vào các DN nhà nước lớn
  • Trả lời chất vấn: Nặng lý do, nhẹ giải pháp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi