Trong lúc những bất ổn vĩ mô xuất hiện, việc tập trung cho khu vực dân doanh và nỗ lực xoay trở của cộng đồng doanh nghiệp đã tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế
Bất chấp bóng ma suy thoái kinh tế vẫn còn lởn vởn trên toàn cầu, VN được xem là quốc gia thoát khủng hoảng nhanh, dự báo sẽ có những bước phát triển ấn tượng trong năm 2010. “Thế nhưng, qua quý I/2010, đã xuất hiện một số rủi ro ảnh hưởng đến tính bền vững của nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN) trong nước”. TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright tại VN, nhận định tại Diễn đàn Kinh tế VN lần thứ nhất vừa được Hội Doanh nhân trẻ TPHCM và Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức với sự tham dự của 500 đại diện DN.
Tăng trưởng - lạm phát giằng co
Triển vọng kinh tế năm 2010 của nước ta đang trên đà phục hồi, GDP quý I/2010 đạt 5,8%, cao hơn nhiều so với năm 2009 (chỉ 3,1%). Giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại, trong đó công nghiệp chế biến tăng 5,9% so với 2,8% của năm 2009 và doanh thu bán lẻ tăng khoảng 15%.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, căn nguyên bất ổn của nền kinh tế là lạm phát có dấu hiệu tăng cao. Hàng loạt chỉ số của quý I năm nay đều đáng lo ngại như CPI tăng 8,5%, xuất khẩu tăng trưởng âm, nhập siêu 3,5 tỉ USD, thâm hụt thương mại khoảng 9 tỉ USD.
Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang khai thác thị trường nông thôn. Trong ảnh: Một chuyến đưa hàng về bán ở vùng nông thôn tỉnh Lâm Đồng từ ngày 8 đến 11-4. Ảnh: Hồng Mai |
Ngoài ra, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tại các quốc gia khác sau thời gian phục hồi luôn giảm hoặc giữ nguyên khoảng 6%-7% thì ở VN một thời gian dài “ngự” mức 15%-17%.
TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng: “Kinh tế VN 2010 có sự giằng co về chính sách, giằng co giữa hai mục tiêu giữa tăng trưởng và lạm phát. Đến lúc này có thể nói mục tiêu kìm giữ CPI năm nay khó đạt được, chỉ còn hy vọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế”.
Quan tâm hơn kinh tế dân doanh
Trong những giai đoạn nền kinh tế khó khăn nhất, khu vực kinh tế dân doanh vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Cụ thể: Đóng góp 47% GDP, 32% tổng vốn đầu tư xã hội, thu hút hơn 87% lao động (so với khu vực kinh tế Nhà nước lần lượt là 34%; 33,3% và 9%). Trong quý I, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân lên đến 15%, bằng với khu vực đầu tư nước ngoài và tăng hơn gấp đôi so với khu vực kinh tế Nhà nước.
Thế nhưng, cơ chế cho khu vực kinh tế dân doanh hiện chưa được quan tâm xứng tầm, trong khi động năng để phát triển giá trị sản xuất công nghiệp chính là khu vực này. Các chuyên gia cho rằng nếu muốn phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa vào năm 2020 thì chính sách của Nhà nước phải là đòn bẩy thúc đẩy cho khu vực kinh tế dân doanh gia tăng năng suất, chất lượng để tạo ra giá trị công nghiệp cao.
Bên cạnh đó, hai vấn đề lớn mà các DN thuộc khu vực kinh tế dân doanh lưu ý là cần tìm lối đi ở thị trường trong nước, phát triển thị trường nông thôn và đầu tư nguồn nhân lực vì đây là khu vực đối mặt với nhiều cạnh tranh khốc liệt. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, cơ cấu tiêu dùng của các hộ gia đình nông thôn đã thay đổi từ chỗ chỉ toàn gạo, nhu yếu phẩm nay đã có thêm các sản phẩm chế biến với tỉ lệ chiếm 50% tổng chi tiêu, còn lại là 5% cho may mặc, 15% cho đồ dùng gia đình... Các DN quan tâm đến thị trường này cần có những kế hoạch phân phối ngành hàng phù hợp. Về đào tạo nguồn nhân lực, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, gợi ý chỉ cần 10% DN VN chọn một sinh viên để đầu tư và xem đó như là kế hoạch đầu tư kinh tế thì trong vòng 6 tháng đến 2 năm, chúng ta đã có đủ lực lượng nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển của DN trong nước. Hiện nay mới có khoảng 7.000 nhân sự quản lý đạt trình độ tiên tiến, chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Linh hoạt thích ứng
Kế sách thích ứng của mỗi DN trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng cho bản thân DN và cả nền kinh tế. Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải dự báo DN có thể còn đối mặt với những biến động về lãi suất trong thời gian sắp tới nên cần có giải pháp hạn chế rủi ro, đồng thời chú ý làm ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bởi hiện rất nhiều DN mở rộng quy mô sản xuất mà không nâng cao chất lượng sản phẩm. “Sắp tới, ACB sẽ đề ra chiến lược trong 10 năm trên cơ sở thực hiện những kế hoạch cụ thể chứ không dự báo suông” - ông Hải nói.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, đưa ra giải pháp cho các DN kinh doanh đa ngành nghề là phải chia nhỏ chiến lược cho từng ngành hàng để giảm thiểu rủi ro, đồng thời giữ vững tăng trưởng ổn định. Hiện Kinh Đô tập trung vào 4 lĩnh vực như sản xuất, chế biến thực phẩm, phân phối, bất động sản và tài chính.
Từ kinh nghiệm vượt qua khó khăn để thành công, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Minh Long 1, nói: “Tôi không có khả năng dự báo nên chỉ biết thay đổi kế hoạch sản xuất theo từng thời điểm nhằm thích ứng với biến động của nền kinh tế. Chẳng hạn, hai năm nay Minh Long tập trung sản xuất sản phẩm có tính ứng dụng cao như bộ đồ ăn, nhà bếp; giảm các mặt hàng mang tính mỹ thuật, trưng bày như ấm trà, bình hoa, hàng lưu niệm...; chú trọng những bộ sản phẩm dành cho gia đình ít người với giá bán khoảng 300.000 đồng - 1 triệu đồng/bộ, thay vì giá thấp nhất 1 triệu đồng/bộ như trước đây”. Nhờ kịp thời chuyển hướng vào thị trường trong nước với thị phần 65% nên kết quả kinh doanh của Minh Long năm 2009 tăng trưởng đến 40%. “Xác định mô hình hoạt động chỉ là DN nhỏ và vừa nên không làm quá sức, không đầu tư quá tầm tay. DN nhỏ và vừa mà quản lý tốt vẫn dễ xoay trở để thích ứng khi có biến động hơn DN lớn. Nếu các DN biết lượng sức mình, không thổi bong bóng to thì không bao giờ lo bóng vỡ” - ông Lý Ngọc Minh chia sẻ.
PGS-TS Trần Đình Thiên: Cần có lương tâm tiêu dùng! Hai mươi năm qua, VN không có thặng dư thương mại bởi chưa cân bằng được cán cân xuất khẩu với nhập khẩu. Trong đó, nguyên nhân sâu xa vẫn là tỉ lệ nhập siêu tăng chóng mặt, trở thành căn bệnh trầm kha. Ngoài yếu tố xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, còn có một lý do đó là tâm lý tiêu dùng hàng nhập khẩu trở nên phổ biến. Hãy nhìn từ góc độ khác biệt của VN để có những giải pháp phù hợp. Giải pháp đó không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn đòi hỏi sự góp sức của mỗi DN và lương tâm của người tiêu dùng cùng văn hóa ứng xử của người dân. |
(Theo Mai Vân // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com