Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiếp tục kích cầu sẽ tăng trưởng tốt hơn

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định như vậy khi trả lời phóng viên Báo Người Lao Động và các cơ quan báo chí khác vào ngày 28-10, xung quanh việc nên hay không thực hiện gói kích cầu thứ 2.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết gói kích cầu lần thứ nhất đã mang lại hiệu quả tích cực dù số vốntung ra không bằng nhiều nước khác. Gói kích cầu chủ yếu dành hỗ trợ vốn lưu động, trong đó tập trung vào vấn đề lao động, an sinh xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) duy trì lao động. Đầu năm 2009, vấn đề lao động mất việc làm đặt ra gay gắt nhưng sau khi có gói kích cầu thì lao động bắt đầu được duy trì ổn định. Đến hết quý I/2009, nền kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng, lao động trở lại xí nghiệp, DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.


Đầu năm 2009, vấn đề lao động mất việc làm đặt ra gay gắt nhưng sau khi có gói kích cầu thì lao động bắt đầu được duy trì ổn định.Trong ảnh:Một công đoạntrong dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Bến Nghé. Ảnh: N. Hữu

Tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp

* Phóng viên: Theo Chính phủ, đâu là kết quả tích cực nhất cũng như những điểm còn tồn tại của gói kích cầu lần thứ nhất?

 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tăng trưởng và việc làm liên quan mật thiết với nhau. Khi kinh tế bắt đầu suy giảm cuối năm 2008 thì lúc đó vấn đề việc làm đặt ra rất gay gắt. Vì thế, mục tiêu Chính phủ đặt ra là phải làm sao hỗ trợ DN có thể giảm bớt gánh nặng về chi phí để duy trì công ăn việc làm. Chính phủ tác động vào các gói kích cầu ở khu vực nông thôn cũng chính là tạo ra việc làm ở khu vực này. Vì vậy, khi các lao động bị sa thải ở khu vực thành thị về khu vực nông thôn thì cũng có việc làm. Điều đó là hết sức quan trọng vì giữ được sự ổn định và bảo đảm an sinh. Qua điểm đáy suy giảm quý I, kinh tế đã phục hồi đồng thời duy trì được việc làm. Rõ ràng, nếu không duy trì được tăng trưởng GDP khoảng 5,2% trong năm nay thì sẽ mất nhiều việc làm.

* Nhiều đại biểu Quốc hội (QH) đã bày tỏ mong muốn có gói kích cầu thứ hai. Quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?

- Các đại biểu QH và các nhà kinh tế đã phát biểu nhiều về vấn đề này. Chính phủ trong phiên họp tháng 10 (dự kiến trong hai ngày 29 và 30-10) sẽ bàn luận và đưa ra quyết định. Gói thứ hai nếu có cũng tốt vì lãi suất hiện nay vẫn còn cao. Do vậy, nếu duy trì được một gói hỗ trợ lãi suất nữa sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho DN. Nếu chúng ta cắt ngay sự hỗ trợ trong khi lãi suất chưa giảm được thì DN sẽ khó khăn hơn. Mục tiêu mà Chính phủ đang thúc đẩy là duy trì sự bứt phá tăng trưởng để kinh tế không quay lại vòng suy giảm thứ hai. Các nhà kinh tế trên thế giới đang lo ngại cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ có hai vòng chứ không phải là một. Tức là suy thoái kinh tế thế giới theo hình chữ W chứ không phải hình chữ V. Nếu có gói hỗ trợ thứ hai thì kinh tế chúng ta sẽ tăng trưởng an toàn hơn và mạnh mẽ hơn. Chưa nói xuất khẩu vốn rất quan trọng tới nền kinh tế của chúng ta nhưng đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Cho nên, nếu duy trì bước hỗ trợ tiếp theo cộng với từng bước thúc đẩy kinh tế và giảm dần lãi suất sẽ tạo điều kiện tăng trưởng tốt hơn.



Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời các phóng viên hôm qua, 28-10. Ảnh: T.Dũng

Hết sức cẩn trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô

* Nhưng Chính phủ có lo ngại rằng một gói kích cầu tiếp theo sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng lạm phát và bội chi?

- Lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là điều mà chúng ta phải thường xuyên quan tâm. Nó có xảy ra hay không thì chúng ta vẫn phải điều hành kinh tế cho tốt thôi. Vấn đề đó lúc nào cũng có thể xảy ra được nếu điều hành không tốt. Chúng ta biết hiện nền kinh tế đang thực hiện các gói kích cầu, đầu tư lớn trong khi đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại và thị trường chứng khoán đang khởi sắc. Đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp đang trở lại cùng với các gói kích cầu của Chính phủ đòi hỏi phải điều hành kinh tế vĩ mô hết sức cẩn trọng. Vì lượng tiền bơm ra rất lớn nên nếu chúng ta không cân đối được tiền và hàng, tức các đầu tư đưa vào không ra được sản phẩm thì sẽ mất cân đối và dễ dẫn tới lạm phát. Trong điều hành kinh tế vĩ mô, đó là biện pháp lớn nhất mà Chính phủ phải duy trì trong giai đoạn tới.


* Nền kinh tế chúng ta đang phục hồi nhưng nhiều ý kiến cho rằng chưa thực sự bền vững. Vậy, nếu không có gói kích cầu thứ hai, thì liệu chúng ta có duy trì được đà phục hồi kinh tế hiện nay cũng như các mục tiêu bảo đảm việc làm và an sinh xã hội?


- Nếu bỏ gói kích cầu ngay thì các DN sẽ gặp khó khăn nhiều hơn vì mặt bằng lãi suất hiện nay còn cao. DN gặp khó khăn sẽ khó khăn hơn trong việc duy trì việc làm. Trong khi kinh tế còn khó khăn và chưa quay lại tốc độ tăng trưởng cao như trước đây, như công nghiệp chưa tăng trưởng ở mức 17% thì có khả năng ảnh hưởng tới việc làm. Nếu chúng ta có gói kích cầu thứ hai thì tăng trưởng kinh tế sẽ bền vững hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hoàng Anh:

Ủng hộ gói kích cầu thứ hai

 

Ủy ban Kinh tế của QH ủng hộ có một gói kích cầu thứ hai nhưng dừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn mà chỉ còn hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn để phục vụ cho đầu tư. Trong giai đoạn hiện nay, các mục tiêu ưu tiên của Nhà nước và DNlà tái cấu trúc nền kinh tế cũng như DN nên cần tập trung hỗ trợ cho ưu tiên này, phục vụ đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ và sản phẩm theo đánh giá của DN.


Thực ra, việc hỗ trợ đầu tư với gói kích thích trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay cũng chưa phải quá lớn nhưng nó góp phần giúp cho DN giải quyết phần nào khó khăn, tạo niềm tin cho DN rằng Nhà nước và Chính phủ luôn đứng cạnh DN và đồng hành cùng DN.

Do lo ngại lạm phát và bội chi nên vai trò kiểm soát của Nhà nước rất quan trọng. Chúng ta phải kịp thời thiết lập hệ thống giám sát để kịp thời phát hiện ngay những vấn đề như kích thích không đúng đối tượng, mục tiêu, chính sách... ngay từ khi bắt đầu giải ngân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển:

Nên tiếp tục kích thích kinh tế

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH đã bày tỏ quan điểm là tiếp tục thực hiện kích thích kinh tế nhưng thay đổi về mục tiêu định hướng, chứ không đặt vấn đề gói kích cầu thứ nhất hay thứ hai. Hiện gói kích thích kinh tế 145.000 tỉ đồng vẫn đang triển khai như khoản bù lãi suất mới sử dụng 10.000 tỉ đồng trong khi mục tiêu đặt ra là 17.000 tỉ đồng, như vậy còn 7.000 tỉ đồng. Nhưng mục tiêu sẽ thay đổi là không bù lãi suất ngắn hạn nữa mà chỉ bù cho khu vực nông thôn theo Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ. Còn lại, bù lãi suất ngắn hạn theo kiểu bình quân dàn đều thì dừng. Về thuế thì dừng miễn, giảm mà chỉ còn dãn thuế.


Chúng ta phải tập trung vào đầu tư chiều sâu. Trước đây với việc bù lãi suất ngắn hạn là để sơ cứu nền kinh tế thì sắp tới tập trung vào bù lãi suất trung và dài hạn để tái cấu trúc nền kinh tế, đầu tư vào những lĩnh vực mang lại sự phát triển và hiệu quả cao cho nền kinh tế. Mặt khác, trái phiếu Chính phủ (năm 2008 là 54.000 tỉ đồng và năm nay 56.000 tỉ đồng)tiếp tục thực hiện, đầu tư vào những lĩnh vực hàng hóa công cộng, cơ sở hạ tầng thiết yếu quan trọng như giao thông, thủy lợi hay giáo dục và y tế. Cùng với đó là dừng miễn, giảm thuế chuyển sang dãn thêm một quý để bớt khó khăn cho DN.


Cũng nên tiếp tục kích thích vào lĩnh vực nông nghiệp vì khu vực này tuy tăng trưởng không cao nhưng chiếm 60%-70% lực lượng lao động.


Nền kinh tế chúng ta đang phục hồi nhưng chưa trở lại trạng thái bình thường. Vì thế nên tiếp tục có kích thích. Nếu ngừng kích thích kinh tế thì chắc chắn nền kinh tế sẽ gặp khó khăn. Rõ ràng, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm tới thì có nhiều yếu tố nhưng yếu tố kích thích kinh tế là rất cần thiết để đạt mục tiêu đặt ra và để nền kinh tế trở lại giai đoạn tăng trưởng bình thường như trước khi xảy ra lạm phát và suy thoái kinh tế. Quan điểm của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH là nên kích thích kinh tế cho đến khi nào nền kinh tế trở lại giai đoạn phát triển ổn định như trước năm 2007.

P. D ghi

 

(Theo nld online)

  • Quản lý hoạt động hàng không đang bị buông lỏng?
  • Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị chuyển hướng kích thích kinh tế
  • Tái cơ cấu kinh tế nhìn từ thủ tục hành chính
  • Thí điểm cơ chế đấu thầu với tập đoàn kinh tế
  • Gói kích cầu kinh tế thứ hai đã được Chính phủ thông qua
  • Năm 2009: Tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm gần đây
  • Sản xuất công nghiệp đang có chuyển biến tích cực
  • Phân bổ ngân sách trung ương năm 2010: Ưu tiên thực hiện chính sách cải cách tiền lương
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi