- Khai thác than sạch tháng 10 ước đạt 3,5 triệu tấn, tăng 21,5% so với tháng 9 nhưng chỉ bằng 83,9% so với tháng 10/2009; tính chung 10 tháng ước đạt 35,5 triệu tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Khối lượng bóc đất đá để gia tăng trữ lượng ước đạt 175,3 triệu m3, tăng 5,0% so với cùng kỳ. Mét đào lò mới 272,9 nghìn mét, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Sản lượng than đá xuất khẩu 10 tháng ước đạt 15,5 triệu tấn, chỉ bằng 77,9% cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu tăng 55,0% nên đưa kim ngạch xuất khẩu tăng 20,7% so với cùng kỳ. Tiêu thụ than cho các hộ trong nước 10 tháng ước đạt 19,0 triệu tấn, tăng 16,0% so với cùng kỳ, trong đó: hộ điện 6,8 triệu tấn, tăng 29,0%; hộ xi măng ước 4,1 triệu tấn, tăng 26,0%. Lượng tồn kho than thành phẩm 4,8 triệu tấn, trong đó than tiêu chuẩn Việt Nam khoảng 2,5 triệu tấn.
Hiện nay, khó khăn trong ngành than và cũng là khó khăn chung của các ngành công nghiệp đặc thù là tình trạng thiếu lao động hoặc lao động di chuyển từ nơi thu nhập thấp sang nơi có thu nhập cao hơn. Điều này gây khó khăn cho việc duy trì sản xuất cũng như nâng cao sản lượng than đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế quốc dân trong hiện tại và những năm tiếp theo.
- Sản xuất thép tháng 10 chỉ duy trì sản lượng tương đương so với tháng trước, ước đạt 0,47 triệu tấn, tăng 9,2% so với tháng 10/2009; tính chung 10 tháng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của mưa bão nên lượng thép tiêu thụ trong nước tháng 10 giảm đáng kể, lượng tồn kho khá lớn. Tuy nhiên, xuất khẩu sắt thép các loại tăng mạnh, 10 tháng ước đạt 1,5 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ, chủ yếu là thép cuộn cán nguội, ống thép các loại vào một số thị trường có nhu cầu cao như Mỹ, Campuchia...
Tiêu thụ giảm từ nửa cuối tháng 9 nên giá thép tháng 10 giảm nhẹ từ 200-400 nghìn đồng/tấn nhưng những ngày cuối tháng, giá thép và lượng tiêu thụ đã được cải thiện do nhu cầu tăng. Giá thép bán lẻ trên thị trường hiện nay vẫn còn cao, ở mức 15,5-15,7 triệu đồng/tấn. Để góp phần bình ổn giá, Tổng công ty Thép Việt Nam đã áp dụng các chính sách chiết khấu để thúc đẩy tiêu thụ. Tuy nhiên, do hệ thống phân phối còn hạn chế nên người tiêu dùng cuối cùng không được hưởng toàn bộ phần chiết khấu trực tiếp này (khoảng 30% lượng thép).
- Sảnxuất phân bón tháng 10 tăng nhẹ do nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân đang tới gần, phân urê ước đạt 86,1 nghìn tấn, phân NPK ước đạt 225,2 nghìn tấn; tính chung 10 tháng so với cùng kỳ, phân urê ước đạt 820,2 nghìn tấn, tăng 5,5%, phân lân giảm 3,4%, phân NPK tăng 10,0%. Riêng phân DAP ước đạt 118 nghìn tấn, chỉ đạt 45,3% kế hoạch năm.
Gần đây, giá phân bón trong nước tuy biến động khá mạnh nhưng cũng không phải là quá cao. Giá urê Phú Mỹ khoảng 7 triệu đồng/tấn (giá nhập khẩu 7,2 triệu đồng/tấn), giá NPK khoảng 7,6 triệu đồng/tấn (giá nhập khẩu 8 triệu đồng/tấn). Việc giá phân bón tăng một phần là do tâm lý tiêu dùng của nông dân, sau khi bán lúa xong tranh thủ mua về trữ cho vụ đông xuân tới.
Dự báo trong thời gian tới, thị trường phân bón sẽ ổn định do nhu cầu sử dụng thật sự vẫn chưa tăng mạnh, lượng cung phân bón được đảm bảo và sự quản lý chặt chẽ của nhà nước về sản xuất và phân phối phân bón. Tình trạng phân bón giả lưu thông trên thị trường cũng đã giảm rất nhiều do sự nỗ lực của Hiệp hội phân bón Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước và nông dân trong việc phát hiện, xử lý sản xuất phân bón giả.
Vinanet
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com